Vụ thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ: 49 doanh nghiệp có đòi lại được tiền?
Liên quan đến vụ hối lộ đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng ở Vĩnh Phúc, theo kết luận điều tra của Công an tỉnh, hiện có 49 cá nhân là lãnh đạo các công ty, doanh nghiệp đã đề nghị trả lại số tiền đã nộp từ vài triệu đến gần 100 triệu đồng.
Các cá nhân đề nghị trả lại số tiền lớn như ông Đỗ Ngọc Y (Phó Giám đốc Công ty TNHH Đức Trung, Giám đốc Công ty CP tư vấn thiết kế XD Phúc Sơn) đề nghị trả lại số tiền 93 triệu; ông Trương Quang B (Giám đốc Công ty CP ĐTXD và thương mại Sơn Tùng) đề nghị trả lại 95 triệu đồng;
Ông Lê Thành L (Giám đốc Công ty TNHH xây dựng và thương mại Bảo Linh Vĩnh Phúc, Phó Giám đốc Công ty TNHH xây dựng và thương mại 17/8 Vĩnh Tường, Phó Giám đốc Công ty TNHH xây dựng và thương mại Kiên Huệ) đề nghị trả lại 90 triệu đồng…
Ngoài ra, theo kết luận điều tra, trong số 49 người đề nghị trả lại tiền, có tới hơn 10 đơn vị đề nghị trả lại từ 50 triệu trở lên.
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, vấn đề tham nhũng và hối lộ trong hoạt động của doanh nghiệp thời gian qua luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Tham nhũng, hối lộ làm tăng chi phí, phá vỡ nền tảng quản trị của doanh nghiệp, tạo sự bất bình đẳng trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên thị trường.
Đặc biệt, khi tham nhũng, hối lộ được thực hiện với sự câu kết giữa doanh nghiệp với các công chức tha hoá sẽ hình thành những "nhóm lợi ích thân hữu" và có khả năng tác động tiêu cực tới quá trình xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật, khi đó hậu quả càng thêm nghiêm trọng.
"Sự việc lần này gây rúng động dư luận. Do đó cần phải xử lý nghiêm minh không chỉ đối với người nhận mà còn đối với người đưa. Bởi chính họ đã không tố giác mà còn thông đồng với các cán bộ để nhằm đem lại lợi ích cho doanh nghiệp mình", luật sư Bình nói.
Luật sư Bình cho biết, theo Khoản 7 Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định: Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ."
Với điều luật này, người đưa hối lộ sẽ được chia làm 02 trường hợp.
Nếu người đưa hối lộ trong trạng thái bị người nhận hối lộ ép buộc, tức là bị đe dọa về tinh thần, thể chất, khiến cho người đưa hối lộ miễn cưỡng, bắt buộc phải đưa hối lộ. Rõ ràng về ý thức họ không hề mong muốn, ban đầu cũng không có ý định về việc đưa hối hộ. Trường hợp này người đưa hối lộ được xác định là không có tội và được trả lại toàn bộ tài sản đã dùng để đưa hối lộ.
Nếu người đưa hối lộ chủ động, không bị ép buộc để đưa hối lộ, về ý thức chủ quan đây là hành động có tính toán, chủ động tiếp cận, chủ động thực hiện hành vi tội phạm và mong muốn thực hiện hành vi đưa hối lộ. Nên trường hợp này họ chỉ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và chỉ được trả lại một phần hoặc toàn bộ tài sản dùng đưa hối lộ.
"Tuy nhiên, trong vụ này Cơ quan điều tra đã chuyển tội danh từ Tội nhận hối lộ với mức hình phạt cao nhất là tử hình sang Tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản người khác. Như vậy, trong trường hợp này những người đưa hối lộ đáng lẽ phải bị truy tố cùng vụ án lại trở thành bị hại. Do vậy, tài sản sẽ phải trả lại cho họ nếu đã bị tạm giữ", ông Bình nói.
Vị luật sư này cũng cho rằng, việc các cá nhân, doanh nghiệp này có vi phạm trong quá trình kinh doanh - sản xuất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và việc bị ép đưa tiền từ đoàn thanh tra Bộ Xây dựng là hai việc hoàn toàn khác nhau.
Vì vậy, việc doanh nghiệp đòi lại tiền là trong một vụ án khác còn việc họ có sai phạm thì lại là chuyện khác. Sai phạm của họ cũng cần được cơ quan chuyên môn làm rõ để xử lý theo quy định.