4 năm, Thống đốc Lê Minh Hưng chỉ đạo mua 48 tỷ USD, dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục

Huyền Anh Thứ năm, ngày 02/01/2020 11:42 AM (GMT+7)
Từ đầu nhiệm kỳ của mình, Thống đốc Lê Minh Hưng rất quan tâm tới việc mua ngoại hối để tăng dự trữ, điều tiết lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế đảm bảo mục tiêu lạm phát. Theo đó, sau 4 năm, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào 48 tỷ USD, tăng dự trữ ngoại hối lên gần 79 tỷ USD và đạt kỷ lục mới.
Bình luận 0

Sáng ngày 2/1/2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2020. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định, năm 2019 là năm bản lề quan trọng của hoạt động ngân hàng và ngành đã đạt nhiều kết quả tích cực, đóng góp vào thành công chung của nền kinh tế năm 2019.

Theo đó, chính sách tiền tệ năm 2019 đã được hoạch định và thực thi hiệu quả, vừa xử lý được những vấn đề thách thức đặt ra trong ngắn hạn nhưng cũng đảm bảo được các mục tiêu trung và dài hạn về ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. 

Đặc biệt, tỷ giá và lãi suất được duy trì ổn định, kiểm soát lạm phát tốt trong bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính toàn cầu có nhiều biến động, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung căng thẳng.

img

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phát biểu khai mạc tại Hội nghị

Trong năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã mua được lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhưng quan trọng không kém đó chính là việc NHNN đã điều tiết tốt lượng tiền trong lưu thông, không gây tác động lên lạm phát.

Cụ thể, tính đến nay, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt xấp xỉ 79 tỷ USD, đặc biệt từ đầu nhiệm kỳ Ngân hàng Nhà nước đã mua vào 48 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối. Riêng năm 2019, NHNN đã mua vào 20 tỷ USD, tức là đưa ra nền kinh tế xấp xỉ 500 nghìn tỷ đồng nhưng vẫn chủ động điều tiết trung hòa đảm bảo không gây tác động lên lạm phát. Trong đó, lạm phát cơ bản chỉ trong biến động chỉ từ 1,4% đến dưới 2%. Điều này tạo dư địa thuận lợi để Chính phủ điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, đặc biệt trong điều kiện ảnh hưởng phức tạp của dịch bệnh.

Nhờ đó, niềm tin của thị trường vào khả năng kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô của Chính phủ và NHNN được củng cố. Việc điều hành chính sách tiền tệ không chỉ xử lý hiệu quả những vấn đề thực tiễn đặt ra trước mắt mà kiên định lộ trình theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững, ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong trung và dài hạn.

Liên quan đến điều hành tỷ giá ngoại tệ và việc Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi về thao túng tiền tệ, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết thêm, năm 2019, NHNN đã phối hợp tốt với các bộ, ngành trong xử lý những khúc mắc với các đối tác thương mại lớn. Từ đó, khẳng định với các đối tác việc điều hành tiền tệ và tỷ giá theo diễn biến thị trường và không dùng tỷ giá để cạnh tranh thương mại, không gây bất bình đẳng với các đối tác Việt Nam có quan hệ thương mại.

Đồng thời, người đứng đầu ngành ngân hàng cũng khẳng định, NHNN sẽ không bao giờ dùng tỷ giá để tạo cạnh tranh với đối tác thương mại, không can thiệp có chủ đích vào chính sách tiền tệ để tạo thuận lợi trong xuất nhập khẩu hàng hoá.

Cũng nhờ triển khai quyết liệt các giải pháp từ Chính phủ, ngành ngân hàng đã cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, các nhu cầu đời sống chính đáng của người dân. Tính đến cuối năm 2019, tăng trưởng tín dụng xấp xỉ 14%, tương đương cấp khoảng 8,2 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế. Điều đáng nói, tăng trưởng tín dụng đi liền với hiệu quả an toàn, chất lượng tín dụng không ngừng cải thiện.

Thống đốc Lê Minh Hưng dẫn chứng, trong giai đoạn 2001 – 2010, tăng trưởng tín dụng tăng bình quân 30%, song tăng trưởng bình quân của GDP trên 6,82%. Như vậy, tỷ lệ tín dụng/GDP trên 4 lần, cá biệt là năm 2007 tỷ lệ này lên tới 5,3%. Tức là 5 lần tăng tín dụng mới đạt được 1% tăng trưởng GDP. Giai đoạn 2006 đến nay, tỷ lệ tín dụng/GDP đã giảm xuống 3 lần và đặc biệt năm 2018 và 2019 đã xuống dưới 2 lần. Chúng tỏ hiệu quả của tăng trưởng đã được tăng cường và củng cố.

Về nợ xấu, tính tới thời điểm hiện tại tỷ lệ nợ xấu và tất cả các khoản nợ tiềm ẩn nợ xấu chỉ ở mức 4,59%, thấp hơn đầu kỳ là 10,08%.

Thống đốc Lê Minh Hưng thừa nhận, bên cạnh những mặt làm tốt, ngành ngân hàng cũng thẳng thắn nhìn vào các mặt chưa làm được mà thời gian tới phải tập trung xử lý quyết liệt.

Thứ nhất là công tác điều hành CSTT: Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động khó lường, Việt Nam phải làm tốt hơn nữa với nhiều kịch bản điều hành chính sách tiền tệ khác nhau, đòi hỏi phải năng động, chủ động bám sát thị trường để kịp thời tham mưu cho Chính phủ...

Hai là, đảm bảo cung ứng đủ vốn song song với kiểm soát chặt chất lượng tín dụng.

Ba là công tác thanh tra giám sát cần tăng cường củng cố cả thanh tra từ cấp trung ương đến địa phương, tăng các cảnh báo từ xa, xử phạt nghiêm khắc đối với các vi phạm.

Đồng thời, quyết liệt xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các TCTD, xây dựng và hoàn thiện đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cho nhiệm kỳ tiếp theo. Nghiên cứu sửa đổi Luật ngân hàng, luật Bảo hiểm tiền gửi để báo cáo Thủ tướng Chính phủ…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem