Xây nhà ở trên đất nông nghiệp bắt buộc phải tháo dỡ?

23/11/2020 15:42 GMT+7
Xây nhà trên đất nông nghiệp xảy ra phổ biến tại hầu hết các địa phương, nhiều người băn khoăn khi xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp có bắt buộc phải tháo dỡ?

Xây nhà trên đất nông nghiệp buộc phải tháo dỡ?

Các loại đất nông nghiệp:

Theo khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai 2013, nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau:

- Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác.

- Đất trồng cây lâu năm.

- Đất rừng sản xuất.

- Đất rừng phòng hộ.

- Đất rừng đặc dụng.

- Đất nuôi trồng thủy sản.

- Đất làm muối.

- Đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh.

Xây nhà ở trên đất nông nghiệp bắt buộc phải tháo dỡ? - Ảnh 1.

Khi xây nhà ở trên đất nông nghiệp hoặc các loại đất khác mà không phải là đất ở thì bị phá dỡ (theo khoản 4 Điều 92 Luật Nhà ở 2014 và biện pháp khôi phục lại tình trạng ban đầu khi chuyển mục đích sử dụng đất trái phép theo quy định tại Điều 9 Nghị định 91/2019/NĐ-CP). Ảnh minh họa Internet

Chỉ được xây nhà ở trên đất ở:

Khoản 1 Điều 6 Luật Đất đai 2013 quy định nguyên tắc sử dụng đất như sau: “Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất”

Theo đó, chỉ được xây nhà ở trên đất ở, việc xây nhà ở trên các loại đất khác là vi phạm pháp luật.

Khi xây nhà ở trên đất nông nghiệp hoặc các loại đất khác mà không phải là đất ở thì bị phá dỡ (theo khoản 4 Điều 92 Luật Nhà ở 2014 và biện pháp khôi phục lại tình trạng ban đầu khi chuyển mục đích sử dụng đất trái phép theo quy định tại Điều 9 Nghị định 91/2019/NĐ-CP).

Mức phạt tiền và biện pháp khắc phục hậu quả 

Đối với trường hợp xây dụng công trình trên đất nông nghiệp là đất trồng lúa thì sẽ bị coi là sử dụng đất sai mục đích và có thể bị xử phạt theo quy định tại Khoản 3, 4 Điều 6 Nghị định 102/2014/NĐ-CP về chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép:

"3. Chuyển mục đích sử dụng sang đất phi nông nghiệp thì hình thức và mức xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5 héc ta;

b) Phạt tiền từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 03 héc ta;

c) Phạt tiền từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này."

Đối với trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại Khoản 2, 3 Điều 8 Nghị định 102/2014/NĐ-CP:

"2. Chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp thì hình thức và mức xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5 héc ta;

b) Phạt tiền từ trên 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 03 héc ta;

c) Phạt tiền từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này."


PV
Cùng chuyên mục