Xét xử vụ "siêu lừa" Hà Thành: Kiểm sát viên nói các ngân hàng không trả tiền sẽ không còn ai yên tâm gửi

Gia Bình Thứ hai, ngày 20/03/2023 10:35 AM (GMT+7)
Dù khách gửi tiết kiệm đúng, ngân hàng lại nói siêu lừa Hà Thành phải trả cho họ còn mình được giữ lại tiền. Viện kiểm sát cho rằng, nếu như vậy sẽ không ai tin tưởng gửi tiền vào NCB hay Việt Á bởi “một ngày đẹp trời, mất số tiền lớn xót lắm”.
Bình luận 0

Sáng 20/3, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét xử vụ "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt hơn 433 tỷ đồng của ba ngân hàng vào một số cá nhân. Tại tòa, các bên tranh luận phần trách nhiệm dân sự.

Theo cáo trạng, Hà Thành mượn các sổ tiết kiệm của một số người hoặc rủ đứng tên đồng sở hữu sổ tiết kiệm. Cô ta sau đó giả chữ ký của họ, lập hồ sơ thế chấp các sổ tiết kiệm này đảm bảo cho khoản vay của mình.

Qua đây, Hà Thành chiếm đoạt của ngân hàng Việt Á (VAB) 249 tỷ đồng; Ngân hàng Quốc dân (NCB) 47,5 tỷ đồng và ngân hàng PVcombank hơn 49 tỷ đồng. Giúp sức cho Thành lừa đảo có 17 bị cáo là cựu cán bộ, nhân viên các nhà băng này, theo cáo trạng.

Xét xử vụ Hà Thành: Kiểm sát viên nói không ai yên tâm gửi tiền vào ngân hàng - Ảnh 1.

Kiểm sát viên nói, trong vụ án Hà Thành lừa đảo, nếu ngân hàng không trả tiền sẽ không ai yên tâm gửi tiền vào.

Đại điện diện viện kiểm đề nghị tòa án tuyên Hà Thành tù chung thân và buộc cô ta bồi thường cho các ngân hàng. Ngân hàng đồng thời phải thanh toán tiền tiết kiệm cho các khách gửi tiền, gồm cả những người đồng sở hữu.

Ngược lại, đại diện phía ngân hàng NCB cho rằng họ không phải bị hại, các chủ sổ tiết kiệm hoặc đồng sở hữu mới là bị hại. Do vậy, Hà Thành có trách nhiệm trả tiền cho khách của ngân hàng còn tiền tiết kiệm những người này gửi vào NCB sẽ được NCB giữ lại để "bù đắp" thiệt hại Hà Thành gây ra.

VAB có quan điểm tương tự, cho rằng Hà Thành phải trả tiền cho khách gửi tiền vào ngân hàng này. VAB cũng từ chối làm bị hại.

Tranh luận lại, đại diện Viện kiểm sát cho rằng các ngân hàng là bị hại, chủ sổ tiết kiệm và đồng sở hữu chỉ là người liên quan. Do vậy, Hà Thành có trách nhiệm bồi thường cho ngân hàng và ngân hàng phải trả tiền cho chủ sổ cùng các đồng sở hữu tiền tiết kiệm.

Việc Hà Thành nói tại tòa sẽ trả tiền cho đồng sở hữu, Kiểm sát viên đánh giá: "Đây là quan điểm cá nhân; bản chất bị cáo Hà Thành chiếm đoạt tiền của ngân hàng, không chiếm đoạt của các đồng sở hữu".

Về việc các ngân hàng cho rằng khoản vay của Hà Thành có tài sản đảm bảo là các chủ sổ tiết kiệm, phía công tố cho rằng: "Các chủ sổ tiết kiệm, người đồng sở hữu không đồng ý tham gia ký kết, cầm cố sổ tiết kiệm cho khoản vay của Hà Thành nên các khoản vay này không có tài sản đảm bảo".

Xét xử vụ Hà Thành: Kiểm sát viên nói không ai yên tâm gửi tiền vào ngân hàng - Ảnh 2.

Bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành tại tòa.

Trong vụ án này, ngân hàng VAB đã tự ý tất toán sổ tiết kiệm liên quan Hà Thành và cho mình không phải bị hại được Kiểm sát viên đánh giá là "suy luận thiếu logic". Vị này nói, cơ quan điều tra khởi tố vụ án năm 2018 và có văn bản yêu cầu ngân hàng không được tất toán khoản vay liên quan án hình sự nên VAB khi tất toán đã vi phạm quy định, vi phạm văn bản của cơ quan điều tra.

Kiểm sát viên nói thêm, dù các ngân hàng bị thiệt hại nhưng trong 5 năm qua, những khoản tiền do người gửi tiết kiệm vào vẫn được ngân hàng sử dụng để "cho vay ra".

Nữ kiểm sát xin lấy tư cách vừa là người tiến hành tố tụng, vừa là người dân, nói: "500 triệu – 1 tỷ đồng là rất lớn, đây lại còn vài chục tỷ đồng, hoặc anh Đặng Nghĩa Toàn gửi hơn 122 tỷ đồng. Gửi tiền vào không lấy ra được xót lắm chứ".

Kiểm sát viên nói thêm: "Mình gửi vào ngân hàng dù không rút ra, không cầm cố nhưng một ngày đẹp trời bị mất, bị tất toán hết. Tôi nghĩ sau phiên tòa này, những ai chứng kiến, nghe được diễn biến sẽ không yên tâm gửi tiền vào NCB, VAB…". Việc này chắc chắn ảnh hưởng tới lợi ích kinh doanh, thương hiệu của ngân hàng.

Phía công tố cho rằng, ngân hàng là pháp nhân, 17 bị cáo trong vụ án là nhân viên của họ làm sai nên pháp nhân phải có trách nhiệm. Ngân hàng có sai phạm khi không đào tạo đầy đủ nhân viên, dẫn tới Hà Thành có thể lừa đảo, như bị cáo Lê Thị Hiên (giao dịch viên VAB) mới thử việc 2 tháng rồi nghỉ đã bị truy tố, đây là lỗi lớn trong đào tạo của ngân hàng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem