Ấn Độ sẽ tạm ngừng xuất khẩu vắc xin Covid-19 đến ít nhất cuối năm

19/06/2021 17:47 GMT+7
Tờ Bloomberg mới đây dẫn nguồn tin từ quan chức Ấn Độ cho hay Ấn Độ sẽ tiếp tục ngừng xuất khẩu vắc xin Covid-19 cho đến chừng nào đạt một ngưỡng tỷ lệ dân số đáng kể đã được tiêm chủng.

Chính phủ Ấn Độ hồi tháng 4 đã cấm xuất khẩu vắc xin Covid-19 trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh thứ hai tàn phá quốc gia Nam Á, biến Ấn Độ thành một trong hai ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới. Viện Huyết thanh của Ấn Độ, nhà cung cấp vắc xin lớn nhất thế giới, cho biết có thể họ sẽ không xuất khẩu vắc xin Covid-19 trở lại cho đến ít nhất cuối năm nay.

Báo cáo của Bloomberg cũng cho biết chưa rõ chừng nào Ấn Độ sẽ dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu vắc xin như vậy.

Cho đến nay, Ấn Độ ghi nhận hơn 29 triệu ca nhiễm Covid-19 và ít nhất 380.000 ca tử vong. Các chuyên gia cho rằng cả hai con số này thực sự chưa thể thống kê đầy đủ số ca nhiễm và tử vong thực tế tại quốc gia này. 

Ấn Độ sẽ tạm ngừng xuất khẩu vắc xin Covid-19 đến ít nhất cuối năm - Ảnh 1.

Ấn Độ sẽ tạm ngừng xuất khẩu vắc xin Covid-19 đến ít nhất cuối năm (Ảnh: Bloomberg)

Đa số các nhà phân tích ít lạc quan vào triển vọng kinh tế Ấn Độ trong quý II/2021. Cụ thể, trong một cuộc khảo sát hồi cuối tháng 5 thực hiện bởi Reuters trên hàng loạt nhà quan sát, dự báo tăng trưởng bình quân trong quý II được điều chỉnh hạ từ mức 23% xuống mức 21,6%. Mặc dù nền kinh tế Ấn Độ chịu thiệt hại nặng nề từ làn sóng dịch bệnh thứ hai chưa thể kiểm soát ở thời điểm hiện tại, nhưng nó vẫn khởi sắc so với giai đoạn quý II/2020 năm ngoái, khi chính phủ thực hiện đợt phong tỏa quốc gia nghiêm ngặt để kiểm soát làn sóng lây lan đầu tiên.

Đối với toàn bộ năm tài chính 2022, dự báo tăng trưởng trung bình bị hạ từ mức 10,4% xuống 9,8%.

Các ca nhiễm mới Covid-19 của Ấn Độ bắt đầu tăng trong tháng 2 trước khi đạt đỉnh vào tháng 4 và tháng 5 vừa qua. Hôm 7/5, ở thời điểm khủng hoảng nặng nề nhất, Ấn Độ ghi nhận tới 414.000 ca nhiễm Covid-19 mới trong vòng 24 giờ. Làn sóng dịch thứ hai buộc hầu hết các bang công nghiệp của Ấn Độ phải thực hiện các biện pháp ngăn chặn cục bộ trong nỗ lực kiểm soát sự lây lan virus.

Mặc dù cho đến nay, các ca nhiễm mới được báo cáo mỗi ngày tại Ấn Độ đã giảm xuống mức dưới 200.000 ca mỗi ngày, nhưng vẫn có những cảnh báo về nguy cơ bùng dịch do tốc độ lây lan virus nhanh chóng ở các vùng nông thôn, nơi cơ sở hạ tầng y tế và chăm sóc sức khỏe không được đảm bảo đầy đủ.

Theo các nhà kinh tế, nửa cuối năm 2021 là thời điểm đặc biệt quan trọng để Ấn Độ đẩy mạnh chương trình tiêm chủng phòng chống Covid-19 và giảm thiểu nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ ba.

Frederic Neumann, đồng trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC cho hay: “Cuối cùng, vấn đề nằm ở tốc độ tiêm chủng. Chúng ta cần đạt được mức độ tiêm chủng cao để kiểm soát bền vững các làn sóng bùng phát tiếp theo. Điều đó rất quan trọng với tăng trưởng kinh tế”.

Ông Neumann lạc quan rằng dựa trên thực tiễn nền kinh tế năm ngoái, Ấn Độ có xu hướng phục hồi nhanh chóng sau làn sóng dịch bệnh đầu tiên. Do đó, ông kỳ vọng tình hình sẽ được cải thiện vào cuối quý III tới đây, khi quốc gia thành công kiểm soát làn sóng dịch thứ hai.

Kaushik Das, nhà kinh tế trưởng phụ trách Ấn Độ và Nam Á tại Deutsche Bank cũng đồng quan điểm khi cho rằng tốc độ tiêm chủng nhanh chóng sẽ giúp giảm thiểu các rủi ro hạ cấp tăng trưởng GDP, vốn là mối quan tâm lớn với các nhà đầu tư muốn đổ vốn vào thị trường.


NTTD
Cùng chuyên mục