Vụ trúng thầu đấu giá mỏ cát sông Tiền hơn 2.800 tỷ đồng: Người dân thấp thỏm lo mất đất, mất nhà

Hồng Cẩm - Hoàng Quân Thứ tư, ngày 14/04/2021 06:00 AM (GMT+7)
Những ngày qua dư luận xôn xao về việc tỉnh An Giang đưa ra đấu giá hai mỏ cát trên sông Tiền và sông Hậu và một doanh nghiệp (DN) tại TP.HCM đã trúng giá mỏ cát trên sông Tiền với giá "khủng" 2.811 tỷ đồng (cao gấp hơn 390 lần giá khởi điểm).
Bình luận 0

Bên cạnh việc dư luận xôn xao với giá trúng giá mỏ cát "khủng" là nỗ lo, bất an sạt lở, mất đất, mất nhà của rất nhiều hộ dân sống dọc theo bờ sông Tiền và sông Hậu…

Mỏ cát trị giá hơn… 2.800 tỷ đồng

Ngày 29/3 Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh An Giang có thông báo kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản hai mỏ cát sông trên sông Tiền (thuộc xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), và mỏ cát trên sông Hậu (thuộc xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú và xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang). Hai DN trúng giá gồm Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ T-S.HOME (TP.HCM), trúng giá mỏ cát trên sông Tiền, với trữ lượng cát hơn 2,372 triệu m3, được tạm tính hơn 2.811 tỷ đồng và Công ty TNHH Phúc Thành Tân Châu (An Giang), trúng giá mỏ cát trên sông Hậu, với trữ lượng hơn 1,449 triệu m3, với giá gần 273 tỷ đồng. Điều mà cơ quan chức năng tỉnh An Giang bất ngờ và dư luận xôn xao là DN trúng giá mỏ cát sông Tiền với giá "khủng", 2.811 tỷ đồng (cao gấp hơn 390 lần so với giá khởi điểm, mức khởi điểm 7,2 tỷ đồng). Trong khi giá cát thực tế, với mỏ cát khoảng 2,5 triệu khối cát giá chỉ dao động từ 150 - 220 tỷ đồng.

Vụ trúng thầu đấu giá mỏ cát sông Tiền hơn 2.800 tỷ đồng: Người dân thấp thỏm lo mất đất, mất nhà - Ảnh 1.

"UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh mời DN trúng thầu đến để xem xét thỏa thuận một số điều kiện cần thiết mới ra quyết định trúng thầu. Để tránh việc đấu thầu ảo, khi làm việc với DN này cụ thể ra sao, tỉnh sẽ thông tin với báo chí".

Ông Nguyễn Thanh Bình

- Chủ tịch UBND tỉnh An Giang

Nhiều DN khai thác cát tại ĐBSCL và TP.HCM cho rằng, với mỏ cát có trữ lượng chưa tới 2,5 triệu khối mà DN trả giá và trúng giá 2.811 tỷ đồng là điều hết sức "bất thường".

Ông Bùi Văn On - Phó Giám đốc Công ty TNHH Phúc Thành Tân Châu (huyện Đồng Tháp Mười, Đồng Tháp), là 1 trong 19 DN tham gia đấu giá mỏ cát sông Tiền cho biết: "Hôm đó tôi theo được tới vòng 29 (đạt 950%, tương đương 1.400 tỷ đồng) nhưng thấy nhóm DN ở TP.HCM trả giá tăng cao quá "bất ngờ" nên tôi đành bỏ cuộc. Với giá tới 2.811 tỷ đồng cho 2,5 triệu khối cát thì không thể có lời được. Vì tôi tạm tính giá cát cao nhất 300.000 đồng/m3 nhân với khối lượng gần 2,5 triệu m3 cát đó không thể cao hơn 2.000 tỷ đồng" - ông On khẳng định.

Cũng là người trực tiếp tham gia đấu giá mỏ cát sông Tiền, nhưng bỏ cuộc ngay sau vòng đầu, bà Trần Thị Hợp (Công ty TNHH DV TM BĐS Bích Hợp (TP.Cần Thơ), cho biết: "Ngay từ vòng đấu giá đầu tiên giá đã tăng lên 400 tỷ đồng, vượt quá mức sắp xếp của công ty tôi tính toán ngay từ đầu nên tui rút lui sớm. Với mỏ cát 2,5 triệu khối đó, giá tầm 120 tỷ đồng còn có sống, chứ 2.811 tỷ đồng thì tôi chào thua".

Một DN chuyên kinh doanh ngành cát lâu năm tại TP.HCM phân tích khả năng DN ở TP.HCM trúng giá mỏ cát sông Tiền với giá 2.811 tỷ đồng mà có lời thì chỉ có 3 khả năng xảy ra, đó là: Khai thác vượt mức, tạo sự khan hiếm để độc quyền và mỏ cát chủ chốt từ Campuchia về.

Nỗi lo mất đất, mất nhà

Theo khảo sát của phóng viên, mỏ cát trên sông Tiền nằm cạnh cù lao Giêng. Để đến được nơi đây, phóng viên phải vượt sông Hậu, rồi chạy dọc theo Tỉnh lộ 944, sau đó qua đò mới tới được cù lao này. Hỏi thăm về mỏ cát 2.811 tỷ đồng, ông Lê Phước Đông (ngụ ấp Bình Phú, xã Bình Phước Xuân) than thở: Cù lao Giêng phía giáp sông Tiền, trước đây bị sạt lở vào bờ hàng chục mét và mấy năm nay cát bồi trở lại. Cách nay khoảng 6 năm, đối diện nhà ông là mỏ cát được 2 tỉnh Đồng Tháp và An Giang cấp phép khai thác. Bên bờ An Giang có nhiều xáng cạp lấy cát. Sau vài tháng múc cát, nhà cửa của hàng chục hộ dân bắt đầu bị đe dọa, sạt lở nên địa phương tiến hành di dời. Dù vậy hoạt động khai thác giữa sông Tiền vẫn diễn ra, từ đó tốc độ sạt lở ngày một nghiêm trọng, nên người dân đứng ra phản đối, cầu cứu cơ quan chức năng.

"Sau đó việc khai thác phía An Giang được tạm dừng, nhưng phía Đồng Tháp vẫn khai thác cho đến bây giờ. Mới bớt lo được vài năm mấy ngày nay hay tin mỏ cát được đưa ra đấu giá nên trong xóm ai cũng lo lắng bởi nạn sạt lở. Nhà trôi sông, cây cối hoa màu trôi sông, chúng tôi phải sống bằng gì?"- ông Đông lo lắng.

Cùng nỗi lo với ông Đông, cụ Nguyễn Thị Hiền (75 tuổi), buồn rầu tâm sự: "Ở cồn Giêng này, ngoài trồng cây trái, rau màu thì một số gia đình ít đất còn giăng câu, thả lưới để có thêm thu nhập. Đây là vùng đất được bồi đắp phù sa nên khai thác cát là sạt lở dữ lắm, khai thác càng sâu thì càng nguy hiểm. Nên nghe sắp tới khai thác cát trở lại mấy hôm nay tôi mất ăn, mất ngủ". Tiếp xúc với phóng viên, người dân nơi đây còn cho biết, đến thời điểm này địa phương vẫn chưa mời họp dân, không có thông báo gì đến việc đưa mỏ cát gần nhà đem ra đấu giá. Nếu có lấy ý kiến thì họ cũng phản đối đến cùng.

Cơ quan chức năng lên tiếng

Trao đổi với phóng viên, bà Đặng Nguyễn Hồng Châu - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp tỉnh An Giang cho biết: "Cuộc đấu giá hai mỏ cát trên sông Tiền và sông Hậu diễn ra đảm bảo tính độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, khách quan và đúng theo quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi cho người có tài sản đấu và và người tham gia đấu giá. Chính vì vậy mà cuộc đấu giá đã mang lại nguồn thu cao nhất cho ngân sách nhà nước khi 2 DN trúng quyền khai thác 2 mỏ cát nộp trên 3.000 tỷ đồng cho địa phương".

Bà Châu cũng cho biết thêm, trong trường hợp DN trúng quyền khai thác mỏ cát bỏ tiền cọc (hơn 1 tỷ đồng vì tính 15% so với giá khởi điểm) thì đơn vị hoàn thành hồ sơ để chuyển cho cơ quan chức năng An Giang sẽ xem xét để tiến hành các thủ tục đấu giá lại quyền khai thác mỏ cát. Nên không có trường hợp DN trúng đấu giá tại cuộc đấu giá "bỏ chạy" thì trao quyền khai thác cát cho DN đứng thứ 2.

Nhận định về việc DN trúng giá mỏ cát sông Tiền với giá "khủng", ông Nguyễn Việt Trí - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cho biết: "Việc đấu giá khai thác mỏ cát trên sông Tiền, sông Hậu đã từng được tổ chức đấu giá. Tuy nhiên, với kết quả một DN trúng đấu giá mỏ cát trên ông Tiền với số tiền 2.811 tỷ đồng thì đây là kết quả "đột biến". Rất nhiều khả năng DN này sẽ bỏ quyền khai thác cát mỏ cát trên sông Tiền này".

Ông Trí cho biết thêm, đối với mỏ cát trên sông Tiền, để có giấy phép khai thác đúng quy định, DN trúng đấu giá phải đóng tiền đợt 1 khoảng 140 tỷ đồng và 4 năm tiếp theo mỗi năm DN phải nộp là 667,853 tỷ đồng. Còn trong trường hợp DN "bỏ chạy" thì mất tiền cọc 1,4 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: "UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh mời DN trúng thầu đến để xem xét thỏa thuận một số điều kiện cần thiết mới ra quyết định trúng thầu. Để tránh việc đấu thầu ảo, khi làm việc với DN này cụ thể ra sao, tỉnh sẽ thông tin với báo chí".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem