Xuất khẩu đồ gỗ Việt sa sút liên tiếp vì lạm phát

30/08/2022 15:33 GMT+7
Các quốc gia thắt chặt chính sách tín dụng do lạm phát có xu hướng tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng đồ gỗ nội thất giảm mạnh.

Xuất khẩu đồ gỗ sa sút liên tiếp...

Lạm phát ở Hoa Kỳ, EU gia tăng khiến xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam sa sút liên tiếp. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 7/2022 đạt 1,3 tỷ USD, giảm 3,1% so với tháng 7/2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 845,9 triệu USD, giảm 19,2% so với tháng 7/2021. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,7 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 6,9 tỷ USD, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Lạm phát "đè nặng" lên xuất khẩu của ngành đồ gỗ Việt - Ảnh 1.

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 7 tháng đầu năm 2022 thấp hơn so với năm 2021 do giá nguyên liệu sản xuất tăng cao bởi chi phí và vận chuyển tăng mạnh; cùng với đó các quốc gia thắt chặt chính sách tín dụng do lạm phát có xu hướng tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu chủ lực đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Trong bối cảnh áp lực lạm phát đè nặng lên nền kinh tế Hoa Kỳ, khiến nhu cầu tiêu dùng của người dân nước này cũng giảm tốc. Khi nhu cầu tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm sẽ ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Hoa Kỳ giảm là nguyên nhân chính làm giảm đà tăng trưởng của ngành gỗ.

Đáng chú ý, trong khi xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường lớn nhất giảm, thì trị giá xuất khẩu sang các thị trường trong khu vực châu Á tăng trưởng khả quan trong 7 tháng đầu năm 2022. Dẫn đầu là xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc đạt 1,16 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2021; Tiếp theo là xuất khẩu tới thị trường Nhật Bản đạt 1 tỷ USD, tăng 23,1%; tới Hàn Quốc đạt 602 triệu USD, tăng 12,7%; tới Malaysia đạt 92,1 triệu USD, tăng 38%... Các doanh nghiệp ngành gỗ cần tận dụng tối đa các FTA đã ký kết và có hiệu lực như RCEP, FTA Việt Nam - Hàn Quốc, Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN... để gia tăng xuất khẩu; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một số thị trường.

Xuất khẩu đồ gỗ Việt sa sút liên tiếp vì lạm phát - Ảnh 2.

Các quốc gia thắt chặt chính sách tín dụng do lạm phát có xu hướng tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng đồ gỗ nội thất giảm mạnh.

Lạm phát "đè nặng" lên xuất khẩu của ngành đồ gỗ Việt - Ảnh 2.

Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan

Trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu trong nửa đầu năm nay, đồ nội thất văn phòng là mặt hàng có tốc độ giảm mạnh nhất. 

Trong nửa cuối năm 2022, các cơ quan chức năng dự báo nhu cầu đối với nội thất văn phòng không cao. Nguyên nhân do thương mại toàn cầu đang bị đứt gãy, cộng thêm cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt, trong khi chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc vẫn tiếp tục và tình hình lạm phát tăng cao tại các thị trường lớn như Mỹ và EU. Trong bối cảnh người dân ở nhiều thị trường nhập khẩu gỗ từ Việt Nam phải "thắt lưng buộc bụng", đồ nội thất không phải là ưu tiên lựa chọn. Tất cả các yếu tố trên sẽ dẫn tới việc kinh doanh gặp nhiều bất ổn và các doanh nghiệp sẽ tạm thời thu hẹp hoạt động, theo đó nhu cầu tiêu thụ đồ nội văn phòng dự kiến sẽ giảm trong thời gian tới. 

Theo khảo sát của Viforest và Forest Trends, phần lớn doanh nghiệp gỗ bị giảm đơn hàng, doanh thu lao dốc. Viforest nhận định xuất khẩu gỗ và lâm sản những tháng cuối năm sẽ tiếp tục gặp khăn do giá nguyên liệu sản xuất và sản phẩm tăng cao. Hiện, các đơn hàng từ thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Anh đang sụt giảm mạnh, tác động tiêu cực trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành hiện nay. Bên cạnh đó, ngành gỗ cũng đang đối diện với vụ việc khởi xướng điều tra của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đối với mặt hàng tủ gỗ và bàn trang điểm.

