Trung Quốc dọa cắt nguồn cung đất hiếm, vì sao Mỹ “bình chân như vại”?
Trung Quốc là nhà sản xuất đất hiếm hàng đầu thế giới, từng chiếm khoảng 90% sản lượng xuất khẩu đất hiếm toàn cầu. Nhưng ngay cả khi Trung Quốc ngừng cung cấp đất hiếm cho Mỹ, đây vẫn không được xem là “vũ khí” chiến lược. Các nhà phân tích từ phố Wall nhận định, nhiều khả năng động thái đe dọa của Trung Quốc không tác động nhiều đến “cuộc chơi” trên bàn đàm phán.
“Chúng tôi nhận định mối đe dọa đất hiếm từ Trung Quốc sẽ tác động đến Mỹ ở mức độ nhẹ” - Ed Mills và Pavel Molchanov, hai nhà phân tích thuộc ngân hàng Raymond James Financial cho biết trong một nghiên cứu công bố hôm 3.6.
Phân tích được đưa ra sau khi tờ Tân Hoa Xã tuần trước cảnh báo Bắc Kinh có thể sớm ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ để đáp trả hành động tăng thuế 25% với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Đất hiếm là khoáng sản đóng vai trò quan trọng trong sản xuất các thiết bị công nghệ cao, thiết bị quốc phòng và xe điện. Tuy Trung Quốc xuất khẩu 80-90% lượng đất hiếm trên toàn thế giới, Mỹ chỉ chiếm 9% nhu cầu đất hiếm toàn cầu. Năm 2018, Mỹ chi vỏn vẹn 160 triệu USD cho nhập khẩu đất hiếm.
Lý do khá đơn giản, Mỹ có năng lực sản xuất khá hạn chế với các sản phẩm công nghệ cao sử dụng đất hiếm, như smartphone, TV màn hình phẳng, pin xe điện, laser… Đa số các mặt hàng đó được sản xuất ở Trung Quốc hoặc các nước Châu Á.
Đất có chứa khoáng chất đất hiếm được khai thác tại Trung Quốc
Ngân hàng Wells Fargo cũng nhận định đất hiếm chưa phải quân át chủ bài của Trung Quốc. Mỹ có thể tìm kiếm nguồn cung từ các quốc gia khác để bù đắp 9% nhu cầu thị trường của mình khá dễ dàng. Hành động cắt nguồn cung của Trung Quốc chỉ làm cho giá đất hiếm trên toàn cầu tăng lên và các quốc gia khác đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu.
“Tất nhiên, một khi Trung Quốc cố gắng ngăn cản các nhà xuất khẩu đất hiếm ngừng xuất khẩu khoáng sản này đến Mỹ, đó có thể là vấn đề lớn. Dù vậy, thực tế cho thấy những nỗ lực trong quá khứ của Bắc Kinh để hạn chế nguồn cung đất hiếm là không mấy thành công.”
Ví như năm 2010, khi Trung Quốc cắt giảm sản lượng đất hiếm, điều này không chỉ thúc đẩy giá đất hiếm tăng vọt tạo động lực cho các quốc gia xuất khẩu khác, mà còn khiến các nhà sản xuất công nghệ tìm ra cách sử dụng ít khoáng chất đất hiếm hơn trong sản phẩm của họ.
“Đe dọa ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ của Trung Quốc mới đây là không thực tế. Các công ty Mỹ hoàn toàn có thể tìm kiếm nguồn cung từ Malaysia hay Nhật Bản, dù với chi phí giá thành cao hơn nhiều” - một quan chức Hiệp hội Đất hiếm Trung Quốc nhận định. Vị này cũng cho biết, 80% nhu cầu đất hiếm của Mỹ nhằm vào hai nguyên tố lanthanum và xeri. Hai nguyên tố đất hiếm này hiện đang thừa cung trên thị trường thế giới.
Một số ngành công nghiệp dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn từ cắt nguồn cung đất hiếm là các nhà máy lọc dầu và ngành công nghiệp ô tô của Mỹ.