Yên Bái: Trước kia liên tục mất mùa, nay nhờ cách này mà bà con hái bưởi tiến vua mỏi tay

Hoàng Hữu Thứ bảy, ngày 06/03/2021 15:23 PM (GMT+7)
Cứ mỗi mùa bưởi Đại Minh ra hoa, người dân xã Đại Minh (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) lại tất bật, tỉ mỉ chọn từng bông hoa, rồi thụ phấn cho bưởi. Nhờ vậy, người trồng bưởi Đại Minh luôn có những vụ bưởi bội thu, quả trĩu cành.
Bình luận 0

Bưởi Đại Minh (hay bưởi tiến Vua) là giống bưởi ngon nức tiếng gần xa bởi hương thơm đặc trưng, múi mọng nước, tôm đều và không bị khô, vị ngọt mát. 

Cây bưởi Đại Minh được trồng rộng khắp ở địa phương, tuy nhiên trước đây, do không có kỹ thuật, người dân Đại Minh vẫn để bưởi tự ra hoa hoa, thụ phấn tự nhiên nên năng suất bưởi không đều, có năm đậu quả năm mất mùa.

Về Yên Bái lạc vào vườn bưởi tiến vua, xem người dân "xe duyên" cho bưởi - Ảnh 2.

Gia đình chị Ngà phải thuê thêm 7 lao động mới kịp thụ phấn cho vườn bưởi của gia đình.

Tuy nhiên khoảng chục năm trở lại đây, nhờ được sự giúp đỡ từ Viện rau quả Trung ương, người trồng bưởi xã Đại Minh đã biết áp dụng kỹ thuật thụ phấn chéo cho cây bưởi. Nhờ vậy, bưởi Đại Minh đậu quả sai hơn, không còn cảnh mùa hoa thì sai mà mùa quả thì hiếm như trước.

Theo người dân nơi đây, vào đúng thời điểm hoa bưởi nở rộ nhất, người dân chỉ có thời gian 1 tuần để thụ phấn cho hoa. Thụ phấn cho bưởi là công việc không khó, ai cũng có thể làm được, nhưng đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ của người làm.

Về Yên Bái lạc vào vườn bưởi tiến vua, xem người dân "xe duyên" cho bưởi - Ảnh 3.

Người dân tất bật thụ phấn cho những cây bưởi Đại Minh.

Những ngày này, gia đình chị Nguyễn Thị Ngà (thôn Minh Thân, xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) luôn bận rộn với công việc thụ phấn cho bưởi. 

Chị Ngà cho biết, hiện tại gia đình có 300 gốc bưởi Đại Minh từ 30 - 50 năm tuổi. Thời gian này hoa bưởi đang nở rộ, gia đình chị phải thuê thêm 7 lao động với mức lương 200.000 – 250.000 đồng/người/ngày để thụ phấn cho hoa.

"Mình phải tìm những bông hoa mới nở để lấy phấn của bông khác thụ phấn vào thì mới có hiệu quả. Nói chung từ khi áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm bưởi, năng suất nâng lên rất cao, từ đó thu nhập cũng tăng lên. Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng chung, giá bưởi rẻ nhưng gia đình cũng bán được khoảng gần 400 triệu tiền bưởi, đây là nguồn thu nhập chính cho gia đình", chị Ngà cho biết thêm.

Về Yên Bái lạc vào vườn bưởi tiến vua, xem người dân "xe duyên" cho bưởi - Ảnh 4.

Vào thời điểm hoa bưởi nở rộ nhất, người dân thụ phấn cho hoa trong 1 tuần.

Về Yên Bái lạc vào vườn bưởi tiến vua, xem người dân "xe duyên" cho bưởi - Ảnh 5.

Ở mỗi chùm hoa, bà con chỉ thụ phấn cho 3 bông hoa nở đầu tiên.

Gia đình ông Nguyễn Mạnh Ân (thôn Khả Lĩnh, xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) là một trong những hộ dân đầu tiên ở xã áp dụng phương pháp thụ phấn chéo cho bưởi Đại Minh. 

Ông Ân cho biết: "Trước đây bưởi liên tục mất mùa, nhiều hộ đã chặt bỏ cây bưởi vì kém hiệu quả. Từ năm 2008, Viện rau quả Trung ương về chuyển giao kỹ thuật thụ phấn nên sản lượng tăng lên theo từng năm, chất lượng bưởi cũng được nâng lên rõ rệt".

Về Yên Bái lạc vào vườn bưởi tiến vua, xem người dân "xe duyên" cho bưởi - Ảnh 6.

Ông Ân thụ phấn cho hoa bưởi.

Theo ông Ân, muốn đạt hiệu quả cao nhất, khi thụ phấn cho hoa phải chấm nhẹ nhàng. Mỗi chùm sẽ có nhiều hoa, nhưng không phải bông nào cũng thụ phấn. Người trồng bưởi phải lựa chọn, trong nhiều bông hoa ấy chỉ thụ phấn cho 3 bông hoa nở đầu tiên.

"Chúng tôi cũng mong muốn tiếp tục được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc quả bưởi. Ngoài làm cho bưởi ra quả nhiều, bà con còn muốn làm sao để bưởi khỏi khô. Bây giờ bà con tự mày mò cách chăm bón nên hiệu quả chưa được tốt. Bưởi Đại Minh thì rất ngon, bán giá vẫn cao tuy nhiên không đều, vẫn có những quả bị khô, chất lượng kém hơn phải bán sớm", ông Ân chia sẻ.

Về Yên Bái lạc vào vườn bưởi tiến vua, xem người dân "xe duyên" cho bưởi - Ảnh 10.

Bưởi Đại Minh đã trở thành cây trồng chủ lực của địa phương, hàng năm giúp người dân nơi đây thu về hàng chục tỷ đồng.

Ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Minh cho biết, để nâng cao chất lượng sản phẩm chủ lực của xã là bưởi Đại Minh, chính quyền địa phương luôn vận động bà con áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc bưởi.

Đặc biệt, địa phương vận động bà con sử dụng phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học để từng bước nâng cao chất lượng quả bưởi, để quả bưởi khi đưa ra thị trường được khách hàng đón nhận.

Bưởi Đại Minh là giống bưởi bản địa, có lịch sử lâu đời tại xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.

Năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học & Công nghệ đã trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu sản phẩm "Bưởi Đại Minh".

Bưởi Đại Minh là cây chủ lực trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của địa phương. Năm 2020, cây bưởi mang về cho người dân Đại Minh 50 tỷ đồng. Đến nay, chỉ riêng xã Đại Minh trồng khoảng 310ha bưởi Đại Minh.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem