Ai “đẩy” Vietstar vào thế việt vị tại dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất?

Nguyễn Minh Thứ ba, ngày 18/02/2020 07:52 AM (GMT+7)
Tại sao Vietstar trình dự án nhà ga nội địa và quốc tế T3 Tân Sơn Nhất với 55.000m2 sàn, công suất 10 triệu khách trên khu đất 10ha chỉ hết 2.300 tỷ đồng, còn ACV trình dự án một T3 khác chỉ nội địa, với 110.000 m2 sàng, công suất 20 triệu khách trên khu đất 16ha hết những 11.000 tỷ đồng, nhưng Vietstar vẫn không thể qua được “cửa” của Bộ GTVT?
Bình luận 0

Mới đây, Công ty cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (Vietstar) đã chính thức lên tiếng về dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất mà Vietstar theo đuổi từ 10 năm nay. Quyết định phá vỡ im lặng này được đưa ra sau khi Bộ GTVT có văn bản từ chối dự án nhà ga lưỡng dụng T3 Tân Sơn Nhất của Vietstar và Bộ KHĐT trình Chính phủ dự án T3 Tân Sơn Nhất do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) xây dựng và được 2 bộ GTVT, KH ĐT thống nhất đề nghị Thủ tướng giao cho ACV làm chủ đầu tư.

Cuối năm 2019, Vietstar vượt cấp trình Chính phủ nhà ga lưỡng dụng T3 Tân Sơn Nhất do Công ty này theo đuổi từ năm 2010. Dự án này có vốn đầu tư 2.300 tỷ đồng, công suất 9,8 triệu khách/năm xây dựng trên diện tích 10 ha. Sau khi Chính phủ giao Bộ GTVT xem xét, trả lời, Vietstar nhận được văn bản từ chối dự án T3 với lý do dự án không nằm trong quy hoạch.

10 năm theo đuổi… 

Theo Vietstar, căn cứ vào quyết định số 882 (năm 2010) của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; được sự đồng ý của Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu và Tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân (PKKQ), Vietstar đã lập dự án đầu tư xây dựng nhà ga T3 lưỡng dụng tại sân bay Tân Sơn Nhất. Theo quyết định 882, diện tích đất quốc phòng tại sân bay Tân Sơn Nhất giao cho Vietstar đầu tư, khai thác là 10ha.

Vietstar đã thuê tư vấn thiết kế, lập dự án Nhà ga T3 lưỡng dụng với công suất 9,8 triệu hành khách/năm. Theo Vietstar, bản quy hoạch sử dụng khu đất lưỡng dụng 10 ha này dựa trên Quy hoạch tổng thể Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, được Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam phê duyệt tháng 12/2014. Dự án này cũng phù hợp với quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được ban hành theo Quyết định số 3193 của Bộ trưởng Bộ GTVT ký ban hành tháng 9/2015 (trong Quyết định 3193 có quy hoạch Nhà ga T3 lưỡng dụng).

du-an-nha-ga-t3-tan-son-nhat-vietstar

Sơ đồ dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất của Vietstar

Tháng 4/2016, dự án Nhà ga T3 lưỡng dụng Tân Sơn Nhất được Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu Bộ Quốc phòng phê duyệt. Tháng 6/2016, Bộ GTVT gửi công văn đề nghị Bộ Quốc phòng đề nghị sớm cho triển khai nhà ga T3 lưỡng dụng Tân Sơn Nhất.

Vietstar cho biết đã đầu tư trên 700 tỷ đồng cho các hạng mục công trình; giải phóng mặt bằng 10ha đất như hỗ trợ di dời 7 đơn vị quân đội, di dời 13 khu mộ và rà phá bom mình để có quỹ đất 5-6 năm qua sẵn sàng đáp ứng được yêu cầu giải quyết tính cấp bách của dự án T3 Tân Sơn Nhất.

Ngoài ra, tại văn bản số 260/TB-VPCP ngày 29/08/2016 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo TP. HCM với yêu cầu “Bộ Quốc phòng đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng nhà ga hành khách lưỡng dụng đã có trong quy hoạch”.

Đầu tháng 10/2016, Vietstar đã trình Quân chủng Phòng không không quân hồ sơ thiết kế nhà ga hàng không lưỡng dụng (do Công ty CPG Singapore thiết và được điều chỉnh bởi SAA – công ty chủ trì thiết kế nhà ga T4 ở sân bay Changi, Singapore). Ngày 10/10/2016, Cục Hàng không tổ chức họp xem xét hồ sơ thiết kế nhà ga của Vietstar với sự tham gia của đại diện tất cả các hãng hàng không Việt Nam, ACV...

Sau đó, Vietstar đã tiếp thu yêu cầu của Cục Hàng không điều chỉnh thiết kế nhà ga, tăng diện tích sàn xây dựng từ 45.800m2 lên 55.445m2 và tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng từ mức 2.024 tỷ đồng lên 2.200 tỷ đồng, đã được Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) thẩm định và chấp thuận.

Với các quy trình, thủ tục nói trên, Vietstar cho rằng, về mặt pháp lý dự án Vietstar đã đầy đủ để triển khai dự án nhà ga T3 lưỡng dụng Tân Sơn Nhất: Công suất 9,8 triệu lượt khách/năm; tổng mức đầu tư 2.200 tỷ đồng; thời gian thi công 18 tháng. Vietstar cũng đã sẵn sàng đảm bảo nguồn vốn và nguồn lực để triển khai xây dựng dự án như: quỹ đất đã sạch (đã giải phóng mặt bằng, làm sạch), đã có ngân hàng tài trợ vốn.

…Vẫn bị thẳng tay loại khỏi cuộc chơi

Tuy nhiên, tháng 8/2018, Bộ GTVT ra quyết định 1942 điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn 2020 định hướng 2030. Theo đó, vị trí xây dựng nhà ga T3 là khu đất 16,05 ha hiện đang là đất quốc phòng tại Tân Sơn Nhất, tiếp giáp và chồng lấn với khu đất 10 ha của Vietstar.

Theo Vietstar, Quy hoạch chi tiết Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất theo Quyết định 1942 không trùng hợp với đề xuất của tư vấn ADPi trước đó, không trùng với quyết định phê duyệt của Thủ tướng vào tháng 3/2018 và của chính Bộ GTVT vào các năm 2015, 2016.

san-bay-tan-son-nhat-tac-tu-tren-khong-den-mat-dat

Sân bay Tân Sơn Nhất tắc từ trên không đến mặt đất nhưng dự án nhà ga T3 vẫn chưa được thông qua để giải cứu

Chính vì vậy, Vietstar đã 2 lần gửi dự án T3 (vào tháng 9/2018 và tháng 1/2019) lên Bộ GTVT nhưng chưa nhận được công văn phản hồi của Bộ GTVT. Trong thời gian này, Bộ GTVT đã giao ACV lập dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất với công suất 20 triệu khách/năm. 

Theo Vietstar, mãi đến khi Công ty này trình vượt cấp lên Chính phủ, ngày 31/1/2020, Bộ GTVT mới có văn bản trả lời Vietstar rằng, quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất được Chính phủ phê duyệt năm 2015 không có nhà ga hàng không lưỡng dụng và quy hoạch mới điều chỉnh năm 2018 cũng không có nhà ga lưỡng dụng như Vietstar đề cập! Điều này đồng nghĩa, T3 của Vietstar đã bị Bộ GTVT loại!

Thực tế là tháng 11/2019, sau khi thẩm định, Bộ KHĐT đã trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án T3 Tân Sơn Nhất của ACV, có diện tích 16,05 ha, công suất 20 triệu khách/năm, vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, do ACV làm chủ đầu tư. Sau đó Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ KHĐT phải thẩm định lại 2 vấn đề dự án T3 Tân Sơn Nhất của ACV là: Tính pháp lý của ACV và nguồn vốn đầu tư của ACV có phải từ vốn ngân sách hay không.

Như vậy, tuy là dự án mang tính giải cứu cho tình trạng quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất nhưng sau 10 năm, với 2 dự án T3 Tân Sơn Nhất của Vietstar và ACV, đến nay, chưa có dự án nào được Chính phủ phê duyệt.

Theo một chuyên gia hàng không, nếu xây nhà ga T3 Tân Sơn Nhất với cùng công suất 20 triệu khách/năm nhưng với suất đầu tư của Vietstar thì vốn đầu tư T3 chưa đến 5.000 tỷ đồng, so với con số xấp xỉ 11.000 tỷ đồng cho dự án T3 của ACV, vì suất đầu tư của ACV cao gấp đôi của Vietstar (trong khi thiết kế nhà ga T3 của Vietstar cũng đã được Cục Hàng không xem xét và nhất trí với dự toán đã được Viện Kinh tế xây dựng thẩm định). Nhưng dự án của Vietstar không qua được “cửa” Bộ GTVT nên chưa đến được Bộ KHĐT thẩm định. Còn dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất của ACV được Bộ GTVT ủng hộ ngay từ đầu, Bộ KHĐT đã thẩm định, thông qua nhưng suất đầu tư quá cao, lại vướng quá nhiều nghi ngại... Vì thế, sân bay Tân Sơn Nhất vẫn tắc từ trên trời xuống dưới cảng hàng không và chưa biết bao giờ mới được khởi công giải cứu.   

Cả ACV và Vietstar đều là công ty cổ phần, trong đó Vietstar là doanh nghiệp có 25% vốn góp bằng lợi thế thương mại (không bằng tiền mặt) của Nhà máy sửa chữa máy bay A41 thuộc Quân chủng PK-KQ, 75% vốn còn lại thuộc 2 cổ đông là Công ty TNHH MTV Ngôi Sao Việt (67%) và Công ty cổ phần Vietstar Logistics (8%). Còn ACV có 95,6% vốn nhà nước, còn lại là của tư nhân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem