Xử lý nợ xấu: Tỷ lệ khách hàng trả nợ tăng
Tổng số nợ xấu xử lý theo Nghị quyết 42 từ 15/8/2017 đến 31/5/2020 đạt trung bình 7.150 tỷ đồng/tháng, gấp hơn 2 lần so với kết quả xử lý nợ xấu giai đoạn 2012 - 2017.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước về kết quả 3 năm thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) theo Nghị quyết 42/2017/QH14 (từ 15/8/2017 đến 31/5/2020) thì toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được 293.880 tỷ đồng nợ xấu.
Ý thức trả nợ của khách hàng được nâng lên
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 47 cho biết, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý nợ xấu nội bảng 160.920 tỷ đồng; xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết 42 là 67.280 tỷ đồng; bán 65.680 tỷ đồng cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) và được thành toán bằng trái phiếu đặc biệt.
Theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước, tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 được xử lý từ 15/8/2017 đến 31/5/2020 đạt trung bình khoảng 7.150 tỷ đồng/tháng, cao hơn 3.630 tỷ đồng/tháng (gấp hơn 2 lần) so với kết quả xử lý nợ xấu giai đoạn 2012 - 2017.
Đặc biệt, trước khi có Nghị quyết 42, nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng chủ yếu được xử lý bằng dự phòng rủi ro, các biện pháp xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản bảo đảm và khách hàng trả nợ còn chưa cao. Tuy nhiên, kể từ khi Nghị quyết 42, ý thức trả nợ của khách hàng đã nâng lên rõ rệt, số nợ khách hàng tự nguyện trả chiếm trên 40% tổng số nợ xấu nội bảng trong khi trước đó, tỷ lệ này chưa đạt 23%.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Lê Minh Hưng, kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 bằng hình thức khách hàng trả nợ tăng mạnh, phản ánh ý thức trả nợ của khách hàng đã cải thiện. Khách hàng chủ động và hợp tác hơn trong việc trả nợ ngân hàng, hạn chế tình trạng chủ tài sản cố ý chây ỳ, chống đối nhằm kéo dài thời gian xử lý. “Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy Nghị quyết 42 đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD”, ông Hưng nhận định.
Không chỉ việc xử lý nợ xấu có chuyển biến tích cực mà hoạt động đấu giá, định giá khoản nợ và tài sản bảo đảm theo Ngân hàng Nhà nước kể từ khi có Nghị quyết 42 cũng đã có dấu hiệu chuyển biến tích cực cả về số lượng lẫn chất lượng. Cụ thể, trong 3 năm qua, VAMC đã tổ chức đấu giá thành công 15 khoản nợ với tổng giá trị trúng đấu giá đạt 1.322 tỷ đồng; đồng thời, VAMC đã thu giữ, nhận bàn giao tài sản bảo đảm của 7 khách hàng/nhóm khách hàng.
Nổi lên 11 nhóm khó khăn, vướng mắc
Mặc dù cho rằng, Nghị quyết 42 đã tạo cơ chế xử lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm tiền vay của TCTD; ý thức trả nợ của khách hàng được nâng cao, tuy nhiên, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, quá trình triển khai Nghị quyết 42 đã nổi lên 11 nhóm khó khăn, vướng mắc, hạn chế.
Vướng mắc đầu tiên được kể đến là công tác triển khai của các bộ ngành, địa phương. Tại nhiều địa phương vẫn có tâm lý cho rằng xử lý nợ xấu là việc của ngành ngân hàng nên lãnh đạo địa phương chưa quyết liệt, sự phối hợp của các cơ quan hữu quan trên địa bàn thiếu đồng bộ khiến việc xử lý nợ xấu, đặc biệt là việc thu giữ tài sản bảo đảm của khách hàng rất khó khăn, nhất là trường hợp doanh nghiệp sau cổ phần hóa, pháp nhân mới không thừa nhận nghĩa vụ trả nợ của pháp nhân cũ vốn là doanh nghiệp nhà nước dẫn đến tranh chấp kéo dài.
Hoạt động mua bán nợ xấu và tài sản bảo đảm theo Ngân hàng Nhà nước cũng đang có nhiều hạn chế như hoạt động này hiện chỉ diễn ra giữa ngân hàng với VAMC hoặc Công ty Mua bán nợ (DATC) mà chưa có sự tham gia của nhà đầu tư khác trong và ngoài nước. Nguyên nhân do điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ khá phức tạp, yêu cầu về vốn cao; quy định hiện hành về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ chưa quy định rõ đầu mối tạo lập, phát triển thị trường giao dịch mua bán nợ; đội ngũ môi giới mua, bán nợ chuyên nghiệp còn thiếu.
Hiện tại, sau khi mua nợ, bên mua nợ quản lý, khai thác và vận hành tài sản bảo đảm cũng như quản lý rủi ro liên quan tới tài sản bảo đảm do việc chuyển nhượng hoặc ủy thác quản lý các khoản nợ rất khó thực hiện do chưa có thị trường mua bán nợ, tài sản bảo đảm nợ thứ cấp.
Nghị quyết 42 cho phép các TCTD có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Theo ông Lê Minh Hưng, quy định này phát đi thông điệp bảo vệ quan hệ có vay - có trả, khẳng định quyền của chủ nợ, là điều mà các TCTD đã mong mỏi. Tuy nhiên, để thực hiện được quyền này, ngân hàng chủ nợ vẫn cần đến sự hỗ trợ của cơ quan công an các cấp.
Mặc dù Bộ Công an đã có văn bản hướng dẫn về việc hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm. Nhưng trên thực tế, việc thu giữ tài sản hiện nay vẫn phụ thuộc khá nhiều vào thiện chí của bên vay (đặc biệt trong trường hợp khách hàng không hợp tác, cố ý chây ỳ trong việc bàn giao tài sản). Đồng thời, sự phối hợp của các cơ quan hữu quan tại địa phương trong không ít trường hợp chưa kịp thời như xác minh thông tin khách hàng, hỗ trợ thu giữ tài sản… làm ảnh hưởng đến công tác xử lý thu hồi nợ xấu. Và đây là nhóm hạn chế, tồn tại thứ 3 được Ngân hàng Nhà nước liệt kê trong Báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 12/8/2020 về việc triển khai xử lý nợ xấu.
Bên cạnh đó, cơ chế tiếp cận thông tin về tình trạng tài sản bảo đảm; đăng ký thay đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; điều kiện chuyển nhượng tài sản bảo đảm là dự án bất động sản; công tác phối hợp trong hoạt động thi hành án dân sự; việc giới hạn phạm vi lựa chọn tổ chức thẩm định giá... theo Ngân hàng Nhà nước hiện nay còn nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc khi thực hiện xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội.
Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành, địa phương để xử lý các vướng mắc kể trên, đặc biệt là việc thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Đây là điểm mấu chốt để quá trình triển khai Nghị quyết 42 có hiệu quả hơn trong thời gian tới.