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu đồ gỗ, tránh phụ thuộc

Mới đây, Hiệp hội gỗ phối hợp với tổ chức Forest Trends đã khảo sát 52 doanh nghiệp ngành về tình hình đơn hàng, sản xuất kinh doanh. Kết quả cho thấy trong 45 doanh nghiệp hiện xuất khẩu đi Hoa Kỳ có 33 doanh nghiệp ghi nhận doanh thu giảm gần 40% so với các tháng đầu năm. Chỉ có 10 doanh nghiệp cho biết doanh thu tăng so với các tháng trước đó, tuy nhiên mức tăng chỉ khoảng 11%.

Điều này xảy ra tương tự với thị trường EU. Cụ thể, trong số 38 doanh nghiệp tham gia thị trường này có tới 24 doanh nghiệp ghi nhận doanh thu giảm trên 41% so với các tháng trước đó. Chỉ có 4 doanh nghiệp cho biết nguồn thu tăng, ở mức 14%.

Khoảng 71% doanh nghiệp cho biết tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, với tình hình thị trường như hiện nay, 44% doanh nghiệp cho rằng nguồn thu của doanh nghiệp sẽ giảm khoảng 44% trong cả năm 2022. Các con số này cho thấy một bức tranh về thị trường rất ảm đạm. 

Thực tế là xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm đã kéo giảm đà tăng trưởng của ngành gỗ. Các doanh nghiệp ngành gỗ cần tận dụng tối đa các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và có hiệu lực để gia tăng xuất khẩu; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một số thị trường, điển hình như thị trường Hoa Kỳ.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phân tích, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu chủ lực đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Trong bối cảnh áp lực lạm phát đè nặng lên nền kinh tế Hoa Kỳ khiến nhu cầu tiêu dùng của người dân nước này giảm tốc. Khi nhu cầu tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm sẽ ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam.

Cụ thể, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Hoa Kỳ trong 7 tháng năm 2022 đạt 5,56 tỷ USD, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Hoa Kỳ giảm là nguyên nhân chính làm giảm đà tăng trưởng của ngành gỗ.

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, các doanh nghiệp ngành gỗ cần tận dụng tối đa các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và có hiệu lực như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), FTA Việt Nam - Hàn Quốc, Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN... để gia tăng xuất khẩu; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một số thị trường.

Viforest cũng kiến nghị cơ quan chức năng như giãn nợ, giảm lãi suất; gia hạn các khoản vay đến hạn; tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Bên cạnh đó, giảm/chậm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân, giảm tiền thuê đất…

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), trị giá nhập khẩu đồ nội thất văn phòng trên toàn cầu đạt trung bình 3,5 tỷ USD/năm trong giai đoạn năm 2017-2021, trong đó nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 9,5% tổng trị giá nhập khẩu trên toàn cầu trong giai đoạn này. Mặc dù, mặt hàng trên không phải thế mạnh của ngành gỗ, tuy nhiên tiềm năng xuất khẩu rất khả quan, bởi nhu cầu thị trường lớn nhưng Việt Nam mới chỉ cung cấp được một phần nhỏ, và có dư địa để các doanh nghiệp khai thác.

Nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ tại Hoa Kỳ vẫn tăng mạnh, tuy nhiên ngành gỗ của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường này. Theo Cục Phòng vệ Thương mại – Bộ Công Thương, Hoa Kỳ sẽ khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam, quyết định được đưa ra vào cuối tháng 5/2022.

Nguyên đơn cáo buộc rằng các nhà sản xuất/xuất khẩu của Việt Nam đã nhập tủ/bộ phận tủ từ Trung Quốc là đối tượng bị áp dụng thuế phòng vệ thương mại, sau đó lắp ráp hoàn thiện tại Việt Nam và xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Ngoài ra, chi phí logistics tăng cao khiến nguy cơ dịch chuyển đơn hàng của Hoa Kỳ sang các quốc gia Nam Mỹ và một số nước Đông Âu. Các khu vực đó có nguyên liệu rừng, mặc dù giá nhân công và chi phí sản xuất cao hơn, nhưng bù lại có lợi thế về vị trí địa lý nên chi phí logistics sẽ thấp hơn và giá cả sẽ cạnh tranh hơn với các sản phẩm từ Việt Nam.

Do đó, để giữ vững vị trí cung cấp số 1 cho Hoa Kỳ, các doanh nghiệp xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam cần phải theo dõi sát diễn biến thị trường, đảm bảo yêu cầu truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp, lưu trữ, tổng hợp và phân tích thông tin về chứng từ, hóa đơn với nguồn gốc hàng hóa để kịp thời phối hợp và cung cấp thông tin khi có yêu cầu điều tra xác minh của cơ quan hữu quan Hoa Kỳ.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục