Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tăng nóng 240%, những điều DN đặc biệt cần chú ý

18/03/2022 10:38 GMT+7
Theo Vasep, 2 tháng đầu năm 2022, xuất thuỷ sản sang Trung Quốc & Hongkong tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước đạt 170 triệu USD. Trong đó, đột phá nhất là cá tra, tăng 240%, cua ghẹ tăng 198% và mực bạch tuộc tăng 146%.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Việt Nam (Vasep) cho biết, sau khi giảm 17% năm 2021, chủ yếu do chính sách "zero Covid" tại thị trường Trung Quốc, từ đầu năm 2022 đến nay, xuất khẩu sang thị trường này đã hồi phục mạnh mẽ.

 Trong tháng 1/2022, xuất khẩu sang Trung Quốc & Hồng Kông tăng 56%, xuất khẩu tháng 2 vượt trội hơn với mức tăng trưởng 138% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, 2 tháng đầu năm, xuất khẩu sang lục địa Trung Quốc tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ, đạt 145 triệu USD, chiếm 85%. xuất khẩu sang Hồng Kông tăng 46% đạt 25 triệu USD, chiếm 15%.

Các nhà NK tại Trung Quốc lục địa và Hồng Kông đều tăng mạnh đơn hàng các sản phẩm cá tra, cua ghẹ, mực, bạch tuộc của Việt Nam trong 2 tháng qua. Riêng với cá ngừ, chỉ tiêu thụ mạnh tại Hồng Kông, với mức tăng trưởng 56%, trong khi Trung Quốc gần như không có đơn hàng nào với cá ngừ Việt Nam trong 2 tháng đầu năm.

Tuy tăng trưởng khiêm tốn hơn các mặt hàng khác, nhưng tôm vẫn chiếm tỷ trọng cao 23,4% trong tổng xuất khẩu thuỷ sản sang khối thị trường này, với gần 40 triệu USD, tăng 13%. Trong đó, Trung Quốc lục địa tiêu thụ tôm Việt Nam với trị giá gần 28 triệu USD, còn lại xuất khẩu tôm sang Hồng Kông đạt 12 triệu USD.

2 tháng đầu năm xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tăng tới 240%, những điều DN đặc biệt cần chú ý - Ảnh 1.

Xuất khẩu năm 2021 chạm mức thấp nhất trong 5 năm

Xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc & Hồng Kông trong năm 2021 giảm gần 17% xuống còn hơn 1,1 tỷ USD, mức thấp nhất trong 5 năm qua. Nguyên nhân chính là chính sách zero Covid của Trung Quốc khiến cho hoạt động giao thương và thông quan hàng NK bị đình trệ, ách tắc trong hầu hết cả năm qua.

3 dòng sản phẩm chính xuất khẩu sang Trung Quốc năm qua gồm tôm (chiếm 36%), cá tra (chiếm 39%) và các loại cá khác (14%) đều bị giảm mạnh giá trị xuất khẩu sang khối thị trường này. Trong đó, xuất khẩu cá tra đạt gần 450 triệu USD. xuất khẩu tôm sang Trung Quốc & HK đạt 412 triệu USD, giảm 22%. Trong đó sang Trung Quốc giảm 22%, riêng xuất khẩu sang Hồng Kông giảm 18%. Trung Quốc đã giảm 14% NK tôm sú từ Việt Nam, trong khi NK tôm chân trắng vẫn tăng gần 6%.

Cá cơm chiếm một tỷ trọng đáng kể trong xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc (chiếm 6,4% đạt 63 triệu USD), nhưng năm qua bị giảm mạnh 37%. Hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá cơm tiếp tục giảm 16%.

Tuy nhiên, năm 2021, Trung Quốc đã tăng mạnh NK một số loài cá như cá sòng tăng gấp gần 10 lần, cá chỉ vàng tăng 42%, nước mắm tăng 40%, cá trích tăng 108%...

xuất khẩu cua sang Trung Quốc năm 2021 giảm 23% trong khi xuất khẩu sang Hồng Kông tăng mạnh 116%.

Thị trường lớn nhiều thách thức

Trung Quốc năm qua với chính sách nhập khẩu thất thường, tạo ra thách thức với các nhà cung ứng. Không chỉ Việt Nam, một số nguồn cung thủy sản lớn khác như Nga, Ấn Độ, Na Uy cũng gặp trở ngại lớn do các biện pháp kiểm soát hàng thực phẩm NK để Covid-19 chặt chẽ quá mức cần thiết.

Mới đây Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản (Nafiqad) đã có công văn cảnh báo DN thuỷ sản về tình trạng 3 tháng đầu năm nay số lô hàng thuỷ sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị cơ quan thẩm quyền quốc gia này cảnh báo phát hiện virus SARS-CoV-2 tăng mạnh. Nếu không kịp thời có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả thì việc số lô hàng thủy sản bị cảnh báo phát hiện virus SARS-CoV-2 và trả về nhiều sẽ gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp và ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm thuỷ sản Việt Nam.

Trung Quốc có lợi thế là nhu cầu nội địa lớn nên trở thành khách hàng lớn nhất cho tôm nuôi từ Ấn Độ, Eucador, tôm biển từ Argentina. Nguồn cung tôm giá rẻ vào Trung Quốc tăng mạnh cộng với tác động Covid-19 lên tiểu ngạch khiến việc cung ứng tôm sú cỡ lớn của Việt Nam vào Trung Quốc có phần giảm sút.

Hiện nay, Việt Nam vẫn là 1 trong 3 thị trường cung cấp sản phẩm cá thịt trắng hàng đầu cho Trung Quốc - Hồng Kông. Trong đó, Việt Nam là nhà cung cấp cá tra đông lạnh duy nhất tại Trung Quốc.

Cho tới nay, các nhà NK Trung Quốc đang đầu tư, thăm dò nhiều thị trường nguồn cung cá tra ở Đông Nam Á (ngoài Việt Nam) do nhu cầu NK của nước này cuối năm và dự báo trong năm 2022 tăng mạnh. Nguồn cá nước ngọt khan hiếm trầm trọng nên cuối năm 2021 nước này phải mở cửa trở lại cho cá tra Việt Nam.

Vasep khuyến cáo, Trung Quốc là thị trường có nhu cầu tiêu thụ mạnh thủy sản. Tốc độ đô thị hóa nhanh tại Trung Quốc, ngày càng làm tăng tiêu thụ thủy sản tại nước này. Tuy nhiên, Trung Quốc thay đổi thường xuyên những quy định về NK. Doanh nghiệp cần tuân thủ đầy đủ các quy định mới về xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc, tăng cường tìm hiểu nhu cầu của từng phân khúc thị trường tại Trung Quốc, nghiên cứu mẫu mã, bao bì, nhãn mác.

Năm 2021, Hải quan Trung Quốc đã ban hành quy định về đăng ký và quản lý DN sản xuất thực phẩm NK nước ngoài (Lệnh 248) và Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm XNK (Lệnh 249) có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

Theo đó, Trung Quốc gia tăng các quy định kiểm soát gồm nâng cao tỷ lệ lấy mẫu giám sát thực phẩm nhập khẩu tương ứng; nộp báo cáo kiểm nghiệm theo lô hoặc tăng cường đình chỉ, tạm dừng hoặc cấm đối với doanh nghiệp nếu vi phạm an toàn thực phẩm hoặc cả đối với hoạt động đánh giá rủi ro thực hiện bởi các cơ quan nhà nước.

Đặc biệt, theo Lệnh 248, Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất nước ngoài phải đăng ký khi xuất khẩu 18 nhóm thực phẩm vào thị trường Trung Quốc, trong đó có sản phẩm thủy sản.

Thời gian qua, nhiều DN thủy sản cũng gặp phải những vướng mắc tương tự khi đăng ký mã số hàng hóa sang Trung Quốc vì ngôn ngữ, hệ thống đăng ký của Trung Quốc khác biệt, khá phức tạp.



A.Vũ
Cùng chuyên mục