Xuất khẩu thép tăng vọt giữa lúc giá thép cao kỷ lục, nhà thầu có nguy cơ phá sản

Hồng Phúc Thứ tư, ngày 19/05/2021 06:00 AM (GMT+7)
Giá thép tăng chóng mặt vài tháng trở lại đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong khi đó, sản lượng thép xuất khẩu cũng tăng vọt. Bộ Công Thương đang tính việc kiểm soát xuất khẩu đối với các loại thép trong nước đang có nhu cầu.
Bình luận 0

Giá thép chưa dừng tăng

Tính đến ngày 18/5, giá thép trong nước vẫn neo ở mức rất cao. Các doanh nghiệp sản xuất và phân phối thép lớn như Hòa Phát, Việt Đức, Pomina… đang bán thép xây dựng với giá xấp xỉ gần 18 triệu đồng/tấn, tăng khoảng gấp rưỡi so với thời điểm quý III/2020 và đang là mức cao kỷ lục từ trước đến nay.

Xuất khẩu thép tăng vọt giữa lúc giá thép cao kỷ lục, nhà thầu có nguy cơ phá sản - Ảnh 1.

Xuất khẩu thép tăng vọt giữa lúc giá thép trong nước ngất ngưởng.

Trên thị trường thế giới, sau vài ngày có dấu hiệu giảm nhẹ, giá thép trên sàn giao dịch Thượng Hải đã quay đầu tăng trở lại. Cụ thể giá thép giao vào tháng 10 tăng thêm 30 Nhân dân tệ lên mức 5.650 Nhân dân tệ/tấn. Đà giảm chưa được bao lâu thì giá thép thế giới tăng lại khiến các doanh nghiệp, nhà thầu trong nước méo mặt.

Theo chủ các đại lý, cửa hàng vật liệu xây dựng tại TP.HCM, vài ngày qua có thông tin giá thép giảm nhưng đó là giá thép trên thị trường thế giới giao vào thời điểm cuối năm. Vì vậy, thông tin giá thép giảm này chưa tác động đến giá thép trong nước. 

"Chưa kịp thấy giảm được đồng nào thì giá thép thế giới đã tăng trở lại. Còn trong nước, theo thông báo tôi nhận được từ các công ty, vài ngày nữa, giá tôn mạ, thép dây mạ sẽ tăng tiếp", anh Hiệp - chủ một cửa hàng vật liệu xây dựng tại quận Bình Tân, nói. 

Chủ cửa hàng vật liệu xây dựng này cho hay chưa bao giờ giới kinh doanh thép, vật liệu xây dựng nhận được giá thép mới, lần sau cao hơn lần trước liên tục như năm nay. Thậm chí, thông báo tăng giá của đợt trước chưa đến ngày áp dụng là đã nhận được thông báo tăng giá của đợt tiếp theo.

Số liệu công bố của Tổng Cục Thống kê mới đây cho biết, chỉ số giá sản xuất nhóm sản phẩm kim loại bình quân 4 tháng đầu năm tăng 7,7%. Trong nhóm sản phẩm kim loại, chỉ số giá sản xuất nhóm sản phẩm sắt, thép tháng 4/2021 tăng 27,7% so với cùng kỳ năm trước, bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng 23%. 

"Các nhà thầu, doanh nghiệp ngành xây dựng, người dân đang xây nhà cũng phải đối mặt với giá vật liệu xây dựng tăng phi mã, chưa có dấu hiệu giảm", đại diện Tổng cục Thống kê nhận định. Hiệp hội Thép Việt Nam cũng dự báo nhiều khả năng giá thép sẽ tăng đến hết quý III năm nay trước diễn biến tình hình thế giới.

Xuất khẩu thép tăng vọt

Đáng chú ý, trong khi giá thép trong nước tăng chóng mặt vì giá nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, phôi thép… nhập khẩu tăng cao thì sản lượng thép thành phẩm của Việt Nam xuất khẩu đi các nước cũng tăng vọt.

Hiệp hội Thép cũng xác nhận việc sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép 4 tháng đầu năm đang tăng khá so với những nhận định trước đó. 

Cụ thể, số liệu do Hiệp hội Thép vừa công bố cho biết tháng 4/2021, có 2,82 triệu tấn thép các loại được sản xuất, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng thép ra bán trong tháng là 2,7 triệu tấn, tăng 57%; trong đó, sản lượng xuất khẩu hơn 534 tấn, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 4 tháng đầu năm, sản xuất thép các loại trong nước đạt 10,5 triệu tấn, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng bán ra 4 tháng đạt 9,5 triệu tấn, tăng 40%; trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt 2,2 triệu tấn, tăng đến 68% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước yêu cầu của Chính phủ về việc có biện pháp thúc đẩy, tăng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thép thành phẩm trong nước, đại diện Bộ Công Thương cho biết đã yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ kiến nghị ban hành chính sách kiểm soát xuất khẩu đối với các loại thép trong nước đang có nhu cầu.

Bộ này cũng đã có văn bản đề nghị Hiệp hội Thép rà soát, xem xét các vấn đề liên quan đến nguyên liệu đầu vào, tiết giảm chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm, có biện pháp tăng công suất sản xuất thép để đáp ứng nhu cầu trong nước, hạn chế xuất khẩu các mặt hàng, sản phẩm thép trong nước đang có nhu cầu. 

Song song tăng công suất, tiết giảm chi phí, Hiệp hội Thép cũng được đề nghị rà soát hệ thống đại lý phân phối nhằm tránh các hiện tượng găm hàng, đẩy giá và cạnh tranh không lành mạnh. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem