22 triệu người Mỹ thất nghiệp trong 4 tuần, chứng khoán Mỹ vật lộn nhích nhẹ

17/04/2020 08:59 GMT+7
Chứng khoán Mỹ tăng nhẹ trong phiên giao dịch 16/4 khi các nhà đầu tư vật lộn với mối quan ngại sự bùng phát trở lại đại dịch Covid-19 và những dữ liệu kinh tế ảm đạm.

Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng nhẹ 33,33 điểm, tương đương 0,14%, đóng cửa ở mức 23,567,68 điểm. S & P 500 tăng 0,58% lên 2.799,55 điểm. Nasdaq Composite nhích 1,66% lên 8,532,36 điểm.

Cổ phiếu Netflix tăng hơn 2,91% lên mức kỷ lục, dẫn đầu mức tăng của Nasdaq Composite sau khi một nhà phân tích của Goldman Sachs tăng kỳ vọng giá mục tiêu của Netflix. Cổ phiếu Amazon cũng tăng 4,36%.

22 triệu người Mỹ thất nghiệp trong 4 tuần, chứng khoán Mỹ vật lộn nhích nhẹ  - Ảnh 1.

22 triệu người Mỹ thất nghiệp trong 4 tuần gần nhất

Trong cùng ngày, Bộ Lao động Mỹ báo cáo 5,245 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước, nâng tổng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong 4 tuần gần nhất lên tới 22 triệu, mức cao chưa từng có trong lịch sử.

Ông Mike Loewengart, phó chủ tịch chiến lược đầu tư tại E-Trade cho biết, với 22 triệu người hiện đang thất nghiệp trong vòng 4 tuần, câu hỏi đặt ra là con số có thể tăng lên bao nhiêu trong những tuần tiếp theo. Nhìn chung, những báo cáo thất nghiệp rõ ràng đang phản ánh sự yếu kém của thị trường lao động.

Chỉ số điều kiện kinh doanh do Cục Dự trữ Liên bang chi nhánh Philadelphia công bố cũng cho thấy mức thấp nhất kể từ tháng 7/1980 khi hàng loạt nhà máy, doanh nghiệp ngừng hoạt động vì đại dịch.

Thị trường cũng trở nên thận trọng khi Thống đốc New York Andrew Cuomo tuyên bố chính phủ sẽ gia hạn thời gian đóng cửa các doanh nghiệp không thiết yếu cho đến ngày 15/5. Quyết định gia hạn đến vào thời điểm tỷ lệ ca nhập viện do nghi nhiễm Covid-19 tại Mỹ giảm một nửa, nhưng chính quyền địa phương vẫn chọn cách hành động thận trọng để tránh nguy cơ dịch bùng phát tồi tệ hơn.

Art Hogan, chiến lược gia trưởng thị trường tại National Securities nhận định thị trường đang tập trung trở lại vào những mối quan ngại dữ liệu kinh tế ảm đạm khi người dân buộc phải nghỉ việc hoặc làm việc tại nhà. “Một đống dữ liệu kinh tế tồi tệ đổ lên đầu chúng tôi”.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục