Anh chỉ đạo các nhà mạng dự trữ thiết bị mạng khi Mỹ tăng cường trừng phạt Huawei

20/06/2020 08:52 GMT+7
Anh từng cho phép Huawei tham gia cung cấp thiết bị cơ sở hạ tầng mạng 5G thế hệ mới hồi tháng 1. Nhưng Thủ tướng Boris Johnson sau đó đã bất ngờ thay đổi thái độ khi chịu áp lực trước Washington và một số nhà lập pháp trong chính đảng của ông rằng Huawei có thể là mối đe dọa lớn với an ninh quốc gia.
Anh chỉ đạo các nhà mạng dự trữ thiết bị mạng khi Mỹ tăng cường trừng phạt Huawei - Ảnh 1.

Anh chỉ đạo các nhà mạng dự trữ thiết bị mạng do lo ngại lệnh trừng phạt của Mỹ ảnh hưởng đến khả năng cung ứng của Huawei

Các quan chức tại Trung tâm an ninh mạng quốc gia (NCSC) đang đánh giá tác động của hàng loạt biện pháp “đàn áp” Huawei mà Mỹ công bố hồi tháng 5 trong việc chặn đứng nguồn cung chip để sản xuất thiết bị 5G và smartphone. Được biết, NCSC hiện đã yêu cầu các nhà khai thác mạng viễn thông Anh bao gồm tập đoàn Vodafone và Britain’s BT Group dự trữ đầy đủ nguồn cung thiết bị cơ sở hạ tầng từ tất cả các nhà sản xuất. Động thái được đưa ra trong bối cảnh các biện pháp mạnh tay từ Mỹ được dự báo có thể tác động xấu đến khả năng cung ứng của Huawei.

Thông điệp từ NCSC gửi các nhà mạng Anh khẳng định rằng việc đảm bảo nguồn cung sản phẩm, linh kiện là điều cần thiết để duy trì an ninh mạng quốc gia. Hành động hạn chế nguồn cung chip mà Mỹ vừa thực hiện với Huawei có thể ảnh hưởng rõ rệt tới khả năng cung ứng các bản cập nhật, nâng cấp những sản phẩm có chứa hàm lượng công nghệ Mỹ.

Phát ngôn viên của NCSC cho hay cơ quan này đang triển khai đến các nhà khai thác mạng hàng loạt bước phòng ngừa (bao gồm dự trữ nguồn cung thiết bị cơ sở hạ tầng) trong khi NCSC đánh giá tác động các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Huawei đến các nhà mạng Anh. 

Phản hồi về động thái này, Phó chủ tịch Huawei Victor Zhang nhận định: “Khách hàng là ưu tiên số 1 của chúng tôi, và chúng tôi đang nỗ lực làm việc với các bên để đảm bảo kinh doanh liên tục. Chúng tôi mạnh mẽ phản đối các hành động mang động cơ chính trị được Mỹ thiết kế để “đàn áp” doanh nghiệp của chúng tôi mà không dựa trên một bằng chứng cụ thể nào”. 

Các nhà khai thác mạng Anh là Vodafone và Britain’s BT Group hiện chưa đưa ra bình luận gì thêm.

Hồi tháng 1, Anh đã cho phép Huawei tham gia cung cấp 35% thiết bị cơ sở hạ tầng mạng không cốt lõi trong mạng lưới 5G thế hệ mới bất chấp áp lực từ Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc thay vì cung cấp các cơ sở hạ tầng kỹ thuật quan trọng trong xử lý thông tin khách hàng, Huawei sẽ chỉ được cấp phép cung cấp các thiết bị không gây mối đe dọa an ninh như ăng-ten, trạm thu phát sóng…cho Anh. 

Nhưng bất ngờ, đến cuối tháng 5 vừa qua, một nguồn tin thân cận của Daily Telegraph cho hay Thủ tướng Anh Boris Johnson đã yêu cầu các quan chức xem xét kế hoạch cắt giảm sự tham gia của gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc trong cơ sở hạ tầng mạng di động 5G của Anh xuống 0% vào năm 2023. Ông Boris Johnson dự kiến sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào công nghệ 5G Trung Quốc như một sự thiện chí nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán thương mại với Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi Anh hoàn tất quá trình Brexit ly khai Liên minh Châu Âu.

“Các quan chức đã được yêu cầu đưa ra kế hoạch nhằm làm giảm sự tham gia của Huawei trong cơ sở mạng viễn thông 5G Trung Quốc càng nhanh càng tốt” - một nguồn tin cho biết.

Bất kỳ động thái nào của London nhằm hạn chế vai trò của Huawei trong việc xây dựng mạng lưới phủ sóng 5G quốc gia nhiều khả năng sẽ làm căng thẳng Anh - Trung Quốc gia tăng. Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế vốn đã trở nên căng thẳng trong nhiều tháng qua do sự bùng phát dịch Covid-19 tại Trung Quốc lan rộng ra toàn cầu gây hậu quả nghiêm trọng.



Thùy Dung
Cùng chuyên mục