Alibaba rót 400 triệu USD vào Masan: Bán lẻ trực tuyến cùng sản phẩm tài chính tạo ra lợi thế cạnh tranh cực lớn
Alibaba rót 400 triệu USD vào Masan
Cụ thể hơn, ngày 18/5, tại TP. Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) và nhóm các nhà đầu tư, trong đó có Tập đoàn Alibaba ("Alibaba") và Baring Private Equity Asia ("BPEA") đã công bố ký kết thỏa thuận mua cổ phần phát hành mới của The CrownX (TCX) với tổng giá trị tiền mặt là 400 triệu USD ("Giao dịch"), tương đương với 5,5% tỷ lệ sở hữu sau phát hành.
The CrownX là nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất lợi ích của Masan tại Masan Consumer Holdings ("MCH") và VinCommerce ("VCM")- đơn vị vận hành chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ lớn nhất cả nước hiện nay là Vinmart, Vinmart+.
Thông qua Giao dịch này, The CrownX được định giá 6,9 tỷ USD (trước phát hành) cho 100% vốn chủ sở hữu, tương đương trị giá mỗi cổ phần là 93,5 USD (xấp xỉ 2.150.000 đồng). Sau đợt phát hành này, tỉ lệ sở hữu của Masan tại The CrownX là 80,2%.
Được ra mắt vào năm 2020, The CrownX hợp nhất hai doanh nghiệp đầu ngành nhằm thiết lập nền tảng tiêu dùng - bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Trong khuôn khổ của Giao dịch, The CrownX sẽ hợp tác với Lazada để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của Công ty, tăng tốc phát triển thị trường bán lẻ tích hợp từ offline đến online ("O2O") tại Việt Nam.
Giao dịch này củng cố tầm nhìn của các cổ đông về tiềm năng xây dựng hệ sinh thái tiêu dùng - bán lẻ ứng dụng công nghệ đầu tiên của Việt Nam, đồng thời mở rộng phạm vi phục vụ người tiêu dùng trên toàn quốc.
Khi thị trường Việt Nam bắt đầu phát triển về chất
Đánh giá về thương vụ này, chuyên gia kinh tế Phan Lê Thành Long nhận định, sự kiện Alibaba và đối tác đầu tư vào Crown X - công ty con của Masan được lập ra để nắm giữ VinCommerce và Masan Consumer sẽ là vòng đầu tư đầu tiên, sẽ còn các vòng sau nữa với mục tiêu như trong ĐHCĐ của Masan đã công bố chiến lược Point of Life.
"Dư luận trong nước đang xôn xao về cuộc hôn phối nói trên. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận khách quan hơn, chúng ta sẽ còn thấy câu chuyện khác quan trọng nữa đó là sản phẩm tài chính nằm trong chuỗi giá trị này để chiếm lĩnh và khống chế thị trường tiêu dùng 96 triệu dân ở Việt Nam", ông Long đánh giá.
Theo ông Phan Lê Thành Long, câu chuyện đầu tư của Alibaba cũng sẽ giống như ở nước bản xứ của họ, bán lẻ trực tuyến cộng sản phẩm tài chính tạo ra lợi thế cạnh tranh cực lớn.
Với thương vụ hợp tác với Alibaba, có thể hình dung Hệ thống cửa hàng vật lý kết hợp VinID, sản phẩm tài chính kèm theo, bán lẻ trực tuyến Lazada, và tất nhiên hàng tiêu dùng của Masan sẽ như thế nào. Vài trăm triệu đô sẽ đổ vào, và có thể hơn nữa, để phát triển hệ thống, chiếm lĩnh thị phần, kết hợp công nghệ, am hiểu dữ liệu người dùng tạo ra lợi thế cạnh tranh.
"Shop-Loan-Pay. Bán lẻ trực tuyến, kết hợp cho vay tiêu dùng, thanh toán qua app, khách hàng sẽ được hưởng chiết khấu lớn. Đấy là mô hình Alibaba chuẩn bị cho thị trường Việt trong tương lai rất gần. Nó sẽ tác động lớn trực tiếp vào các hãng bán lẻ truyền thống, đặc biệt đối với những sản phẩm có tiêu chuẩn cao như đồ điện tử, điện thoại." ông Long cho hay.
Ông Long cũng cho rằng, khi thị trường Việt Nam bắt đầu phát triển về chất, là lúc các gã khổng lồ sẽ gia nhập. Chúng ta chờ thêm Amazon nữa, khi đó người tiêu dùng được hưởng lợi.