42 người Việt Nam trốn khỏi sòng bạc Campuchia: Quản lý người Trung Quốc bị bắt khai gì?

Phương Đăng (theo Khmer Times) Thứ hai, ngày 22/08/2022 14:52 PM (GMT+7)
Trong bối cảnh Campuchia đang phải vật lộn để đối phó với nạn buôn người, tin tức rầm rộ về vụ 42 người Việt Nam trốn khỏi một sòng bạc ở biên giới Campuchia-Việt Nam càng phản ánh mức độ nghiêm trọng của vấn nạn này, Khmer Times bình luận.
Bình luận 0
42 người Việt Nam trốn khỏi sòng bạc Campuchia: Quản lý người Trung Quốc bị bắt khai gì? - Ảnh 1.

Quan chức xuất nhập cảnh Campuchia làm việc với các đại diện sòng bạc Golden Phoenix liên quan đến vụ 42 lao động Việt Nam trốn khỏi đây. Ảnh Khmer Times.

Những lao động Việt Nam đã trốn khỏi sòng bạc Golden Phoenix ở xã Chrey Thom, huyện Koh Thom, tỉnh Kandal. Họ tuyên bố đã bị lừa sang Campuchia làm việc nhưng không ngờ rơi vào nơi được mô tả là "địa ngục trần gian".

Khmer Times mô tả, cuộc “chạy trốn” của những lao động Việt Nam khỏi sòng bạc vốn do người Trung Quốc quản lý với những vệ sĩ lực lưỡng, hung hãn đã được lên kế hoạch kỹ lưỡng và gay cấn như một bộ phim.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Campuchia Sar Kheng nói với báo giới rằng, các lao động Việt Nam bị lừa sang làm việc cho sòng bạc và đã bỏ trốn sau khi không được trả lương như cam kết trước đó.

“Họ được hứa trả lương cao nhưng lại không đạt được điều họ muốn… Họ vượt biên vì không thể thương lượng với chủ”, ông Sar Kheng nhấn mạnh.

Theo cảnh sát, hầu hết các lao động bỏ trốn đã bơi được vào lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, một người trong số họ đã chết đuối trong khi 11 người bị bắt lại.

Tướng Keo Vannthan, phát ngôn viên Cơ quan xuất nhập cảnh Campuchia cho biết ông đã dẫn đầu một đoàn kiểm tra đến sòng bạc và bắt giữ người quản lý để thẩm vấn.

Người quản lý sòng bạc mang quốc tịch Trung Quốc thừa nhận đã ép buộc các lao động Việt Nam làm việc trái với ý muốn của họ, tướng Vannthan cho biết và nói thêm rằng, người quản lý này đã bị bắt giữ.

"Chúng tôi cũng đã thẩm vấn 11 người Việt Nam và họ nói lý do bỏ trốn là do tranh chấp với quản lý sòng bạc về hợp đồng lao động của họ. Sòng bạc đã hứa sẽ trả cho lao động 800 USD/tháng, nhưng người quản lý lại chỉ trả cho lao động 400 - 500 USD/tháng”, tướng Vannthan cho biết thêm.

Theo vị tướng Campuchia, 11 người Việt Nam hiện đang bị tạm giữ để chờ trục xuất vì “không ai trong số họ có hộ chiếu”.

Thống đốc Kandal, Kong Sophoan hôm 21/8 cho biết Cảnh sát Quốc gia Campuchia đang điều tra mức độ của vụ việc trước khi quyết định bước tiếp theo.

Ông nói: “Chúng tôi khuyến khích các công ty tuân thủ luật lao động của Campuchia và có các giấy phép kinh doanh phù hợp đồng thời đảm bảo rằng, các nhân viên của họ thực hiện đúng các cam kết như không sử dụng ma túy, không cưỡng bức hoặc giam giữ người lao động.

Ông Sophoan đồng thời lên tiếng kêu gọi cảnh sát Việt Nam và Campuchia phối hợp giải quyết vấn đề này nhằm tạo ra một môi trường làm việc an toàn cho các nhà đầu tư.

Trước đó, ngày 18/8, đồn biên phòng cửa khẩu Long Bình, An Giang bắt 40 người gồm 35 nam, 5 nữ nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Những người này khai, họ có tổng cộng 42 người trốn khỏi sòng bạc ở tỉnh Kandal, Campuchia bằng cách nhảy xuống sông Bình Di và bơi qua sông về nước. 

Tuy nhiên, một người bị nước cuốn thiệt mạng, một người bị bảo vệ sòng bạc bắt lại. Các lao động trốn thoát cho biết, họ bị lừa sang Campuchia làm việc cho các sòng bạc với lời hứa hẹn về mức lương cao. Nhưng thực tế, do phải làm việc quá thời gian quy định, không được nghỉ ngơi và không được trả lương nên họ đã lên kế hoạch bỏ trốn về nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem