Xuất khẩu gỗ vượt kỷ lục vẫn “khát” nhân lực chất lượng cao

08/12/2019 08:31 GMT+7
Trong khi các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh nông nghiệp như như gạo, rau quả, thuỷ sản, hồ tiêu đang có chiều hướng giảm thì theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu lâm sản năm nay ước đạt 11 tỷ USD.

Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ vượt chỉ tiêu

Tổng giá trị xuất khẩu lâm sản 11 tháng đầu năm đã tăng 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái.Với kết quả này, kim ngạch xuất khẩu lâm sản đã vượt xa kết quả của cả năm 2018 và sớm về đích so với mục tiêu đề ra từ đầu năm. Trong đó nguyên tháng 10 giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam đã đạt 1,037 tỷ USD, tăng 20,3% so với tháng 9 và 22,69% so với tháng 10/2018, lập kỉ lục cho ngành xuất khẩu gỗ Việt Nam. (Số liệu của hải quan cho thấy, trước đây, những tháng đạt giá trị xuất khẩu cao nhất, cũng mới chỉ trên 900 triệu USD hoặc gần 1 tỷ USD, như tháng 8/2019 (đạt 935 triệu USD), tháng 1/2019 (986 triệu USD).

Xuất khẩu gỗ vượt kỷ lục nhưng vẫn “khát” nhân lực chất lượng cao - Ảnh 1.

Mỹ vẫn giữ vị trí đầu trong các thị trường xuất khẩu

Mỹ chắc chắn là thị trường góp phần quan trọng nhất vào sự tăng trưởng ngoạn mục của xuất khẩu gỗ trong tháng 10 vừa qua và từ đầu năm đến nay. Trong tháng 10, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ đạt 547 triệu USD, tăng 40,83% so với tháng 10/2018 và chiếm hơn 1 nửa trong hơn 1 tỷ USD xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Như vậy, trong 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ đã đạt 4,196 tỷ USD, tăng tới hơn 1 tỷ USD (34,53%) so với cùng kỳ 2018 và chiếm tới gần một nửa tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, dù tăng trưởng rất mạnh, nhưng đến thời điểm này, gỗ Việt Nam vẫn chưa gặp áp lực gì từ thị trường Mỹ về các nguy cơ bị áp các biện pháp trừng phạt.

Bởi trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã làm tốt việc ngăn chặn hàng hóa, trong đó có đồ gỗ, có nguồn gốc nước ngoài nhưng đội lốt hàng Việt Nam để xuất sang Mỹ. Do đó, thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong thời gian còn lại của năm vẫn đang rất sáng sủa.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành gỗ vẫn cần phải hết sức cảnh giác, kiên quyết nói không với việc gian lận xuất xứ gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu, để giữ vững được thị trường quan trọng nhất là Mỹ, giúp cho xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ấn tượng trong thời gian tới.

"Khát" nhân lực có trình độ cao

Ngành chế biến gỗ và lâm sản là một trong rất ít ngành hàng đem lại giá trị xuất siêu cao của Việt Nam. Tuy nhiên, ngành chế biến lâm sản cũng gặp không ít những khó khăn, tồn tại và thách thức trong quá trình phát triển, điển hình là bài toán nhân lực.

Xuất khẩu gỗ vượt kỷ lục nhưng vẫn “khát” nhân lực chất lượng cao - Ảnh 2.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Cao Chí Công nhận định, nhu cầu thị trường về gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản ngày càng cao nhưng trong thời gian qua, ngành gỗ vẫn chưa đáp ứng được.

Bước vào giai đoạn công nghiệp hóa nhưng ngành gỗ chỉ có khoảng 5% lao động có trình độ đại học, trên đại học, công nhân kỹ thuật chiếm khoảng 30%. Không chỉ thiếu trầm trọng lao động có trình độ cao, ngay cả lao động phổ thông cũng thiếu hụt một số lượng không nhỏ. Một số DN sản xuất tại Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM... thậm chí còn phải thuê nhân lực phổ thông ở nước ngoài về phục vụ sản xuất, chế biến.

Bên cạnh đó, mặc dù kim ngạch xuất khẩu gỗ những năm vừa qua tăng trưởng cao nhưng chủ yếu nằm ở nhóm hàng gỗ nguyên liệu, đặc biệt là viên nén gỗ, dăm gỗ... trong khi số lượng rừng trồng có chất lượng, có chứng chỉ để đưa vào xuất khẩu còn hạn chế. Theo ông Cao Chí Công, muốn cải thiện điều này thì phải cải thiện công tác giống. Ngoài ra, nếu muốn mở rộng được quy mô sản xuất, các doanh nghiệp buộc phải học cách thích ứng với các tiêu chuẩn, hiệp định của thế giới và vượt qua các rào cản thương mại.

Xuất khẩu gỗ vượt kỷ lục nhưng vẫn “khát” nhân lực chất lượng cao - Ảnh 3.

Trong 10 năm tới, Việt Nam đặt ra mục tiêu phấn đấu trở thành một trong những nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, XK sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ có thương hiệu uy tín trên thị trường quốc tế với các con số cụ thể là: Kim ngạch XK gỗ và lâm sản ngoài gỗ năm 2019 dự kiến đạt 11 tỷ USD; năm 2020 đạt 12 - 13 tỷ USD; năm 2025 đạt 18 - 20 tỷ USD; từng bước tăng tỷ trọng XK sản phẩm được chế biến sâu có thương hiệu Việt Nam, có giá trị gia tăng cao trong tổng kim ngạch XK.

Lâm sản Việt Nam được xuất khẩu sang trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thị trường xuất khẩu lâm sản chính của Việt Nam gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc.

Mai Trang
Cùng chuyên mục