ADB hạ dự báo tăng trưởng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam dự kiến đạt 6,3%
Theo báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) tháng 7/2025, ADB dự báo tăng trưởng GDP khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năm nay sẽ chỉ đạt 4,7%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với ước tính hồi tháng 4. Dự báo cho năm 2026 cũng giảm nhẹ, xuống còn 4,6%.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ xuất khẩu sụt giảm do môi trường thương mại toàn cầu bất ổn và mức thuế nhập khẩu cao hơn của Hoa Kỳ, cùng với đà suy yếu trong tiêu dùng nội địa tại nhiều quốc gia.
Bên cạnh đó, với thương mại toàn cầu rạn nứt, rủi ro địa chính trị leo thang, ADB cảnh báo rằng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sẽ tiếp tục đối mặt với các rủi ro nghiêm trọng như căng thẳng thương mại leo thang với Hoa Kỳ, xung đột địa chính trị, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và giá năng lượng tăng cao.
Một yếu tố rủi ro đặc biệt là sự suy thoái sâu hơn dự kiến của thị trường bất động sản Trung Quốc, vốn đã tạo ra làn sóng ảnh hưởng tiêu cực lan rộng trong khu vực. “Châu Á và Thái Bình Dương đã cho thấy khả năng chống chịu ấn tượng trước những biến động bên ngoài trong nửa đầu năm nay.
Tuy nhiên, các rủi ro đang gia tăng và sự bất định kéo dài đòi hỏi các nền kinh tế trong khu vực cần tiếp tục củng cố nội lực, đẩy mạnh thương mại tự do và hội nhập khu vực để duy trì tăng trưởng bền vững” ông Albert Park, Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB nhận định.

Dự báo tăng trưởng cho Trung Quốc – nền kinh tế lớn nhất khu vực – được giữ nguyên ở mức 4,7% trong năm nay và 4,3% trong năm tới. Các biện pháp kích thích tiêu dùng và tăng cường sản xuất công nghiệp được kỳ vọng sẽ bù đắp phần nào tác động từ thị trường bất động sản yếu kém và xuất khẩu sụt giảm.
Còn Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ hai, được dự báo tăng trưởng lần lượt 6,5% và 6,7% trong hai năm tới, giảm nhẹ 0,2 và 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Nguyên nhân đến từ sự bất ổn trong thương mại và các chính sách thuế nhập khẩu mới của Hoa Kỳ làm suy yếu xuất khẩu và đầu tư nước ngoài.
Đông Nam Á và Việt Nam đối mặt sức ép ngắn hạn. Cụ thể, các nền kinh tế Đông Nam Á được đánh giá chịu tác động mạnh mẽ nhất từ tình hình thương mại kém tích cực và môi trường đầu tư bất định.
Tăng trưởng của tiểu vùng này dự kiến đạt 4,2% trong năm 2025 và 4,3% trong năm 2026 – mỗi năm giảm khoảng 0,5 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 4. Trong đó, Việt Nam – một trong những điểm sáng của khu vực – vẫn duy trì nền tảng tăng trưởng tích cực trong trung hạn, nhưng đang chịu sức ép rõ rệt trong ngắn hạn.
Dữ liệu từ ADB cho thấy, tăng trưởng GDP Việt Nam dự kiến đạt 6,3% trong năm 2025 và giảm nhẹ còn 6,0% vào năm 2026. Nguyên nhân chính là ảnh hưởng từ thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ được công bố đầu tháng 7/2025, theo đó các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bị áp mức thuế nhập khẩu cao hơn đáng kể.
Điều này có thể làm giảm nhu cầu hàng hóa Việt tại thị trường Mỹ – vốn là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam – từ nửa cuối năm 2025 sang đến 2026.
Dù vậy, ADB ghi nhận một số điểm sáng trong nửa đầu năm: giải ngân vốn đầu tư nước ngoài tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước, với cam kết FDI mới tăng tới 32,6%. Giải ngân đầu tư công đạt 31,7% kế hoạch cả năm – mức cao nhất kể từ năm 2018 – cho thấy cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chỉ số PMI trong lĩnh vực sản xuất cho thấy sự chậm lại kể từ cuối năm 2024, nhưng ADB cho rằng nếu các cải cách nội địa được đẩy mạnh – đặc biệt trong cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng suất – Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua được giai đoạn thử thách hiện nay.
Lạm phát tại Việt Nam được dự báo sẽ hạ nhiệt, đạt 3,9% trong năm 2025 và tiếp tục giảm xuống 3,8% trong năm 2026, nhờ vào giá năng lượng ổn định và nguồn cung nông sản trong nước dồi dào.
Đi ngược lại xu hướng giảm là các nền kinh tế ở Cáp-ca-dơ và Trung Á. ADB dự báo tăng trưởng của tiểu vùng này được nâng lên 0,1 điểm phần trăm cho cả năm nay và năm sau, lần lượt ở mức 5,5% và 5,1%, chủ yếu nhờ kỳ vọng tăng sản lượng dầu mỏ.
Lạm phát tại châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển được dự báo sẽ tiếp tục hạ nhiệt, nhờ giá dầu giảm và sản lượng nông nghiệp cao giúp giảm áp lực giá lương thực. ADB dự báo lạm phát khu vực này ở mức 2,0% trong năm 2025 và 2,1% trong năm 2026, thấp hơn so với mức dự báo lần lượt là 2,3% và 2,2% trong tháng 4.