898 doanh nghiệp trên sàn tăng 13% lãi ròng năm 2019
898 doanh nghiệp trên sàn đã tạo ra tổng cộng hơn 2.7 triệu tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 201 ngàn tỷ đồng lãi ròng trong năm 2019, lần lượt tăng trưởng 11% và 13% so với năm 2018. Có 812 doanh nghiệp báo lãi , 87 doanh nghiệp báo lỗ, 427 doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng ,343 doanh nghiệp có lợi nhuận lao dốc, 41 doanh nghiệp chuyển từ lỗ sang lãi, 38 doanh nghiệp từ lãi sang lỗ.
VHM lãi ròng dẫn đầu toàn thị trường
Có 3 doanh nghiệp báo lãi năm 2019 trên 10,000 tỷ đồng, gồm các doanh nghiệp lớn là Vinhomes (HOSE: VHM), Tổng Công ty Khí Việt Nam (HOSE: GAS) và Sữa Việt Nam (HOSE: VNM).
Đối với VHM, Công ty có mức lãi ròng dẫn đầu toàn thị trường, tăng 49% so với năm trước, đạt 21,305 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu khác của VHM cũng tăng trưởng tích cực như doanh thu thuần đạt 51,826 tỷ đồng, tăng 34%; biên lãi gộp tăng từ 26% (năm 2018) lên 52.8% (năm 2019). Tỷ suất sinh lợi bình quân trên vốn chủ sở hữu (ROEA) và tỷ suất sinh lợi bình quân trên tổng tài sản (ROAA) vẫn ở mức hấp dẫn, lần lượt đạt gần 38% và hơn 13%.
Ngoài VHM, các doanh nghiệp bất động sản khác như Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, HOSE: NVL), Vincom Retail (HOSE: VRE), Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex, UPCoM: BCM) cũng góp mặt trong top 20 doanh nghiệp đạt lãi cao nhất năm 2019.
Sau nhóm bất động sản, các doanh nghiệp ngành hàng không như Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) hay Hàng không Vietjet (HOSE: VJC) cũng góp mặt trong bảng xếp hạng này.
FIT tăng trưởng 23,601%
Nhìn ở khía cạnh tăng trưởng lợi nhuận, Tập đoàn F.I.T (HOSE: FIT) dẫn đầu các doanh nghiệp với mức tăng trưởng ấn tượng 23,601%, vượt xa doanh nghiệp ở vị trí thứ 2 là Đầu tư Khu Công nghiệp Dầu khí Long Sơn (UPCoM: PXL) có mức tăng trưởng 8,682%.
Trong năm 2019, FIT mang về 1,181 tỷ đồng doanh thu thuần, tuy giảm 26% so với kết quả đạt được năm trước, nhưng nhờ tăng trưởng trong hoạt động tài chính cùng với khoản lợi nhuận khác mà lãi ròng của Công ty lên đến 70 tỷ đồng.
Cũng tương tự, PXL đạt mức tăng trưởng 8,682% không phát sinh từ hoạt động kinh doanh chính mà chủ yếu từ hoạt động tài chính. Cụ thể, doanh thu thuần của công ty giảm 61% , chỉ đạt 18 tỷ đồng trong năm 2019, nhưng với phần lớn doanh thu đến từ hoạt động tài chính đã giúp Công ty tăng trưởng lợi nhuận cao.
Nhiều doanh nghiệp đảo chiều ngoạn mục
41 doanh nghiệp trên sàn chuyển lỗ thành lãi.
Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global, UPCoM: VGI) với mức lãi ròng đạt 1,214 tỷ đồng, khả quan hơn nhiều so với khoản lỗ 1,080 tỷ đồng ở năm trước. Tỷ suất lợi nhuận gộp cả năm của Tổng Công ty cũng tăng từ 31.4% (năm 2018) lên 34.1% (năm 2019), là mức cao nhất từ trước đến nay (kể từ năm 2010).
Bamboo Capital (HOSE: BCG) và Khu công nghiệp Hiệp Phước (UPCoM: HPI) cũng chuyển lỗ thành lãi ngoạn mục. Bamboo Capital lỗ ròng đạt gần 16 tỷ đồng trong năm 2018, nguyên nhân đến từ việc Công ty tái cấu trúc, chuyển dần các hoạt động thương mại sang công ty con, đồng thời thu hẹp các hoạt động kinh doanh không hiệu quà và tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực có tỷ suất sinh lời cao là bất động sản và năng lượng tái tạo. Sang năm 2019, tình hình kinh doanh của Công ty chuyển biến tích cực hơn khi ghi nhận 1,578 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời thoát lỗ với mức lãi ròng đạt 119 tỷ đồng.
Số lượng lớn các doanh nghiệp ‘’trượt dốc’’
CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (HNX: LAS) đạt mức lãi ròng vỏn vẹn 2.4 tỷ đồng, giảm 98% so với kết quả năm trước. Bên cạnh đó, doanh thu của Công ty cũng giảm 20% còn 2,849 tỷ đồng, nguyên nhân chính của sự sụt giảm đến từ việc cạnh tranh gay gắt của thị trường phân bón trong nước, khiến Công ty phải hạ giá bán trực tiếp, tuy nhiên chi phí đầu vào lại có xu hướng tăng, khiến giá vốn bị ảnh hưởng dẫn đến sự đi lùi cả về doanh thu lẫn lợi nhuận.
HNG và HVG lỗ trên ngàn tỷ đồng
Trong top 20 doanh nghiệp báo lỗ năm 2019, hơn nửa số trong đó đã kinh doanh lỗ trong năm trước. Đứng đầu trong nhóm doanh nghiệp này là Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HNG).
Năm 2019, HNG mang về 1,811 tỷ đồng doanh thu thuần, sụt giảm 51% so với năm 2018. Bên cạnh đó, giá vốn hàng bán tăng cao khiến biên lãi gộp của HNG càng giảm mạnh hơn, nhất là ở mảng bán trái cây (mảng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong doanh thu) biên lãi gộp giảm từ 44% (năm 2018) xuống 21% (năm 2019). Ngoài ra, Công ty còn ghi nhận khoản lỗ khác lên đến 1,187 tỷ đồng khiến lỗ ròng của Công ty lên đến 2,308 tỷ đồng.
Lỗ trên ngàn tỷ còn có Hùng Vương (HOSE: HVG). Trong năm tài chính 2019 (từ ngày 01/10/2018 đến 30/09/2019), Công ty đã mang về 4,106 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 49% so với năm trước, cùng với các gánh nặng về chi phí và khó khăn trong cạnh tranh đã khiến cho HVG ghi nhận khoản lỗ ròng lên đến 1,075 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp đi lùi gây khủng hoảng nhiều nhất trên sàn là Tập đoàn Yeah1 (yeah1, HOSE:YEG) trong vụ bê bối lựa chọn nội dung trên Youtube. Cuộc chia tay này dẫn đến hơn 50% nguồn thu của Yeah1 đến từ mảng kinh doanh quảng cáo và chia sẻ nội dung trên nền tảng kỹ thuật số ( hợp tác với Youtube). Doanh thu thuần của Yeah 1 kết năm 2019 chỉ đạt 1,444 tỷ đồng, giảm 14% so với kết quả đạt được ở năm trước; lỗ ròng của Công ty cả năm lên đến 372 tỷ đồng.