dd/mm/yyyy

Agribank tạo động lực phát triển nông nghiệp sạch ở Quảng Trị

Nguồn vốn “tín dụng xanh” của Agribank sẽ là thực sự tạo động lực giúp người dân, doanh nghiệp và các đơn vị hướng dần đến việc sản xuất các sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng.

Agribank luôn ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ phát triển nông nghiệp sạch. Ảnh minh họa

Lan tỏa, tôn vinh nông sản sạch

Nhằm khuyến khích những mô hình sản xuất nông sản sạch, làm cầu nối giữa người dân, doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, vừa qua Quảng Trị đã tổ chức Hội chợ - Triển lãm giới thiệu nông sản sạch. Hội chợ có quy mô trên 150 gian hàng, trong đó có 60 gian hàng trưng bày, giới thiệu những sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và bà con nông dân nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Trị.

Đó là những sản vật nổi tiếng như chè Cùa, tiêu Cùa, gạo, tinh dầu lạc và các chế phẩm từ lạc, cao dược liệu, dầu sở, mật ong rừng, cá bống trơn… Tất cả đều là các sản phẩm sạch tươi ngon hoặc được chế biến theo phương thức truyền thống, không có chất phụ gia, sản phẩm công nghiệp sạch từ vùng nguyên liệu sạch ở các địa phương.


Nguồn vốn “tín dụng xanh” của Agribank sẽ là “bệ đỡ” giúp người dân, doanh nghiệp

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị, đơn vị phối hợp tổ chức chương trình cho biết, Hội chợ nông sản sạch là cơ hội để người dân cũng như các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn các huyện, thị, thành phố có dịp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm để hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Chị Hoàng Thị Lan (thị xã Đông Hà) hai tay lỉnh kỉnh với những túi hàng chia sẻ: Mới đầu nghĩ đi chơi, ngắm nghía cho biết, nhưng rồi đến đây bị nông sản sạch níu chân nên hầu như gian hàng nào cũng mua, về trữ tủ lạnh ăn dần. Về mặt giá cả, chị Lan cho rằng không quan trọng, vì có chênh cũng không nhiều, mà quan trọng là người tiêu dùng biết được nguồn gốc của sản phẩm mới yên tâm sử dụng.

Ông Trần Hoàng Linh, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Cam Lộ cho biết, chỉ trong vòng 5 ngày tổ chức Hội chợ đã có trên 70.000 lượt người tham gia. Nhiều gian hàng phải điện thoại tiếp hàng liên tục vì hàng đưa ra bao nhiêu được mua hết bấy nhiêu. Điều này chứng tỏ nông sản sạch là mối quan tâm của cả chính quyền, DN và người dân, và sức lan tỏa của Hội chợ nông sản sạch là rất lớn.

Tiếp sức cho nền nông nghiệp sạch, an toàn

Ông Trần Minh Tuyển, Giám đốc Agribank huyện Cam Lộ cho biết, đa số các mặt hàng nông sản do các doanh nghiệp, cá nhân tham gia Hội chợ - triển lãm lần này đều có sự đầu tư nguồn vốn tín dụng của Agribank. Năm 2015, Công ty TNHH MTV Từ Phong đã vay 2,8 tỷ đồng từ Agribank Cam Lộ để xây dựng Nhà máy sản xuất tinh dầu lạc và các sản phẩm chế biến từ lạc. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh chế biến cao dược liệu (cà gai leo, chè vằng…) và các mặt hàng nông sản chủ lực khác trên địa bàn đều có sự hỗ trợ về vốn của Agribank. Tỷ trọng cho vay NNNT của chi nhánh chiếm trên 90% tổng dư nợ.

Quảng Trị là một tỉnh có nền kinh tế thuần nông, dân số khu vực NNNT chiếm trên 75%, do đó nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế nói chung và phát triển NNNT là rất lớn. Nhiều địa phương trong tỉnh đã xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn kết với các nhà máy chế biến nông sản trong và ngoài địa bàn đối với các loại cây trồng chủ lực như sắn, cà phê, hồ tiêu, lạc… Quá trình đầu tư cho NNNT, ngoài nguồn vốn ngân sách từ Trung ương và địa phương, phải kể đến vai trò “bà đỡ” hết sức quan trọng của Agribank Quảng Trị.

Từ nguồn vốn Agribank người dân mạnh dạn đầu tư làm nông nghiệp sạch, bền vững. Ảnh minh họa

Giám đốc Tổng CTCP Thương mại Quảng Trị, ông Hồ Xuân Hiếu chia sẻ, nhờ nguồn vốn tín dụng của Agribank, Công ty đã xây dựng Nhà máy chế biến tinh bột sắn tại địa bàn xã Hướng Phùng huyện Hướng Hóa. Sản phẩm của nhà máy được tiêu thụ mạnh, đã tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động ở địa phương, chủ yếu là đồng bào dân tộc Pa Cô, Vân Kiều ở hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông.

Bình quân hàng năm, Công ty thu mua 40.000 - 60.000 tấn sắn trên địa bàn, ngoài ra còn mở rộng thu mua sắn từ Quảng Bình và nước bạn Lào. Công ty luôn tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, vừa tạo điều kiện cho người dân làm giàu từ cây sắn, vừa tạo vùng nguyên liệu ổn định cho Nhà máy.

Bên cạnh đó, công ty cũng vay vốn lưu động từ Agribank để phục vụ sản xuất tại Nhà máy chế biến mủ cao su Cam Lộ và Nhà máy chế biến nông sản Đông Hà, góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho bà con nông dân trên địa bàn. Từ những nỗ lực trên, công ty được UBND tỉnh Quảng Trị chọn làm thí điểm triển khai mô hình liên kết, áp dụng công nghệ cao và sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu theo Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ.

Dẫn chúng tôi ra cánh đồng rộng trải dài bên dòng sông Ba Lòng hiền hòa, nơi có nhiều đàn trâu, bò đang thảnh thơi gặm cỏ trong nắng sớm, anh Nguyễn Đăng Khiêm ở thôn Na Nẫm xã Triệu Nguyên huyện Đakrông không giấu được niềm vui về những thành quả của hai vợ chồng những năm qua. Năm 2014 đánh dấu bước ngoặt đối với gia đình anh khi anh chị đã quyết định rời TP. Hồ Chí Minh về quê lập nghiệp. Ban đầu anh vay Agribank huyện Đakrông số tiền 50 triệu đồng để đầu tư nuôi lợn sinh sản và lợn thịt.

 Là NH đóng vai trò chủ đạo, chủ lực trong đầu tư phát triển kinh tế địa phương nên Agribank luôn cung ứng đầy đủ và kịp thời nguồn vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Hoạt động tín dụng của Agribank Quảng Trị luôn bám sát các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế địa phương, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong NNNT, xây dựng nông thôn mới, làm cho bộ mặt nông thôn từng bước thay đổi, đời sống của người dân khu vực nông thôn cũng tăng lên đáng kể.
Ông Hoàng Minh Thông, Giám đốc Agribank Quảng Trị

Nhận thấy tiềm năng đất đai ở quê còn rất nhiều, đầu năm 2015, anh mạnh dạn vay vốn 200 triệu để mua thêm giống bò và lợn để nuôi. Đến nay, gia đình anh có trang trại lợn gồm 10 con nái sinh sản liên tục và trên 50 con heo thịt chuẩn bị xuất bán, 8 con bò sinh sản. Bình quân mỗi năm xuất bán được ba lứa lợn khoảng 100 con, 5 con bò cùng một số gia cầm thả vườn, thu nhập mang về trên dưới 100 triệu đồng.

Do có kiến thức trong việc lựa chọn nguồn giống cũng như thức ăn và thuốc chữa bệnh cho đàn lợn nên đàn lợn của anh được bà con và các chủ thu mua đánh giá là “lợn sạch”, đặt mua ngay từ khi chưa xuất bán. Noi gương sản xuất giỏi của anh, nhiều hộ trong xã cũng đã được vay nguồn vốn ưu đãi dành cho huyện nghèo theo Nghị quyết 30a từ Agribank để đầu tư chăn nuôi, vươn lên khá giàu như hộ Nguyễn Quang, Lê Sơn, Đỗ Tấn…

Bên cạnh việc đầu tư cho vay đến hộ gia đình và cá nhân sản xuất nông lâm ngư nghiệp trên địa bàn, Agribank Quảng Trị còn quan tâm đầu tư vốn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực NNNT, trong đó tập trung cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy hải sản, tạo sự khép kín trong sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu.

Trong thời gian tới, chủ trương của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển NNNT theo hướng xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất chất lượng cao; Nhân rộng và phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả; có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào NNNT, cam kết bao tiêu đầu ra cho các sản phẩm.

Về nguồn vốn tín dụng, Giám đốc Hoàng Minh Thông khẳng định, Agribank Quảng Trị cam kết luôn ưu tiên nguồn vốn và lãi suất cho vay thấp nhất đối với các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt triển khai kịp thời và có hiệu quả chương trình tín dụng Nông nghiệp sạch cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại sản xuất nông nghiệp sạch quy mô lớn trên địa bàn.

Tùy theo mức độ tham gia các khâu trong chuỗi cung ứng vật tư đầu vào - sản xuất - tiêu thụ, khách hàng được áp dụng mức lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 0,5% đến 1,5% so với lãi suất cho vay nông nghiệp, nông thôn theo quy định hiện hành của Agribank.

Với những chính sách ưu tiên đó, lãnh đạo ngân hàng hy vọng rằng, nguồn vốn “tín dụng xanh” của Agribank sẽ là thực sự trở thành “bệ đỡ” giúp người dân, doanh nghiệp và các đơn vị hướng dần đến việc sản xuất các sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng. Qua đó, góp phần giúp các hộ nông dân, các doanh nghiệp sản xuất có chỗ đứng ổn định và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Tuyết Mai