Xuất khẩu đất hiếm Trung Quốc sang Mỹ giảm 69%
Xuất khẩu đất hiếm từ Trung Quốc sang Mỹ giảm mạnh
Tính đến tháng 7, kim ngạch xuất khẩu đất hiếm từ Trung Quốc sang Mỹ đã giảm 69% so với cùng kỳ năm ngoái do hoạt động kinh tế Mỹ trì trệ vì sự bùng phát đại dịch Covid-19. CEO Ryan Castilloux của Adamas dự đoán rằng mức sụt giảm trong cả năm có thể lên tới 25-35%.
David Merriman, một nhà quản lý vật liệu xe điện tại công ty tư vấn Roskill Information Services nhận định: “Chúng tôi dự báo nhu cầu đất hiếm sẽ yếu đi đến hết năm 2020, đặc biệt là nhu cầu sử dụng trong chế tạo thủy tinh, chất xúc tác…. Ngay cả nhu cầu chế tạo nam châm ứng dụng cũng có nguy cơ giảm 4,5% trong năm nay”.
Còn theo dự báo của Adamas Intelligence, nhu cầu tiêu thụ nam châm đất hiếm neodymium trên toàn cầu có thể giảm 9,3% trong năm nay sau mức tăng bình quân 6,4% của những năm về trước. Adamas Intelligence cho rằng sự sụt giảm bất thường trong năm nay là do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 đối với nhu cầu các sản phẩm như smartphone, ô tô điện…
Đất hiếm là khoáng sản đóng vai trò quan trọng trong sản xuất các thiết bị công nghệ cao, thiết bị quốc phòng và xe điện. Nam châm đất hiếm neodymium là loại nam châm vĩnh cửu được sử dụng rộng rãi nhất trong nhiều lĩnh vực như sản xuất thiết bị linh kiện điện tử, hàng không, đồng hồ đo, công nghệ y tế, sinh học…
Mỹ muốn độc lập về nguồn cung đất hiếm
Hiện nay, Trung Quốc xuất khẩu 80-90% lượng đất hiếm trên toàn thế giới. Trong đó, nhu cầu đất hiếm từ Mỹ chỉ chiếm khoảng 9% nhu cầu toàn cầu.
Việc Trung Quốc giữ vai trò quan trọng như vậy trong chuỗi cung ứng đất hiếm đã làm dấy lên mối quan ngại về an ninh nguồn cung với các quốc gia như Mỹ và Nhật Bản, vốn đang phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc. Rất nhiều công ty công nghệ lớn, trong đó có các công ty Mỹ phải “dựa dẫm” vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc để sản xuất linh kiện. Năm 2010, Trung Quốc từng cắt nguồn xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản trong một cuộc xung đột thương mại. Giờ đây, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung ngày một leo thang, điều này hoàn toàn có khả năng lặp lại với Mỹ.
Chuyên gia David Merriman nhận định thách thức lớn nhất mà các nhà phát triển chuỗi cung ứng đất hiếm của Mỹ đang phải đối mặt trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung Trung Quốc là vấn đề tài chính. “Nếu không nhận được sự hỗ trợ của chính phủ, sẽ là thách thức lớn với các công ty trong việc xây dựng chuỗi cung ứng cần thiết để giảm sự phụ thuộc vào nguồn đất hiếm từ Trung Quốc. Chi phí vốn trả trước cao dẫn đến thời gian hoàn vốn của các dự án chế biến đất hiếm kéo dài từ 5-10 năm. Điều này gây khó khăn cho các nhà tài trợ dự án”, đặc biệt là nếu các nhà sản xuất Trung Quốc nhận được sự hậu thuẫn tài trợ từ Bắc Kinh.
Tuy nhiên, Pini Althaus, Giám đốc điều hành USA Rare Earth, nhà đồng phát triển mỏ đất hiếm Round Top ở Texas thì tỏ ra tự tin hơn về kế hoạch độc lập nguồn cung của Mỹ. Kế hoạch này nhằm xây dựng một chuỗi cung ứng trọn vẹn từ đất hiếm đến nam châm đất hiếm để đáp ứng nhu cầu ngày một gia tăng trên toàn cầu. Một nhà máy nam châm đất hiếm dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong 9 đến 12 tháng tiếp theo, ban đầu sử dụng nguyên liệu đất hiếm bên ngoài, và đến năm 2023 sẽ được thay thế hoàn toàn bằng đất hiếm khai thác từ mỏ Round Top.
“Chúng tôi không tìm kiếm các khoản tài trợ tài chính từ chính phủ Mỹ. Dự án của chúng tôi rất tiềm năng ngay cả khi so sánh với mức giá của Trung Quốc vào năm ngoái. Chúng tôi đang tìm kiếm nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân. Chúng tôi nhận được những đơn hàng nam châm lớn hơn nhiều khả năng sản xuất” - ông Pini Althaus khẳng định.