Xuất khẩu cao su năm 2020 tăng phần lớn nhờ thị trường Trung Quốc, triển vọng 2021 thế nào?
Thị trường xuất khẩu cao su tháng 12/2020 tiếp tục khởi sắc, với lượng xuất khẩu đạt 226.128 tấn, trị giá 360,53 triệu USD, tăng tương ứng 4,5% và 8,9% so với tháng trước đó; giá xuất khẩu trung bình cũng tăng 4,2% lên 1.594,4 USD/tấn, theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan.
Cao su nằm trong top những mặt hàng nông sản chủ lực tăng trưởng về xuất khẩu trong năm vừa qua, bao gồm rau quả, gạo, hạt điều... Theo đó, xuất khẩu cao su trong cả năm 2020 đạt 1,75 triệu tấn, tương đương 2,38 tỷ USD, giá trung bình 1.362,6 USD/tấn, tăng lần lượt 2,9%, 3,6% và 0,7% so với năm trước đó.
Với tỷ trọng lớn, xuất khẩu cao su sang Trung Quốc tăng đã kéo tổng xuất khẩu mặt hàng này tăng lên, mặc dù xuất khẩu sang Ấn Độ và Hàn Quốc - thị trường đứng thứ 2 và 3 - giảm mạnh.
Xuất khẩu cao su sang Ấn Độ giảm 51% cả về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ, ở mức 61.520 tấn (89,32 triệu USD).
Trong số 5 quốc gia gồm Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Hàn Quốc, thì Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 4 của Trung Quốc trong năm 2020, chiếm 7,77% trong tổng kim ngạch nhập khẩu cao su tự nhiên của nước này.
Ấn Độ đứng thứ 2 trong các thị trường xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2020, nhưng chỉ chiếm 3,52% trong tổng xuất khẩu mặt hàng này. Xuất khẩu cao su sang Ấn Độ năm 2020 đạt 61,5 nghìn tấn, kim ngạch 89,3 triệu USD, giảm lần lượt 51,28% và 50,45% so với năm trước đó. Tiêu thụ cao su thiên nhiên trên thị trường Ấn Độ năm qua đạt 1,018 triệu tấn, tăng so với 96.000 tấn của năm 2019.
Xuất khẩu cao su Việt Nam sang Hàn Quốc - thị trường lớn thứ 3 với tỷ trọng 2,1% - cũng giảm mạnh 30,5% về lượng và giảm 24,9% về kim ngạch, trong năm 2020 đạt 32.183 tấn (50,12 triệu USD).
(Tính toán từ số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan VN)
Năm 2020, một số chủng loại cao su xuất khẩu sang Trung Quốc tăng khá cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2019 như: Latex tăng 51% về lượng và tăng 58,6% về trị giá; SVR 20 tăng 38,3% về lượng và tăng 31,2% về trị giá; cao su tái sinh tăng 21,8% về lượng và tăng 75,5% về trị giá; cao su tổng hợp tăng 305,2% về lượng và tăng 303% về trị giá.
Tổng nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (mã HS: 400280) đạt 4,34 tỷ USD nhập khẩu vào Trung Quốc từ khắp nơi trên thế giới, tăng 35,2% so với cùng kỳ năm 2019. Theo đó, Việt Nam là thị trường cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp lớn thứ 2 cho Trung Quốc với 1,3 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2019. Thị phần hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Việt Nam chiếm 29,98% trong tổng trị giá nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Trung Quốc, giảm so với mức 31,18% năm 2019.
Về triển vọng thị trường cao su năm 2021, có dấu hiệu xuất khẩu sang Trung Quốc chậm lại, do nước này đã mua mạnh trong giai đoạn quý 3 và đầu quý 4/2020 và hiện đã có lượng dự trữ khá cao.
Trên thế giới, mặc dù nhiều nước đang triển khai tiêm chủng vắc xin Covid-19, nhưng hiệu quả của những động thái này phải chờ thêm vài tháng. Trong khi đó, dịch bệnh vẫn tiếp tục bùng phát trên thế giới và mối lo về biến chủng mới của Covid-19 tiếp tục gây áp lực lên các ngành sản xuất, trong đó có ngành ô tô.
Sắp tới, Trung Quốc và nhiều nước sản xuất và xuất khẩu cao su ở Châu Á nghỉ Tết cổ truyền, các nhà máy đóng cửa, giới đầu tư phải chờ cho đến khi giao dịch bắt đầu để thăm dò diễn biến của thị trường, do đó thị trường cao su sẽ trầm lắng, dự kiến kéo dài đến cuối tháng 2.
Đó là những lý do khiến giá cao su đang giảm nhanh. Chỉ trong vòng một tuần qua, giá đã giảm gần 30%, hợp đồng tham chiếu trên sàn Osaka (Nhật Bản) hiện là 243,4 JPY/kg, thấp hơn khoảng 10% so với những ngày đầu tiên của năm 2021.