Giải mã định giá 5 tỷ USD của TCBS và kỳ vọng về công ty công nghệ trong lĩnh vực chứng khoán?

Linh Anh
09/07/2025 15:41 GMT +7
IPO với định giá 5 tỷ USD, TCBS đang được kỳ vọng vào chiến lược riêng biệt và nền tảng trở thành công ty công nghệ trong lĩnh vực chứng khoán. Song một số chuyên gia cho rằng mức P/B khoảng 5 lần phần nhiều được xây dựng bởi yếu tố kỳ vọng.

TCBS chốt 'thương vụ' IPO

CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) đã công bố kế hoạch IPO, chính thức bước vào giai đoạn chuẩn bị niêm yết sau nhiều năm hoạt động theo mô hình khép kín. Theo phương án được thông qua, công ty sẽ chào bán tối đa hơn 231 triệu cổ phiếu phổ thông, tương đương 11,11% vốn đang lưu hành.

Sau IPO, vốn điều lệ dự kiến tăng từ 20.801 tỷ đồng lên hơn 23.133 tỷ đồng. Thời gian triển khai vào khoảng quý III/2025 đến quý I/2026, tùy theo điều kiện thị trường.

Với định giá IPO khoảng 5 tỷ USD (tương đương P/B ~5 lần), TCBS đang đặt ra bài toán lớn cho thị trường. Một số chuyên gia cho rằng mức định giá này vẫn mang tính kỳ vọng cao, bởi công ty hiện chỉ mới dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ để vận hành hiệu quả – chứ chưa thực sự chuyển mình thành một doanh nghiệp công nghệ.

Chủ tịch HĐQT Techcombank - ông Hồ Hùng Anh. Ảnh: Techcombank.

Liên quan đến thương vụ IPO TCBS, tại ĐHĐCĐ thường niên Techcombank, ông Hồ Hùng Anh cho biết, Techcombank đã làm việc với 2 nhà đầu tư lớn có thể tham gia trước IPO.

Tại thời điểm đó Chủ tịch Techcombank cho biết, các nhà đầu tư đánh giá rất cao tiềm năng và giá trị của TCBS. Tuy nhiên, ban lãnh đạo chưa thể đưa ra câu trả lời chính xác về giá, thời gian tới khi giao dịch thành công, ngân hàng sẽ công bố đầy đủ.

Mới đây, TCBS đã hoàn tất đợt chào bán gần 119 triệu cổ phiếu riêng lẻ. Trong đó, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Xuân Minh mua hơn 106 triệu cổ phiếu, nâng số lượng cổ phần nắm giữ tại TCBS lên hơn 168 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 8,09%).

Với giá chào bán 11.585 đồng/cổ phiếu, TCBS thu về gần 1.400 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của TCBS tăng từ hơn 19.613 tỷ đồng lên gần 20.802 tỷ đồng, trở thành công ty chứng khoán dẫn đầu về quy mô vốn điều lệ. Hiện, đây cũng là công ty chứng khoán có vốn chủ sở hữu cao nhất toàn ngành.

Vì sao thị trường kỳ vọng TCBS có thể là công ty chứng khoán giá trị nhất Việt Nam?

Nhiều đồn đoán cho rằng, nếu cổ phiếu TCBS của CTCP chứng khoán Kỹ thương được IPO với giá 50.000 VND, tương ứng 4,5-5 tỷ USD, với P/B 5 lần, thì ông chủ của TCBS và thị trường đang nhìn nhận đây là một công ty công nghệ trong lĩnh vực chứng khoán chứ không phải là một công ty chứng khoán truyền thống.

Về định giá, con số 5 tỷ USD, tương đương P/B khoảng 5 lần, đang là chủ đề gây tranh luận.

“Nếu đánh giá như một công ty công nghệ thì có thể chấp nhận được, nhưng TCBS chỉ ứng dụng công nghệ, không tạo ra lõi công nghệ mới,” ông Bùi Văn Huy, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Khối Nghiên cứu đầu tư tại Công ty FIDT nhận định.

Về điểm này, theo ông Trần Ngọc Báu, Chủ tịch WiGroup cho rằng mức P/B hợp lý là 3,5 đến 4 lần, phản ánh kỳ vọng từ quá trình tái cấu trúc.

Hiện, TCBS là công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam (20,802 tỷ đồng, dự kiến tăng lên 23,113 tỷ đồng sau IPO). Năm 2024, TCBS đạt lợi nhuận sau thuế hợp nhất 3,850 tỷ đồng, dẫn đầu ngành, vượt xa SSI (2,845 tỷ đồng) và VPS (2,519 tỷ đồng).

Trong quý II/2025, lợi nhuận trước thuế đạt kỷ lục 1.733 tỷ đồng, tăng trưởng 32% so với quý 1/2025 và 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, lợi nhuận của TCBS đạt 3.043 tỷ đồng, tăng 10% so với năm ngoái và hoàn thành 53% kế hoạch cả năm 2025.

Bên cạnh đó, TCBS ghi nhận hiệu quả sinh lời cao hàng đầu trong ngành chứng khoán với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 15% và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) đạt 7,3%.

TCBS còn nổi bật về vốn chủ sở hữu, dư nợ margin, và ứng trước tiền bán chứng khoán. Dư nợ cho vay quý II/2025 của TCBS đạt mức kỷ lục 33.806 tỷ đồng, tăng 11% so quý trước và 30% so với cuối năm ngoái, duy trì một trong những đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực cho vay ký quỹ.

Mặt khác, TCBS ưu tiên ba trụ cột: cho vay margin, tự doanh, và ngân hàng đầu tư (IB), lấy công nghệ làm nền tảng vận hành. Xây dựng mô hình không môi giới tư vấn như các công ty truyền thống.

Thực tế cho thấy, chiến lược Wealthtech (kết hợp công nghệ và quản lý tài sản) giúp TCBS tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng, tự động hóa quy trình, và quản trị rủi ro hiệu quả.

6 tháng đầu năm, ứng dụng TCInvest tiếp tục thu hút lượng lớn truy cập của nhà đầu tư, trung bình khoảng 16,1 triệu lượt mỗi tháng. Bên cạnh đó, TCBS cũng ghi nhận hơn 20 nghìn lượt truy cập bảng giá tài sản mã hóa do công ty đối tác trong hệ sinh thái cung cấp.

Tầm nhìn 2025 của TCBS là đạt 5 triệu người dùng, cung cấp ít nhất 5 giải pháp tài chính cho mỗi khách hàng, với mục tiêu lợi nhuận 5.000 tỷ đồng và vốn hóa 5 tỷ USD.

Mặt khác, theo phân tích của Chứng khoán VNDirect, TCBS còn có lợi thế đáng kể khi ngân hàng mẹ Techcombank sở khoảng trên 90% vốn.

Trong năm 2024, TCBS đóng góp hơn 17% vào lợi nhuận trước thuế hợp nhất của nhà băng này, cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của công ty chứng khoán trong cơ cấu lợi nhuận toàn tập đoàn.

VNDirect cho rằng kế hoạch IPO của TCBS sẽ mang lại những lợi ích tài chính đáng kể cho Techcombank. Ngược lại, sự hậu thuẫn từ Techcombank không chỉ mang lại nguồn lực tài chính dồi dào mà còn tạo sự kết nối chặt chẽ với các khách hàng doanh nghiệp lớn trong hệ sinh thái.

Cụ thể, ngân hàng có thể ghi nhận một khoản lợi nhuận tài chính đột biến trên báo cáo tài chính ngân hàng mẹ và/hoặc tiến hành định giá lại giá trị khoản đầu tư vào TCBS, từ đó góp phần nâng cao giá trị sổ sách của Techcombank trong năm 2025.

Về dài hạn, việc niêm yết sẽ giúp TCBS củng cố nền tảng vốn, tăng cường khả năng huy động trên thị trường và hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng độc lập, giảm dần sự phụ thuộc vào ngân hàng mẹ.

Ngoài ra, Techcombank cũng là đối tác chiến lược quan trọng nhất của hệ sinh thái Vingroup và Masan, điều này giúp TCBS có tệp khách hàng tiềm năng vô cùng to lớn có thể khai thác trong tương lai.

Cuối cùng, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, việc niêm yết chỉ là bước đầu, nhưng với vốn điều lệ mới, TCBS sẽ dẫn đầu về quy mô vốn trong ngành. Thêm nữa, việc hệ thống giao dịch mới KRX chuẩn bị đi vào vận hành và thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng sẽ là chất xúc tác mạnh cho dòng vốn nước ngoài quay trở lại.

Giới phân tích nhấn mạnh, nếu tận dụng thành công cơ hội Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi theo chuẩn FTSE và hệ thống KRX vận hành ổn định, dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục quay lại,TCBS có thể tận dụng huy động vốn và cải thiện định giá.