Vùng đất trù phú nào của nước ta một thời từng "trên cơm dưới cá", nay cá tôm đi đâu mất rồi?

Thứ ba, ngày 15/03/2022 13:05 PM (GMT+7)
Ngày chưa xưa lắm, chỉ vài mươi năm trước thôi, cá tôm rất nhiều. Có khi người ta bắc nồi cơm lên bếp rồi mới nghĩ tới chuyện câu cá, giở lọp, gỡ lưới, quăng chài bắt cá cho bữa ăn, vẫn kịp.
Bình luận 0

Ngày chưa xưa lắm, chỉ vài mươi năm trước thôi, cá tôm rất nhiều. Có khi người ta bắc nồi cơm lên bếp rồi mới nghĩ tới chuyện câu cá, giở lọp, gỡ lưới, quăng chài bắt cá cho bữa ăn, vẫn kịp.

Vùng đất trù phú nào của nước ta một thời từng "trên cơm dưới cá", nay cá tôm đi đâu mất rồi? - Ảnh 1.

Đẩy côn bắt cá mùa nước nổi. Ảnh: N.K

Miền đất “trên cơm dưới cá”

Miền Tây sông nước từng được biết đến như là vùng “trên cơm, dưới cá”. Gần như ai sinh ra và lớn lên ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều ăn cá mỗi ngày.

Thủy sản tự nhiên là nguồn dinh dưỡng và thu nhập quan trọng của người dân ĐBSCL. Cá tự nhiên có vai trò đặc biệt sống còn đối với các hộ gia đình nghèo, không đất ở nông thôn.

Sản lượng thủy sản tự nhiên nước ngọt ở ĐBSCL từng được Trung tâm cá thế giới đánh giá khoảng 220.000-440.000 tấn, tương đương giá trị hơn 1 tỉ đô la Mỹ mỗi năm, dựa theo số liệu thống kê chính thức của các tỉnh. Các chuyên gia cho rằng con số thực tế có thể lớn hơn rất nhiều.

Nghiên cứu của Jensen năm 2000 ước lượng sản lượng đánh bắt chỉ riêng tỉnh An Giang đã là 180.000 tấn/năm. Một nghiên cứu khác của P.M Phương, Viện Thủy sản 2, năm 1999, ước lượng sản lượng đánh bắt bình quân đầu người ở An Giang là 190,7 ki lô gam/năm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Thế giới, năm 2005, ước lượng sản lượng thủy sản tự nhiên theo diện tích đồng ngập lũ ở vùng Cần Thơ và Kiên Giang là 430 ki lô gam/héc ta.

Trong những năm gần đây, nguồn lợi này ngày càng suy giảm, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Cách dễ nhất là đổ thừa cho người dân đánh bắt quá mức.

Một nghiên cứu năm 2007 ước lượng mức tiêu thụ cá bình quân đầu người một năm ở ĐBSCL là 60,2 ki lô gam và như vậy hàng năm người dân đồng bằng tiêu thụ đến 1.021.700 tấn cá nước ngọt.

Đó là chưa kể sản lượng cá biển ven bờ, theo số liệu thống kê, có sản lượng đánh bắt hàng năm khoảng 500.000-700.000 tấn.

Cá tôm đi đâu mất rồi?

Trong những năm gần đây, nguồn lợi này ngày càng suy giảm, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Cách dễ nhất là đổ thừa cho người dân đánh bắt quá mức, nhưng liệu đây có phải là nguyên nhân chính?

Thủy sản nước ngọt ở ĐBSCL có thể chia thành hai loại: cá trắng và cá đen. Sự khác biệt giữa hai nhóm này là cá trắng gồm các loài chủ yếu có màu trắng như cá linh, cá mè vinh, cá rằm, cá hô, cá ba sa… Cá đen gồm các loài chủ yếu có màu đen như cá lóc, cá trê, cá rô…

Cá trắng sống ở môi trường sông, nước chảy, cần nhiều oxy hòa tan trong nước để thở. Ngược lại, các loài cá đen sống chủ yếu ở môi trường ruộng đồng, nước tĩnh, thở bằng cách trồi lên mặt nước, còn gọi là “lên ngớp”.

Các loài cá trắng hàng năm phải di cư ngược dòng Mêkông lên Campuchia hoặc miền Nam, Trung Lào để sinh sản. Sau đó trứng cá, cá con trôi theo dòng nước lũ đầu mùa về ĐBSCL gặp hệ thống sông ngòi và đồng ruộng ngập nước, mương vườn thì lan tỏa lên tìm thức ăn, lớn lên.

Với nhóm cá trắng, nguyên nhân lớn nhất của sự suy giảm trong mấy năm nay là do tình hình lũ thấp trong lưu vực Mêkông. Các nghiên cứu đã chỉ ra mối tương quan giữa mực nước lũ và sản lượng cá trắng. Năm nào lũ lớn là cá nhiều và ngược lại năm nào lũ thấp là cá ít vì lũ lớn thì cá có nhiều môi trường và thức ăn hơn để sinh sản.

Những năm gần đây lưu vực Mêkông liên tục bị hạn gay gắt, với mực nước thấp như thế, cá chỉ ở trong lòng sông, không có những vùng đất ngập nước để tìm mồi nên sinh sản ít. Dù sau đó có lũ muộn thì lượng trứng cá, cá con trôi về theo dòng nước Mêkông cũng ít vì cá đã không sinh sản được vào đầu mùa nước.

Hồ Tonle Sap ở Campuchia là nơi sinh sản quan trọng của thủy sản đầu mùa nước nhưng những năm gần đây, mực nước Mêkông mùa lũ quá thấp không chảy đủ vào Tonle Sap nên lượng cá sinh sản thấp. Một năm hạn ở lưu vực Mêkông sẽ kéo theo sự suy giảm cá trắng trong vài năm tiếp theo dù có lũ cao trở lại vì đàn cá chưa kịp phục hồi.

Quy hoạch tích hợp tổng thể lần này theo Nghị quyết 120 của Chính phủ, trong đó có việc chuyển hướng nền nông nghiệp sang hướng giảm thâm canh, tăng chất lượng, ít sử dụng phân thuốc, giảm đê bao khép kín thì có hy vọng môi trường cho cá tôm sẽ được phục hồi.

Nguyên nhân thứ hai của sự suy giảm cá trắng trong mấy chục năm nay ở ĐBSCL là do hệ thống đê bao khép kín để canh tác lúa ba vụ ở vùng đầu nguồn và sau đó là hệ thống đê bao khép kín ở vùng cây trái miệt vườn vùng giữa đồng bằng.

Dù lượng trứng cá và cá con có trôi về nhiều theo dòng nước Mêkông đến ĐBSCL thì tại đây cũng không còn nhiều môi trường đồng ruộng ngập nước để trứng cá, cá con lan tỏa để nẩy nở. Ở miệt vườn cũng vậy, cá con trôi về chỉ ở trong lòng sông, không đủ thức ăn nên cũng không phát triển được.

Hệ sinh thái của một dòng sông, xét theo chiều dọc thì có phía thượng lưu, trung lưu, và hạ lưu, cần phải được liên thông để kết nối sinh thái. Theo chiều ngang thì hệ sinh thái sông ngòi có ba hợp phần, lòng sông, bờ sông, và cánh đồng ngập nước hai bên (vườn, ruộng).

Đê bao khép kín dọc hai bên bờ làm cho gần như toàn bộ sông ngòi ĐSBCL không còn chức năng sinh thái sông ngòi nữa. Nguyên nhân chính của tình trạng này là bắt nguồn từ nền nông nghiệp thâm canh, chạy theo sản lượng, lấy sản lượng làm thành tích trong một thời gian dài vừa qua.

Ở những nơi cánh đồng còn trống như ở các huyện phía Bắc Đồng Tháp, trứng cá có thể lên đồng được theo nước lũ, nhưng trên các cánh đồng này, nhất là vùng đầu nguồn gần biên giới Campuchia thì cá gặp “thiên la địa võng” các dụng cụ bắt cá như dớn, lưới, đăng giăng bẫy khắp cánh đồng.

Cá khó thoát được vào đầu mùa thì không còn cơ hội lớn lên được nữa. Mấy năm nay, tỉnh An Giang đã ra lệnh cấm bắt cá vào đầu mùa lũ để tạo điều kiện cho cá có thời gian sinh trưởng. Đây là việc làm rất phù hợp, cần được tiếp tục phát huy.

Ngoài ra, cá trắng ở lưu vực Mêkông còn một mối đe dọa lớn hơn nữa đó là các đập thủy điện chắn ngang sông Mêkông cản trở đường cá di cư lên phía trên để sinh sản. Cụ thể, đập Don Sahong tại biên giới Lào và Campuchia vừa đưa vào vận hành tháng 11-2020 sẽ là mối đe dọa lớn đối với thủy sản Mêkông vì đập này đặt trên dòng Hou Sahong là nút thắt cổ chai, đường di chuyển duy nhất trong mùa khô của cá từ Campuchia lên phía Nam Lào để sinh sản.

Đối với cá đen như cá lóc, cá trê, cá rô là các loài không di cư, sống ở môi trường nước tĩnh ở đồng ruộng và các kênh mương nội đồng thì nguyên nhân lớn nhất của sự suy giảm là do thiếu môi trường sống. 

Trong các ô đê bao khép kín canh tác quanh năm thì gần như không còn cá vì ở đó có ít nước, không có thức ăn và môi trường nước bị ô nhiễm phân bón, thuốc trừ sâu. Các kênh rạch bị các công trình ngăn mặn và chống lũ ngăn lại, chảy yếu hoặc chảy lờ đờ thì lục bình bùng phát, che kín mặt nước nên bên dưới không thể có cá được.

Nguyên nhân được nói đến nhiều nhất, nhưng xem ra lại kém quan trọng nhất là việc đánh bắt quá mức của người dân. Ở những nơi nào còn có cá thì áp lực bắt cá gia tăng hơn trước rất nhiều vì lượng cá còn lại ít trong khi nhu cầu đánh bắt cao. Hơn nữa, cá tự nhiên bán được giá cao hơn vài lần so với cá nuôi cùng loại.

Còn vùng biển ĐBSCL, thủy sản cũng đã suy giảm, ngư dân phải đi đánh bắt xa hơn. Dĩ nhiên nguyên nhân được nói đến nhiều nhất là đánh bắt quá mức và biến đổi khí hậu. 

Nhưng thực tế còn một nguyên nhân nữa đó là vì để phục vụ cho nền nông nghiệp chạy theo năng suất, không xem nước mặn, nước lợ là tài nguyên nên để ngăn mặn thì gần như tất cả các cửa sông ăn thông ra biển đều bị bịt kín vào mùa khô. 

Về mặt sinh thái, biển không thể tự tồn tại được nếu không có đất liền, cá biển phải vào ra sông ngòi nội địa, do đó các cửa sông rạch ăn thông ra biển là các hành lang sinh thái sống còn của biển.

Làm gì để phục hồi tôm cá?

Trong các nguyên nhân nêu trên, đánh bắt quá mức có lẽ là nguyên nhân ít quan trọng nhất nhưng lại được “đổ thừa” nhiều nhất. Giải quyết vấn đề đánh bắt quá mức, trên thế giới đã có nhiều kinh nghiệm bằng cách lập các khu bảo tồn cá, thành lập các tổ chức cộng đồng khai thác cá theo hương ước.

Còn lại là tình hình biến đổi khí hậu và thủy điện ở phía thượng nguồn và những vấn đề nội tại ở ĐBSCL, tựu trung bắt nguồn từ nền nông nghiệp thâm canh. Thâm canh nông nghiệp, được rất nhiều lúa gạo nhưng cũng mất rất nhiều giá trị thiên nhiên. Xem ra việc phục hồi thủy sản của vùng đất “trên cơm dưới cá” như ngày xưa là không thể.

Nhưng, với quy hoạch tích hợp tổng thể lần này theo Nghị quyết 120 của Chính phủ, trong đó có việc chuyển hướng nền nông nghiệp sang hướng giảm thâm canh, tăng chất lượng, ít sử dụng phân thuốc, giảm đê bao khép kín thì có hy vọng môi trường cho cá tôm sẽ được phục hồi. Tương lai sự phát triển thủy điện Mêkông cũng có thể sẽ thoái trào, không cạnh tranh được với nguồn năng lượng mới như điện mặt trời, điện gió.

Dù là khó, nhưng vẫn nên hy vọng.

Nguyễn Hữu Thiện (thesaigontime.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem