Ý, Hàn chi mạnh để bảo vệ nền kinh tế trước dịch virus corona
Roberto Gualtieri – Bộ trưởng Bộ kinh tế Ý tuyên bố tại Rome hôm 1/3, nước này sẽ tung ra chương trình tín dụng ưu đãi cho các công ty bị giảm hơn 25% doanh thu, cũng như miễn thuế với hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Gói tín dụng này có giá trị tương đương 0,2% GDP, và có thể sẽ cần thêm 900 triệu EUR cho các vùng bị thiệt hại nặng nề nhất từ dịch bệnh. Rome cũng đang tìm kiếm nguồn hỗ trợ từ khối EU để tăng cường cho khoản thiếu hụt ngân sách trong năm nay.
Trước khi dịch virus corona bùng phát, Ý đã ở bờ vực suy thoái kinh tế. Giờ đây, sự bùng nổ dịch bệnh khiến các nhà đầu tư và hoạch định chính sách dự đoán viễn cảnh xấu hơn tới nền kinh tế nước này.
Thị trường chứng khoán thế giới đã giảm mạnh vào tuần trước khi khủng hoảng dịch bệnh lan rộng ra nhiều quốc gia khiến nền kinh tế chịu tác động tiêu cực nghiêm trọng. Ý với hơn 1.500 ca nhiễm bệnh và 34 người chết là một trong những quốc gia có số ca nhiễm lớn nhất sau Trung Quốc. Nước này đã “phong tỏa” 11 thành phố ở phía Bắc với khoảng 50.000 dân cư cho đến cuối tuần sau. Nhiều trường học đóng cửa, các show diễn thời trang và trận bóng đá bị hủy bỏ hoàn toàn.
Cao ủy Khối Liên minh Châu Âu cũng đã quyết định chi ra 232 triệu EUR nhằm giảm thiểu tác động dịch bệnh ở khối này. Tại Đức, số lượng người nhiễm bệnh tăng gấp đôi lên đến hơn 117 người chỉ trong cuối tuần, theo Viện Robert Koch. Bộ trưởng tài chính Olaf Scholz của Đức tuyên bố ngày hôm qua chính phủ nước này đã có nguồn tài chính cho chương trình viện trợ khẩn cấp nếu cần.
Hàn Quốc là quốc gia có tỷ lệ người nhiễm bệnh cao thứ hai thế giới sau Trung Quốc với 3.736 trường hợp phơi nhiễm và 18 người tử vong tính đến 2/3. Nước này cũng đã công bố biện pháp kích thích kinh tế nhằm tránh thiệt hại quá lớn sau khi hàng loạt nhà máy ở nước này quan ngại về tác động đến chuỗi cung ứng. Samsung – nhà sản xuất smartphone và con chip máy tính hàng đầu thế giới, đã tạm hoãn sản xuất điện thoại ở một nhà máy sau khi một công nhân bị xác nhận nhiễm virus corona
Gián đoạn sản xuất do bùng nổ dịch bệnh đang kéo nền kinh tế thế giới gần hơn tới viễn cảnh suy thoái, đòi hỏi các quốc gia có các biện pháp can thiệp tài chính. Trung tâm nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô mới đây hạ dự đoán mức tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2020 xuống 2,1%, thấp hơn 0,4% so với mức trước đó là 2,5%. Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF coi mức này là rất gần với suy thoái. Nhưng theo Jennifer McKeown, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô, nếu virus corona trở thành đại dịch toàn cầu, tăng trưởng GDP có thể giảm mạnh như năm 2019, tức giảm 0,5%. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD ở Paris thậm chí cảnh báo những nguy cơ đáng quan ngại hơn so với những gì IMF miêu tả trước đó, đồng thời nhấn mạnh hệ quả nghiêm trọng là điều khó có thể tránh khỏi.
Câu hỏi đặt ra cho các quốc gia là làm gì trước những áp lực ngày càng lớn để kích hoạt nền kinh tế trở lại. Theo Karen Ward, chuyên gia thị trường Châu Âu từ JP Morgan, khả năng nền kinh tế phục hồi hay không phụ thuộc phần lớn vào sự can thiệp của các chính sách. Nhiều nhà hoạch định chính sách nhận định virus corona là cú sốc cung với nền kinh tế, từ việc thiếu nhân công cho đến nguyên liệu cho nhà máy.
Phó thống đốc ngân hàng nhà nước Anh Jon Cunliffe cho rằng khó có thể có biện pháp nào khác đủ hiệu quả để khắc phục vấn đề này. Tuy nhiên với các nhà làm luật, phân biệt giữa hệ quả của cú sốc cung và cú sốc cầu ngày càng giảm. Mục tiêu của hành động là để tránh gián đoạn chuỗi cung ứng gây nên hệ quả tồi tệ đến nền kinh tế, nguyên nhân chính dẫn đến mức tiêu thụ giảm. Chính sách tài chính cũng đồng thời nên tập trung hỗ trợ ngành y tế và tăng cường nhu cầu tiêu thụ và đồng thời giảm mối quan ngại về tài chính với các công ty đang ở trong tình trạng nợ nần. Hiện nhiều ngân hàng trung tâm và chính phủ đã đưa ra các biện pháp quyết liệt liên quan đến vấn đề này.
Ngân hàng Trung Ương Mỹ được kỳ vọng sẽ cắt giảm lãi suất nhằm tránh rủi ro cho nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến trước đó vẫn còn đặt hy vọng vào phục hồi kinh tế nhanh chóng sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản trái lại đang đau đầu với bài toán đối phó dịch virus khi chính phủ nước này chỉ vừa mới tung ra gói ngân sách bổ sung đến tháng 3/2020 và sẽ cần đến vài tháng trước khi có thể chi thêm.