Bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ truyền thông NHNN: Phải thay đổi nhận thức, hành vi dùng tiền mặt của người dân

Nguyễn Phương Thứ tư, ngày 01/12/2021 12:01 PM (GMT+7)
"Chủ trương chung của Chính phủ hiện nay là phát triển xã hội số, kinh tế số, theo đó phải có sự dịch chuyển chung về thanh toán không dùng tiền mặt của cộng đồng, với khu vực nông thôn chiếm hơn 60% dân số, nên thay đổi phải trước hết phải từ khu vực này", bà Lê Thị Thúy Sen-Vụ trưởng Vụ truyền thông NHNN, cho biết.
Bình luận 0
Bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ truyền thông NHNN: Phải thay đổi nhận thức, hành vi dùng tiền mặt của người dân - Ảnh 1.

Bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ truyền thông, Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: DV

Chia  sẻ tại Hội thảo "Ngày nông dân không dùng tiền mặt", bà Lê Thị Thuý Sen, Vụ trưởng Vụ truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: Chủ trương chung của Chính phủ hiện nay là phát triển xã hội số, kinh tế số, theo đó phải có sự dịch chuyển chung về thanh toán không dùng tiền mặt của cộng đồng, với khu vực nông thôn chiếm hơn 60% dân số, nên thay đổi phải trước hết phải từ khu vực này. Để thúc đẩy chiến lược thanh toán không dùng tiền mặt, bên cạnh các cơ chế chính sách khác, truyền thông được xem là trụ cột quan trọng, nhằm đạt được mục tiêu thay đổi nhận thức, hành vi của người dân, đặc biệt là người dân nông thôn về không sử dụng tiền mặt.

Bà Sen cho biết, muốn thúc đẩy không dùng tiền mặt ở nông thôn, trước hết phải quan tâm tới những vấn đề nông dân cần ở lĩnh vực này để truyền thông. Người dân nông thôn quan tâm nhất là sự thuận lợi, an toàn, dễ sử dụng của các tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt. Tiếp đó là các vấn đề về giải pháp an ninh, an toàn, bảo mật khi nông dân còn rất e dè về điều này. Chúng tôi sẽ yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường phổ biến các thông tin tới nông dân; truyền thông cho họ nhiều hơn về các tầng nấc bảo đảm an toàn, lợi ích để nông dân yên tâm sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt một cách tiện lợi nhất, an tâm nhất. 

Mục tiêu truyền thông của ngân hàng là làm sao giúp nông dân sử dụng và hình thành hành vi thói quen thanh toán không dùng tiền mặt, mỗi nông dân thay đổi thì nhiều nông dân thay đổi, tạo ra một cộng đồng dân cư nông thôn cùng không dùng tiền mặt. 

"Với các băn khoăn của nông dân về phí, an toàn, cách thức sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt... chúng tôi sẽ thúc đẩy tuyên truyền, có các game show, các chương trình để truyền thông một cách trực quan, sinh động để nông dân làm theo. Nông dân có giao dich lần đầu thì sẽ có giao dịch có lần sau, nhiều nông dân sử dụng dịch vụ không dùng tiền mặt dần dần sẽ tạo ra một cộng đồng sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt"-bà Sen cho biết.  

Thực tế thời gian qua, các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra rằng, việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn vẫn còn một số khó khăn. Đó là, thói quen sử dụng tiền mặt của người dân nói chung và khu vực nông thôn trong giao dịch thanh toán, tiêu dùng.

Một bộ phận người dân chưa có thói quen sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng cũng như các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khác, nhất là những người lớn tuổi và ở khu vực vùng sâu vùng xa, kể cả những người đã có tài khoản ngân hàng.

Một số người dân có tâm lý e ngại tiếp cận công nghệ mới trong thanh toán điện tử, ngân hàng; sợ rủi ro, không an toàn trong sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt .

Hơn nữa, trình độ dân trí khu vực nông thôn thấp hơn thành thị khiến cho việc triển khai nội dung và hình thức đào tạo ở khu vực nông thôn khó khăn hơn.

Ngoài ra, mạng lưới điểm giao dịch ngân hàng , trụ máy ATM chưa phân bố đều tại các huyện, thị nên khó triển khai đồng bộ.

Phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam cho rằng, cần phải tuyên truyền những tiện ích của phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để người dân nông thôn hiểu và sử dụng.

Quan trọng hơn cần phải đồng bộ từ chính sách tới hạ tầng cơ sở để phương thức thanh toán hiện đại có điều kiện sử dụng một cách rộng rãi hơn ở khu vực nông thôn.

Bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ truyền thông NHNN: Phải thay đổi nhận thức, hành vi dùng tiền mặt của người dân - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội thảo "Ngày nông dân thanh toán không dùng tiền mặt". Ảnh: DV

Đề cập về việc thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và các đề án của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, để thực hiện mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau trong tiếp cận dịch vụ ngân hàng, hoạt động truyền thông giáo dục tài chính luôn được Ngân hàng Nhà nước xác định có vai trò quan trọng.

Để thực hiện mục tiêu đó, truyền thông Ngân hàng Nhà nước luôn hướng tới người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa để thay đổi nhận thức, hành vi, thói quen sử dụng dịch vụ ngân hàng, giảm thiểu rủi ro, bảo vệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính đặc biệt trong bối cảnh thúc đẩy phát triển nền kinh tế số, xã hội số.

Với phương châm lấy người dân là trung tâm, Ngân hàng Nhà nước đã tập trung cung cấp thông tin về những vấn đề thiết thực mà người dân quan tâm liên quan đến dịch vụ ngân hàng. Các nội dung truyền thông sẽ bao gồm giới thiệu quy trình, thủ tục, các lưu ý trong việc vay vốn ngân hàng; các quy định, sản phẩm, lưu ý khi gửi tiết kiệm; các sản phẩm, dịch vụ thanh toán như mobile banking, internet banking, mobile money, ví điện tử, các kỹ năng để hạn chế các rủi ro, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật…

Các hình thức truyền thông đa dạng, phong phú như các phương tiện truyền thông đa phương tiện, từ báo viết, báo điện tử, cho đến phát thanh, truyền hình, mạng xã hội… Cách thức truyền thông đơn giản hóa tối đa tất cả các thuật ngữ chuyên môn ngân hàng và truyền tải thông điệp một cách đơn giản nhất, dễ hiểu và dễ nhớ nhất, từ đó giúp người dân có thể thực hành theo một cách dễ dàng.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông giáo dục tài chính, đặc biệt hướng đến người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và giới trẻ. Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa ra các giải pháp, chương trình cụ thể ứng dụng công nghệ truyền thông hiện đại để lan toả, gia tăng giá trị và hiệu quả truyền thông gắn với việc đánh giá kết quả các chương trình truyền thông. Mục tiêu truyền thông được xác định bằng các chỉ tiêu rõ ràng với hình thức phong phú, sáng tạo, nội dung thân thiện, thiết thực, ý nghĩa, giá trị với xã hội để góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và xây dựng cộng đồng tài chính tốt đẹp.

Theo Ngân hàng Nhà nước trong 9 tháng của năm 2021, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng lần lượt tăng 1,88% về số lượng và tăng 42,58% về giá trị. Hệ thống bù trừ điện tử và chuyển mạch giao dịch tài chính tăng 96,63% về số lượng và 133,11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Hoạt động thanh toán qua các kênh điện tử tăng trưởng mạnh qua các năm, thanh toán qua di động tăng từ 50 - 80%/năm về số lượng. Thanh toán qua internet tăng từ 35 - 40%/năm về số lượng. Tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%.

Đáng chú ý, hiện nay, nhiều dịch vụ thanh toán mới, hiện đại như: Thẻ ngân hàng, QR Code, ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking… đã được các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán triển khai.

Hội thảo "Ngày nông dân không dùng tiền mặt" nằm trong khuôn khổ chuỗi chương trình "Tự hào nông dân Việt Nam 2021" được tổ chức thường niên và trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

Đề án đặt mục tiêu tạo sự chuyển biến tích cực và từng bước phát triển về thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa với các chỉ tiêu cụ thể như: Từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản; số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 450.000 điểm; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20 - 25%/năm…

Người nông dân ở nước ta luôn giữ một vị trí đặc biệt quan trọng, là lực lượng đông đảo nhất trong xã hội với hơn 60% dân số làm nông nghiệp, sống ở khu vực nông thôn. Để đạt được mục tiêu nêu trên, việc triển khai chính sách phát triển thanh toán không dùng tiền mặt hướng tới người nông dân là vô cùng quan trọng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem