2 cây cầu ở Maldives và cuộc chiến "quyền lực mềm" Trung Quốc - Ấn Độ (Bài 1)
Cây cầu Trung Quốc ở giữa Maldives
Ở trung tâm của Ấn Độ Dương, có một cây cầu dài 2,1 km nối thủ đô Malé của Maldives với sân bay quốc tế duy nhất tại đảo quốc này mang tên Cầu Hữu nghị Trung Quốc - Maldives. Cầu được xây dựng với kinh phí 200 triệu USD, phần lớn do Bắc Kinh tài trợ, là một trong danh sách rất nhiều dự án được Trung Quốc đầu tư ở “hòn ngọc Nam Á” này.
Là đảo quốc với gần 1.200 hòn đảo san hô với dân số ít hơn 500.000 dân, Maldives là quốc gia nhỏ nhất ở châu Á cả về diện tích đất liền và dân số. Nhưng nó nằm trải rộng trên một vùng biển quan trọng, đóng vai trò chiến lược với các tuyến vận tải biển ở Ấn Độ Dương.
Theo một số ước tính, khoảng 50% kim ngạch thương mại quốc tế và 80% kim ngạch năng lượng nhập khẩu của Ấn Độ được vận chuyển qua các tuyến đường biển gần Maldives. Kim ngạch nhập khẩu dầu thô từ Trung Đông và Châu Phi sang Trung Quốc (chiếm 62% tổng lượng nhập khẩu) cũng đi qua tuyến đường này.
Hoàn thành vào năm 2018, cây cầu do Trung Quốc tài trợ được cựu Tổng thống Maldives Abdulla Yameen ca ngợi là "cột mốc" trong quan hệ song phương của hai nước Maldives - Trung Quốc. "Chúng tôi đánh giá cao viện trợ của chính phủ Trung Quốc, điều đã biến giấc mơ của người dân Maldives thành hiện thực", ông Yameen nói tại lễ khánh thành cây cầu.
Ý tưởng về một cây cầu xuyên biển giữa Malé và sân bay quốc tế Hulhulé lần đầu tiên được công bố vào năm 2008. Không chỉ dẫn đến sân bay quốc tế Hulhulé, cây cầu còn kết nối Malé với cả hòn đảo dân cư liền kề Hulhumalé. Malé là nơi sinh sống của khoảng 150.000 cư dân - khoảng một phần ba dân số Maldives. Do đó, hòn đảo liền kề Hulhumalé được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt tình trạng quá tải dân cư ở Malé.
Trong nhiều năm, phà là phương tiện duy nhất để di chuyển giữa Hulhumalé và Malé. Ở những giờ cao điểm, người dân phải tốn đến hàng giờ xếp hàng để di chuyển lên phà. Trong khi một số người Maldives hoan nghênh dự án cây cầu do Trung Quốc tài trợ, số khác lại nghi ngờ hiệu quả kinh tế cũng như yếu tố kỹ thuật của nó. Những người phản đối lập luận rằng cây cầu được xây dựng dựa trên những rạn san hô mỏng manh của Maldives, và rằng lợi ích thu về không bao giờ bù đắp được chi phí. Mãi đến dưới thời ông Yameen, cây cầu mới được xây dựng bằng tiền tài trợ và đội ngũ kỹ thuật từ Trung Quốc. Nó tiêu tốn khoảng 200 triệu USD, trong đó bao gồm 116 triệu USD viện trợ không hoàn lại và 72 triệu USD cho vay từ Trung Quốc. Phần còn lại do chính phủ Maldives chi trả.
Giờ đây, người Maldives chỉ mất vài phút để di chuyển giữa Malé và Hulhumalé.
Ấn Độ không đứng nhìn
Nhưng việc Trung Quốc bành trướng tầm ảnh hưởng ở Maldives đã khiến nước láng giềng Ấn Độ bất an. Bởi nhiều năm nay, New Delhi luôn coi Maldives là đất nước nằm trong phạm vi ảnh hưởng truyền thống. Khi Bắc Kinh gia tăng “quyền lực mềm” ở Maldives thông qua các dự án đầu tư như vậy, sự ảnh hưởng của Ấn Độ ở khu vực này có nguy cơ đi lệch khỏi quỹ đạo.
Trong một động thái được các chuyên gia phân tích cho là nỗ lực chống lại tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại Maldives, hồi tháng 8, Ấn Độ đã công bố khoản đầu tư 500 triệu USD để xây dựng một cây cầu khác. Được quảng cáo là "dự án cơ sở hạ tầng dân sự lớn nhất" tại Maldives, cây cầy mới dài 6,7 km sẽ nối thủ đô Malé với ba hòn đảo lân cận, qua đó vượt qua cây cầu của Trung Quốc cả về quy mô và số tiền tài trợ.
Nhiều nhà quan sát chỉ ra rằng cuộc chạy đua cơ sở hạ tầng ở Maldives là một khía cạnh khác cho thấy căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và Ấn Độ đang không ngừng leo thang. Ngay tại Ấn Độ, chính quyền Thủ tướng Narendra Modi cũng đang ngày càng cảnh giác với các doanh nghiệp Trung Quốc. New Delhi đã cấm cửa hàng trăm ứng dụng Trung Quốc và đang xem xét các biện pháp hạn chế đầu tư cũng như tránh phụ thuộc quá nhiều vào hàng nhập khẩu từ quốc gia láng giềng này.
Với sự gần gũi về địa lý và mối quan hệ lịch sử - kinh tế chặt chẽ, Ấn Độ là đồng minh thân cận nhất của Maldives trong nhiều thập kỷ. Dưới thời cựu Tổng thống Abdulla Yameen, người lên nắm quyền vào năm 2013, Maldives đã xích lại gần Bắc Kinh khi nhận hàng trăm triệu USD tài trợ từ Trung Quốc để phát triển loạt dự án trên các đảo san hô. Trước cuối năm 2011, Bắc Kinh thậm chí còn không có đại sứ quán ở Malé. Nhờ các dự án do Trung Quốc tài trợ, Maldives đã nổi lên như một "mắt xích quan trọng" trong Con đường tơ lụa trên biển thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) do Bắc Kinh khởi xướng. Nhưng thất bại của ông Yameen trong cuộc bầu cử cuối năm 2018 đã cho Ấn Độ cơ hội hàn gắn quan hệ với Maldives.
Sau khi lên làm Tổng thống Maldives thay Yameen, chính quyền ông Ibrahim Mohamed Solih đã ra lệnh điều tra các giao dịch tài chính trong những năm cựu Tổng thống Yameen cầm quyền, bao gồm cả các khoản vay từ Trung Quốc. Nằm trong danh mục bị xem xét lại bao gồm cả dự án cây cầu nối Malé với sân bay quốc tế nói trên. Đây là dự án nằm trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường theo sau chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Maldives hồi năm 2014. Chính quyền ông Solih tin rằng các khoản nợ thực tế mà Trung Quốc gieo rắc tại Maldives (bao gồm cả nợ chưa minh bạch) có thể lên tới 3,5 tỷ USD.
“Tại Ấn Độ, có rất nhiều lo lắng liên quan đến Trung Quốc” - ông Manoj Joshi, một thành viên Tổ chức Nghiên cứu Observer Research Foundation (New Delhi) cho hay. “Maldives quá quan trọng với Ấn Độ. Những gì Ấn Độ làm ở Maldives không thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Trung Quốc. Nhưng những gì Trung Quốc có thể làm ở Maldives rất có thể ảnh hưởng đến an ninh của Ấn Độ”.