Áp thuế tự vệ, doanh nghiệp mía đường phấn khởi nhưng vẫn “xanh mặt” vì lý do này

Quốc Hải Thứ năm, ngày 25/03/2021 11:39 AM (GMT+7)
Bộ Công Thương sau quá trình điều tra đã đưa ra các biện pháp tự vệ tạm thời với đường mía nhập khẩu từ Thái Lan. Đây được xem là giải pháp giúp ngành mía đường trong nước hồi phục, nhưng theo các chuyên gia, nếu không kiểm soát đường nhập lậu tốt thì vẫn sẽ không tránh khỏi những tổn thương trong năm 2021…
Bình luận 0
Áp thuế tự vệ, doanh nghiệp mía đường phấn khởi nhưng vẫn “xanh mặt” vì lý do này - Ảnh 1.

Ngành mía đường niên vụ 2020-2021 đối mặt với việc thiếu hụt nguồn cung mía nguyên liệu trong nước...

Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công thương) khẳng định, thị trường mía đường trong nước đã có một số dấu hiệu tích cực chỉ sau một thời gian ngắn áp dụng các biện pháp tự vệ tạm thời với đường mía nhập khẩu từ Thái Lan, như: Giá bán đường sản xuất trong nước đã tăng trung bình từ 1.500 - 2.000 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2020; giá thu mua mía nguyên liệu của người trồng mía cũng tăng so với vụ ép năm ngoái, tăng từ 50 nghìn - 100 nghìn đồng/tấn (giá mua trung bình hiện tại dao động khoảng 950 nghìn - 1 triệu đồng/tấn).

Doanh nghiệp mía đường phấn khởi, nhưng vẫn "xanh mặt" trước đường lậu

Có thể thấy, thời gian qua các doanh nghiệp mía đường trong nước đã phải cạnh tranh gay gắt với đường nhập khẩu chính ngạch từ Thái Lan bắt đầu từ quý 2/2020, sau khi ATIGA có hiệu lực kể từ đầu năm 2020.

Thống kê của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho thấy, lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan trong 11 tháng đầu năm 2020 lên tới 1,29 triệu tấn, tăng 330% so với cùng kỳ (tổng nhập khẩu 1,5 triệu tấn), trong đó có 509 nghìn tấn đường thô và 720 nghìn tấn đường luyện. Trong khi đó, đường nhập khẩu chính ngạch từ Thái Lan năm 2019 chỉ khoảng 157 nghìn tấn, chủ yếu là đường thô được nhập về để tinh luyện.

Chính vì đường mía Thái Lan nhập khẩu tăng đột biến, càng bức thiết phải có các biện pháp tự vệ tạm thời với đường mía nhập khẩu từ Thái Lan, nhằm bảo hộ ngành mía đường trong nước. Trước tình hình này, Bộ Công Thương đã ra Quyết định số 477/QĐ-BCT ban hành ngày 9/2/2021 và có hiệu lực sau bảy ngày là ngày 16/2/2021.

Ngay sau khi các biện pháp tự vệ tạm thời chính thức có hiệu lực, ngành mía đường trong nước đã có những hồi phục đáng kể. Theo đó, giá đường RS sản xuất trong nước đã tăng từ mức 13.500 đồng/kg vào thời điểm cuối năm 2020 lên mức 15.000-16.000 đồng/kg vào thời điểm cuối tháng 2 năm nay; trong khi đường RE cũng tăng từ 14.000 đồng/kg lên 16.500 đồng/kg vào thời điểm hiện tại.

Áp thuế tự vệ, doanh nghiệp mía đường phấn khởi nhưng vẫn “xanh mặt” vì lý do này - Ảnh 3.

Thu hoạch mía tại nông trường của Công ty CP Thành Thành Công Biên Hòa...

Theo các chuyên gia của SSI Research, giá đường nội địa vẫn còn dư địa để tăng trưởng từ mức giá hiện tại do 3 nguyên nhân chính: Thứ nhất, giá đường nội địa của Việt Nam đang thấp hơn so với các nước trong khu vực từ 30-40%; thứ hai, chi phí nhập khẩu chính ngạch sẽ tăng khoảng 4.000-4.500 đồng/kg đối với đường RS/RE khi mức thuế 48,88% được áp dụng; thứ ba, hiện tại đang là thời điểm chính vụ nên nguồn cung chưa bị thiếu hụt rõ rệt, tuy nhiên, sắp tới giá đường có thể lên tới 17.000 đồng/kg, tiệm cận với mức giá đường nội địa của các quốc gia trong khu vực.

