Ấn Độ cấm nhập khẩu thiết bị không dây do Trung Quốc sản xuất
Các nguồn tin cho hay cơ quan Kế hoạch và Điều phối Không dây (WPC) của Bộ Truyền thông Ấn Độ đã từ chối phê duyệt các sản phẩm thiết bị điện thành phẩm có nguồn gốc Trung Quốc kể từ tháng 11 năm ngoái.
Hơn 80 đơn đăng ký nhập khẩu của các công ty Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc đã và đang chờ WPC giải quyết kể từ đó đến nay. Ngay cả một số ứng dụng mà các công ty Ấn Độ cung cấp nhưng sử dụng thiết bị thành phẩm từ Trung Quốc cũng phải đợi WPC xem xét phê duyệt.
Lập trường cứng rắn của Ấn Độ đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc đang tăng cường trong bối cảnh Thủ tướng Narendra Modi kêu gọi thúc đẩy tự cường kinh tế. New Delhi muốn thuyết phục các công ty chuyển sang đặt trụ sở sản xuất thiết bị điện tử ở Ấn Độ.
Điều này nghĩa là dồn các công ty công nghệ vào một tình thế khó khăn, do việc chuyển hướng đầu tư vào Ấn Độ đồng nghĩa với chi phí cao và thời gian chờ đợi lâu để thu về lợi nhuận.
Trước đây, Ấn Độ đã cho phép các công ty tự khai báo nhập khẩu thiết bị không dây, một động thái tạo thuận lợi cho hoạt động nhập khẩu. Nhưng các quy định mới kể từ tháng 3/2019 đã siết lại những nới lỏng này, buộc các công ty phải được chính phủ chấp thuận trước khi nhập khẩu.
Dù thị trường rộng lớn và tiềm năng sản xuất của Ấn Độ đã biến nước này trở thành nhà sản xuất thiết bị di động lớn thứ hai thế giới, các nhà phân tích công nghệ vẫn cho rằng Ấn Độ chưa đủ tầm cỡ và quy mô để các công ty nước ngoài đẩy mạnh đầu tư vào dây chuyền sản xuất sản phẩm CNTT cũng như thiết bị thông minh thế hệ mới.
Sự chậm trễ kéo dài trong việc phê duyệt WPC cũng nhấn mạnh chiến lược của Ấn Độ nhằm cắt giảm ảnh hưởng của Trung Quốc trong ngành công nghệ quốc gia, đặc biệt kể từ sau vụ đụng độ biên giới hồi năm ngoái.
Chính quyền Thủ tướng Modi trong tuần này đã loại bỏ nhà sản xuất thiết bị điện tử Trung Quốc Huawei khỏi danh sách những ứng viên tham gia xây dựng mạng 5G thử nghiệm.
Các quan chức viễn thông Ấn Độ từng tuyên bố các nhà mạng chỉ được nhập khẩu một số thiết bị nhất định từ những nguồn cung đáng tin cậy được chính phủ cấp phép, đồng thời cảnh báo một danh sách đen các nguồn không được nhập khẩu. Theo hai nguồn tin của SCMP, Huawei nhiều khả năng sẽ bị đưa vào danh sách này.
“Chúng tôi không thể ưu tiên lợi ích kinh tế nếu một khoản đầu tư gây ra rủi ro về an ninh quốc gia,” một trong những nguồn tin từ chính phủ Ấn Độ cho hay.
Một nguồn tin khác thì cảnh báo ZTE, một công ty viễn thông Trung Quốc khác từng bị Mỹ đưa vào danh sách đen cũng có thể bị New Delhi giáng đòn.
Hai trong số ba nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn của Ấn Độ, Bharti Airtel và Vodafone Idea đều sử dụng lượng lớn thiết bị của Huawei. Các nhà phân tích trong ngành cho biết, bất kỳ hạn chế nào đối với thiết bị Huawei đều có thể đẩy chi phí viễn thông tại quốc gia Đông Á này lên cao. Nguyên nhân là do các thiết bị viễn thông từ các nhà sản xuất Trung Quốc thường có giá rẻ hơn tương đối so với các đối thủ cạnh tranh ở châu Âu như Nokia và Ericsson.