Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc giảm gần 70%, kì vọng ở thị trường EU

16/09/2019 15:54 GMT+7
Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 7 năm nay, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc là 4,6 tỷ USD, giảm 7,9% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giảm sâu nhất là gạo, giảm tới 67%.

Trong những tháng gần đây, việc xuất khẩu nông sản sang thị trường liên tục gặp những khó khăn, bất lợi. Từ các mặt hàng hoa quả, thủy sản và nặng nề nhất là lúa gạo. Trung Quốc đã không còn là thị trường nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam khi thị phần đã giảm tới 67% (tính đến hết tháng 7/2019).

Trung Quốc giảm nhập khẩu mạnh gạo Việt Nam

Ngoài nguyên nhân nước bạn thay đổi chính sách thương mại, chuyển hoàn toàn sang nhập khẩu chính ngạch, siết chặt kiểm soát nguồn gốc thì còn có một số nguyên nhân khách quan đến từ chính nội địa Trung Quốc.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: "Nhu cầu thị trường của Trung Quốc có giới hạn. Tồn kho rất lớn. Năm nay, Trung Quốc cũng được mùa do đó dung lượng thị trường về hạt gạo hạn chế".

Sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ nội địa của Trung Quốc do tình hình kinh tế trong những tháng đầu năm không khởi sắc cũng là một trong những nguyên nhân khiến nước này giảm nhập khẩu nông sản từ các nước.

Trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc càng ngày càng khó thì tại Philippin, sau gần nửa năm thay đổi chế độ hạn ngạch sang thuế quan đã giúp thúc đẩy hoạt động nhập khẩu gạo, lượng tồn kho của Phillipins đang ở mức tương đối cao. Cùng với đó, nông dân trồng lúa nước này đang yêu cầu Chính phủ hỗ trợ tiêu thụ lúa gạo do thiệt hại gây ra từ mở cửa nhập khẩu, nên trong thời gian tới, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines sẽ xuất hiện nhiều trở ngại và dự báo không tiếp tục tăng mạnh.

Xuất khẩu gạo sang EU dự báo sẽ tăng do tác động của Hiệp định EVFTA được ký kết vào ngày 30/6/2019 mặc dù Hiệp định này còn chờ Quốc hội các nước phê chuẩn để chính thức có hiệu lực. Trước đây Việt Nam chỉ xuất khẩu được khoảng hơn 20 nghìn tấn gạo/năm sang EU với mức thuế dao động khoảng 65-211 EUR/tấn (ước tính khoảng 50% giá trị xuất khẩu), nhưng với mức hạn ngạch thuế suất 0% cho 80 nghìn tấn, cao gần 4 lần so với thực tế xuất khẩu hiện tại, dự kiến hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU sẽ tăng trưởng mạnh trong tương lai.

Tuy vậy, EU là một thị trường khó tính, để tận dụng cơ hội mới này một cách thành công, doanh nghiệp gạo xuất khẩu cần nâng cao chất lượng, kiểm soát các quy định SPS/TBT, quy định về truy xuất nguồn gốc, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, cũng như làm quen với các thủ tục giấy tờ liên quan (ví dụ, các loại gạo phải thuộc một trong 8 loại được phép hưởng miễn thuế và có đầy đủ giấy chứng nhận đúng chủng loại được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền...) trong thời gian tới.

 

Mai Trang
Tags:
Cùng chuyên mục