Rõ ràng, khi nguồn cung đường trong nước thiếu hụt (Do sản lượng mía niên vụ 2020-2021 được dự báo ở mức thấp, chỉ luyện được khoảng 600 nghìn tấn đường, trong khi nhu cầu trong nước ước tính đạt 2,2 triệu tấn trong năm 2021), vì vậy, khi áp dụng các biện pháp tự vệ tạm thời, sẽ hỗ trợ giá đường nội địa tiếp tục tăng mạnh, hỗ trợ các nhà sản xuất đường gia tăng biên lợi nhuận gộp và cải thiện lợi nhuận.

Tuy nhiên, những thuận lợi kể trên với các DN mía đường sẽ thực sự phát huy khi kiểm soát được lượng đường lậu trong năm nay.

"Những tháng đầu năm 2021, do Việt Nam kiểm soát biên giới rất chặt chẽ để ngăn chặn Covid-19, hoạt động buôn lậu đường cũng đã sụt giảm đáng kể. Tuy nhiên, trong trường hợp đường lậu không kiểm soát hiệu quả thì giá đường trong nước tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đường lậu, nhất là khi thuế chống bán phá giá ở mức 48,88%, tạo nên mức chênh lệch về giá khá cao giữa đường nhập khẩu và đường lậu", chuyên gia của SSI Research, đánh giá.

Các nhà máy sẽ gia tăng luyện đường?

Do sản lượng mía niên vụ 2020-2021 trong nước thiếu hụt, vì thế bên cạnh đường tinh luyện nhập khẩu, dự báo các nhà máy sẽ gia tăng việc nhập đường thô để tinh luyện ngoài vụ. Đặc biệt, các nhà máy có vị trí địa lý gần nguồn nhiên liệu sinh khối ngoài bã mía (phế phẩm nông nghiệp như vụn gỗ, vỏ trấu…) sẽ có lợi hơn về chi phí sản xuất ngoài vụ.

Tại Công ty CP Thành Thành Công Biên Hòa (SBT) - DN mía đường lớn nhất Việt Nam - với các ưu thế như: Đứng đầu về cả diện tích vùng nguyên liệu (28% tổng diện tích trồng mía cả nước), công suất luyện đường (40% công suất luyện đường trong vụ) và mạng lưới phân phối đủ tất cả các kênh bán buôn, bán lẻ truyền thống, bán lẻ hiện đại và kênh thương mại (40% thị phần). Đây sẽ là đơn vị được hưởng lợi nhanh hơn các DN trong ngành khi có thuế tự vệ đối với đường Thái Lan.

Nguyên nhân là do SBT có 2 lợi thế lớn: Khả năng tăng công suất luyện đường lên tới 300 ngày/năm, sử dụng nguồn nhiên liệu sinh khối từ dăm gỗ sẽ hỗ trợ SBT gia tăng sản lượng đáp ứng sự thiếu hụt nguồn cung; và có sẵn mạng lưới phân phối đủ tất cả các kênh và hệ thống kho chứa lớn nhất cả nước (43 kho).

Trong khi đó, với Công ty CP Đường Quảng Ngãi (QNS), lợi thế của DN này là đã nhập khẩu 25 nghìn tấn đường thô vào năm ngoái với giá rất thấp, chỉ khoảng 8.000 đồng/kg, tức là thấp hơn khoảng 40-50% so với giá hiện tại. Chưa kể, QNS với vị thế là công ty đường lớn thứ 2 cả nước, sẽ không khó để chiếm lĩnh được ít nhất 10% thị phần, một khi thuế tự vệ được áp dụng.

Ngoài ra, nhà máy đường An Khê của QNS còn có vị trí địa lý thuận lợi (gần nguồn nhiên liệu sinh khối ngoài bã mía như vụn gỗ, vỏ trấu…), và có khả năng luyện đường tối đa lên tới 300 ngày/năm sẽ giúp QNS có lợi hơn về chi phí luyện đường thô ngoài vụ.

Một số nhà máy khác như Mía đường Lam Sơn (LSS) cũng có khả năng luyện đường thô ngoài vụ tối đa thêm 2 tháng…

Ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đánh giá, việc áp thuế tự vệ tạm thời với đường mía Thái Lan mang ý nghĩa lớn, xác định rõ đường Thái Lan bán phá giá tại thị trường Việt Nam lên tới 48,88%.

"Với mức bán phá giá này, dẫu ngành mía đường có cơ giới hóa, có phát triển cỡ nào cũng không thể chống đỡ nổi với đường Thái Lan", ông Lộc cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem