Vụ sư thầy tà dâm ở chùa Biện Sơn: Đôi lúc, người ta tìm đến cơ sở thờ tự chỉ để cầu lợi lộc…

Nhóm PV Thứ bảy, ngày 23/07/2022 07:02 AM (GMT+7)
Sau khi đọc loạt bài "Ký sự tà dâm nơi cửa phật" của Báo điện tử Dân Việt, GS.TS Đỗ Quang Hưng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn tôn giáo của UBTWMTTQ Việt Nam, đã dành thời gian chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Dân Việt về vụ việc.
Bình luận 0
Vụ sư thầy tà dâm ở chùa Biện Sơn: Đôi lúc, người ta tìm đến cơ sở thờ tự chỉ để cầu lợi lộc… - Ảnh 1.

GS.TS Đỗ Quang Hưng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn tôn giáo của UBTWMTTQ Việt Nam. Ảnh: Phạm Nghĩa/ Công an nhân dân

Phóng viên: Theo ông, bản chất vụ việc "Tà dâm nơi cửa Phật" diễn ra tại chùa Biện Sơn (tỉnh Vĩnh Phúc) mà Dân Việt phản ánh trong các phóng sự gần đây là như thế nào?

- GS.TS Đỗ Quang Hưng: Trong nghề nghiệp của mình (lĩnh vực nghiên cứu tôn giáo), tôi có ba ý thế này để nói về phương pháp luận. 

Vấn đề thứ nhất, trong nền văn hóa Á Đông của chúng ta, các bậc tu sỹ của các đạo nói chung đều được người dân dành cho vị trí khá là cao trong xã hội. Nói đơn giản là: người ta thần tượng lắm. Cho nên khi nó bị "sứt sẹo", đổ vỡ niềm tin (kiểu như vụ tà dâm chúng ta đang nói), người Á Đông (như người Việt Nam ta), chắc chắn là rất day dứt rồi. Họ suy nghĩ rất nhiều. Trong khi, có thể ở phương Tây người ta chỉ nhún vai một cái. Đó là vấn đề thứ nhất.

Thứ hai, theo nghiên cứu về đời sống văn hóa tôn giáo, ít nhất là bắt đầu từ đầu thế kỷ 21 trở lại đây lĩnh vực này có nhiều biến chuyển lắm. Biến chuyển lớn nhất là động đến đời sống tu tập của các vị tu sỹ. Bên cạnh đó, có những sự khủng hoảng, sự thoái hóa cái này cái kia. Khoan hãy nói vụ ở chùa Biện Sơn. Như giới truyền thông đã phản ánh, sự thật là ở Mỹ từng có đến hàng trăm vụ linh mục công giáo dính vào ấu dâm. Thậm chí, các vụ ấy lớn đến mức, nó làm cho Giáo hội ở nước ấy "nghèo đi" vì phải đền bù án phạt, đền bù nhân phẩm , sức khỏe của nạn nhân. Ở đây, liên quan đến đạo đức nữa.

Vụ sư thầy tà dâm ở chùa Biện Sơn: Đôi lúc, người ta tìm đến cơ sở thờ tự chỉ để cầu lợi lộc… - Ảnh 1.

Những gì người ta thấy ở chùa Biện Sơn, khác với những gì chúng tôi biết về vị sư trụ trì nổi tiếng nơi này. Ảnh: Dân Việt

Chính cái luật độc thân của người tu hành trong đó có đạo Phật vừa là một nét đặc sắc trong tu đạo để giữ đạo và giữ tài sản của giáo hội, nhưng cũng có thể là "nguồn gốc" nào đó về tâm lý trong những vụ việc mà các đấng bậc hoặc các vị tu sĩ vấp phải lỗi phạm đạo đức đáng tiếc. Nhưng nói cho cùng, không thể đổ lỗi cho luật độc thân được!

Khi một người tu sĩ xuất gia, lựa chọn việc dấn thân vào cuộc tu hành để đi tìm ý nghĩa cao cả của cuộc đời mình thì đương nhiên người tu sĩ đó phải chấp nhận cái luật đạo cũng như luật đời, ngay khi mới lựa chọn đức tin. 

Hơn thế nữa, cuộc sống tu hành giữ giới răn đạo hạnh đặc biệt ở người tu sĩ phật giáo, đó là một mặt theo truyền thống văn hóa Á Đông thì người dân dù là phật tử hay ngoại đạo luôn tôn trọng các nhà tu hành. 

Mặt khác ở đạo Phật còn có một đặc điểm quan trọng về đặc tính của đức tin hay niềm tin của đạo phật là nó không bị mâu thuẫn trong giáo lý giáo luật hay bị chứng minh là sai lầm như một số các tôn giáo khác. 

Chính vì điều này, nó vừa là lợi thế về mặt đạo đức và vị thế xã hội của tu sĩ phật giáo, nhưng đồng thời nó cũng là "gánh nặng" về mặt đạo hạnh của người tu sĩ đạo phật. Vì thế khi người tu sĩ hay các đấng bậc trong phật giáo đánh "đánh rơi" mình vào vòng tội lỗi thì họ đã đụng đến tính khả tín (cre'dibilite') của niềm tin phật giáo mất rồi.

Theo chúng tôi, có một vấn đề xã hội là trong và sau quá trình đi tu, người tu đã có tiền, có tài sản lớn… Đã có một số vụ, sau quá trình "thác loạn" bị tố giác, người ta ra khỏi chùa với rất nhiều tài sản. Từ đây, đặt ra vấn đề: có kẻ đã mượn đường tu, coi đó như một cái nghề để trục lợi kiếm thật nhiều tiền từ quá trình người dân cúng bái, quyên góp?

- Tôi cũng được biết, đây là một hiện tượng rất đáng tiếc và đôi khi có tính nghịch lý của những "án lệ" với những người tu hành hoặc chính từ sự xử lý của các giáo hội. Nhưng hiện nay tôi cũng chưa thấy rõ lắm cơ sở pháp lý và thậm chí cả giới luật trong câu chuyện về tài sản cá nhân này. Tôi chưa thể bình luận điều gì thêm!

Vụ sư thầy tà dâm ở chùa Biện Sơn: Đôi lúc, người ta tìm đến cơ sở thờ tự chỉ để cầu lợi lộc… - Ảnh 3.

Sư trụ trì Thích Minh Pháp dẫn một đệ tử trẻ tuổi vào phòng Phương Trượng. Ảnh: Dân Việt

Liệu có phải chúng ta đang có nhiều bà con còn mù quáng khi "cúng" quá nhiều cho các vị tu sỹ "có vấn đề" kia không?

Mấu chốt là có phải tại vì dân mình cũng dung dưỡng họ một cách "quá đáng" không? Tôi nghĩ điều này có thể đúng nhưng mặt khác đây cũng là một biểu hiện của "thị trường tôn giáo" và đời sống tôn giáo tâm linh sầm uất ở nước ta hiện nay. 

Nhưng, về nhu cầu tôn giáo của người dân, luật pháp bây giờ nới rộng hơn, bảo hộ tốt hơn (điều này thì ai cũng biết rồi); nhưng, khi mà lý thuyết là thế và thực tế cũng có phần là thế, thì vấn đề này nó lại là vấn đề xã hội học rất phức tạp về nhu cầu tôn giáo tâm linh của con người. Bạn nên nhớ rằng bản thân tôn giáo do hoàn cảnh đặc biệt của nó (bên một số quốc gia họ đã thừa nhận), đôi khi còn là cơ sở cung cấp dịch vụ tâm linh.

Riêng đối với phật giáo, quả thực đạo phật là một trong những tôn giáo có khả năng nhất trong việc cung cấp "dịch vụ tâm linh" cho người dân. Khi được coi là "dịch vụ tâm linh" thì nó đã bị vận hành theo quy luật của thị trường. 

Người dân mình bây giờ cũng có biểu hiện khi có tiền cũng lo lắng về tâm linh trăm nghìn thứ, cho nên cũng lợi dụng cái "niềm tin tâm linh" này theo cách của họ. Nó nhiều mặt lắm. Cho nên cả phía các cơ sở tôn giáo cũng nên xem lại cả cái này. 

Lại nữa, cũng không phải không có lỗi của người dân đâu. Chính bản thân người dân đã lợi dụng, bị trục lợi niềm tin. Đôi lúc, người ta biết gì về niềm tin tôn giáo nhiều mấy đâu, mà người ta đi cầu lợi, cầu lộc mà thôi. Trong các vụ việc này, các bạn làm báo như Báo Dân Việt đã xông xáo, có chất liệu gốc để cảnh tỉnh, chấn chỉnh các vấn đề đau đầu kia là rất tốt.

Vụ sư thầy tà dâm ở chùa Biện Sơn: Đôi lúc, người ta tìm đến cơ sở thờ tự chỉ để cầu lợi lộc… - Ảnh 5.

Chùa Biện Sơn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phục mới được tôn tạo, xây dựng thêm gần 20 năm nay. Ảnh: Dân Việt

Thưa ông, đứng về quy định thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam có các trường đào tạo, vậy thì, cần nắn chỉnh ở đâu về đạo đức cho các vị sư đang bị xã hội lên án kiểu như vụ "tà dâm" tại chùa Biện Sơn kia?

- Có lẽ chúng tôi gói lại vấn đề này bằng việc xin đưa ra một suy nghĩ có tính "kiến nghị" rằng, việc khắc phục những lỗi phạm về mặt đạo đức tôn giáo và xã hội trong một bộ phận tu sĩ của phật giáo thì tốt nhất nên có sự kết hợp hai mặt. 

Một mặt, đương nhiên đó là việc nâng cao việc giáo dục tư cách đạo đức của người tu hành, tính nghiêm cẩn của giới luật của giáo hội như sự thể hiện thái độ, xử lý kịp thời vụ "Tà dâm nơi cửa phật ở Chùa Biện Sơn" đáng tiếc vừa qua nhưng mặt khác cũng cần sự kết hợp giáo dục tâm sinh lý kiến thức và xu thế của tính hiện đại trong phật giáo. 

Qua đó để chúng ta có thể tăng thêm hi vọng một đội ngũ tăng ni được đào tạo tốt hơn từ cánh cửa của các sơ sở đào tạo cũng như trang bị cho họ thêm khả năng thích ứng với điều kiện sinh hoạt và tu tập trong xã hội hiện đại. Hai cái đó kết hợp được với nhau thì mới hiệu quả. Tức là, phải nỗ lực thêm và phải nâng cao cả tư duy hiện đại hóa của Phật giáo.

Chân thành cảm ơn Giáo sư với các chia sẻ bổ ích!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem