Cổ phiếu bất động sản "dậy sóng", VN-Index sẽ chinh phục mốc 1.450 điểm?
Kết phiên hôm nay 10/7, VN-Index tăng 14,32 điểm lên 1.445,64 điểm với 175 mã tăng và 119 mã giảm. Thị trường ghi nhận 10 mã đóng trần như BCG, TCD, VNE, VIC, OGC, LDG,...
Rổ VN30 ghi nhận 20 mã tăng và 7 mã giảm, chỉ số tăng 26,07 điểm lên 1.569,34 điểm. Tại sàn Hà Nội diễn biến trái chiều, giảm nhẹ 0,19 điểm còn 238,44 điểm. UPCoM-Index cũng giảm 0,22 điểm còn 102,28 điểm.

Về diễn biến ngành, bất động sản là nhóm có hiệu suất tốt nhất khi tăng 3,61%, chủ yếu được hỗ trợ từ loạt mã tăng phi mã như HD8, EIM, VIC, OGC, LDG, DRH và nhiều cổ phiếu tăng trên 4% như VRE, VHG, SJS, HPI, NTL,...
Ngay từ khi mở phiên, VIC của VinGroup đã bật tăng và đóng cửa ở mức giá trần 101.600 đồng/cổ phiếu, với hơn 7 triệu đơn vị khớp lệnh. Đóng cửa, mã này dư mua 1,1 triệu đơn vị và dư bán 2.600 đơn vị.
Tính từ đầu năm, VIC đã tăng khoảng 140%, nằm trong nhóm cổ phiếu tăng giá sàn cổ phiếu. Vốn hóa thị trường của VinGroup đạt trên 394.000 tỷ đồng, chỉ sau Vietcombank.
Không chỉ VIC mà các cổ phiếu khác trong cùng họ Vin cũng có đà tăng tốt là VHM tăng 5,13%, VRE tăng 6,16%, riêng VPL đang giảm 0,43%.
Thị trường cho rằng, đà tăng của nhóm VinGroup xuất phát từ việc UBND Tp.HCM ban hành quyết định số 3429 về việc phê duyệt giá đất đối với dự án Khu đô thị quản biển Cần Giờ (tên thương mại là Vinhome Green Paradise tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ cũ), do Công ty CP Đô thị du lịch Cần Giờ - Tập đoàn VinGroup làm chủ đầu tư.
Hồi tháng 4/2025, dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ đã được đầu tư động thổ khởi công tại cửa xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh với tổng diện tích 2.870 ha.
Đây là dự án có quy mô hàng đầu Việt Nam và toàn cầu như tổ hợp nhà hát lớn nhất Đông Nam Á, biển hồ nhân tạo lớn nhất thế giới, 2 sân golf đẳng cấp quốc tế; tòa tháp đa năng 108 tầng, chuỗi khách sạn và trung tâm thương mại hiện đại, quần thể vui chơi - giải trí mô-đun lớn, hệ thống giáo dục tiêu chuẩn quốc tế…
Ngoài bất động sản, nhóm năng lượng cũng tăng 1,85%, viễn thông và công nghệ cùng mức tăng 1,11%,...
Trong khi đó, sau chuỗi tăng nóng, nhóm cổ phiếu chứng khoán đã chững lại trong phiên sáng nay, nhiều mã lớn giảm như HCM, MBS, SHS, VND.
Nhóm bảo hiểm cũng chìm trong sắc đỏ, cùng đó nhóm dầu khí diễn biến không khả quan với loạt mã giảm như PVB, PVD, PVS, TOS, POS.
Trở lại phiên hôm nay, về tác động đến VN-Index, 10 mã đóng góp cho tích cực cho chỉ số chung bao gồm VIC, VHM, VRE, HPG, FPT, MSN, BSR, SHB... đóng góp 13,53 điểm cho chỉ số chung. Ở chiều ngược lại, VNM, MBB, VCB, VPL, TCB, HVN... là những mã tác động tiêu cực và lấy đi 1,51 điểm của chỉ số chung.
Thanh khoản phiên hôm nay cải thiện so với cùng kỳ phiên cuối tuần trước. Tổng giá trị giao dịch trên sàn HoSE cả phiên đạt hơn 27.645 tỷ đồng, sàn Hà Nội ghi nhận 2.123 tỷ đồng.
Khối ngoại tiếp tục đẩy mạnh mua ròng. Trong phiên sáng, giá trị mua ròng trên HoSE đạt hơn giảm còn 975 tỷ đồng. Khối này gom nhiều mã SSI 557,61 tỷ đồng, VPB 156,7 tỷ đồng, SHB 145,86 tỷ đồng,... và "xả" mạnh các mã HPG 372 tỷ đồng, CTG 54,65 tỷ đồng, VCG 43,91 tỷ đồng,...
Chia sẻ tại VPBankS Talk 05, ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích ngành và cổ phiếu VPBankS cho biết, động lực quan trọng cho thị trường trong 6 tháng cuối năm và nửa đầu 2026 là khả năng nâng hạng chứng khoán.
“Việt Nam đã đạt 7/9 tiêu chí của FTSE. Các yếu tố như môi trường pháp lý và thị trường đã được cải thiện rất tốt trong năm 2024 – 2025 thông qua Thông tư 68/2024/TT-BTC (gỡ nút thắt về pre-funding), Thông tư 18/2025/TT-BTC (ký quỹ, thanh toán bù trừ), Thông tư 96 (công bố thông tin), Thông tư 03/2025/TT-NHNN (tháo gỡ, rút ngắn mở tài khoản nhà đầu tư nước ngoài). Những nỗ lực này đã được tổ chức quốc tế đánh giá cao”, ông Dương nói.
Hiện, Việt Nam đang tiếp tục triển khai sửa đổi Nghị định số 155/2020/NĐ-CP để cải thiện 2 yếu tố: làm rõ cơ thế thanh toán bù trừ và thể hiện sự cởi mở trong việc thay đổi tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Trong những buổi họp báo gần đây, cơ quan quản lý nhà nước cho biết “khá tự tin trong việc làm việc với nhà đầu tư tổ chức”. Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước tin tưởng rằng khả năng cao thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạng. Đây là động lực rất quan trọng cho sự bùng nổ của thị trường chứng khoán.
Nhìn lại lợi nhuận và doanh thu của các công ty chứng khoán (CTCK) trong 10 năm vừa qua, có thể thấy hai chỉ số này đã tăng vọt vào năm 2021. Đến 2024, doanh thu bắt đầu vượt qua đỉnh cũ của năm 2021, lợi nhuận sau thuế đạt trên 27.945 tỷ đồng. So với năm 2021, tính chất lợi nhuận và mô hình hoạt động của các công ty chứng khoán đã có sự khác biệt rất lớn.
Lãi từ cho vay và ứng trước của các công ty chứng khoán trong 12 tháng tính đến quý I/2025 ở mức 23.364 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng kép cao, đóng vai trò rất lớn trong cơ cấu lợi nhuận gộp của các công ty chứng khoán.
“Đây là một trong những động lực chính để đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận ổn định toàn ngành. Ngoài ra, hoạt động môi giới của CTCK trong năm 2025 sẽ rất mạnh mẽ nhờ hai chất xúc tác là sự trở lại của khối ngoại và việc TTCK Việt Nam được nâng hạng”, ông Dương nhấn mạnh.