Bác sĩ Tuấn

Phạm Trung Tuyến Thứ hai, ngày 17/04/2023 19:15 PM (GMT+7)
Hôm nay, bác sĩ Tuấn ra tòa để nhận phán xét của luật pháp về những việc làm sai trái của ông. Rất nhiều trí thức đã bày tỏ sự xót xa về hình ảnh một người đã cứu hàng ngàn con người bằng tài năng của mình phải ngồi trên băng ghế dành cho bị cáo
Bình luận 0

Họ xót xa vì bác sĩ Tuấn - vị bác sĩ tài năng đó phải xuất hiện trước tòa vì một tội danh giống như rất nhiều kẻ thất phu bất tài khác.

Đó là một nỗi xót xa dễ hiểu. Bởi nhiều người, đặc biệt là những người có chuyên môn giỏi, giống như bác sĩ Tuấn, họ biết rằng nếu ở vị trí đó, hoàn cảnh đó, số phận của họ, và vị bác sĩ kia, có thể không khác nhau.

Bác sĩ Tuấn - Ảnh 1.

Bác sĩ Tuấn cùng các bị cáo khác tại Tòa.

20 năm trước, khi đang là thư ký tòa soạn của một tờ báo, tôi nộp đơn xin từ chức để tập trung làm phóng viên sau mấy năm đút chân gầm bàn và cảm thấy tiếc vì không được tác nghiệp hiện trường. Khi đó, tôi nhận được rất nhiều lời khuyên giống nhau của đồng nghiệp, của các tiền bối trong và ngoài nghề, có cả những bác sĩ rất giỏi lúc đó đang làm lãnh đạo ngành y tế. Họ đều chia sẻ với tôi sự khao khát được làm công việc chuyên môn. 

Nhưng nếu chỉ tập trung vào chuyên môn, không có chức danh lãnh đạo thì sẽ phải chấp nhận rất nhiều thiệt thòi, từ tài chính, đến danh vọng, và đặc biệt là "Thà rằng cậu làm quản lý, dù không thuận tay, cũng còn hơn để kẻ kém cỏi quản lý và chỉ đạo cậu về chuyên môn." Tôi biết đó là những lời khuyên chí tình, và họ hoàn toàn đúng về những điều mà tôi phải chấp nhận để theo đuổi lựa chọn tập trung làm chuyên môn.

Hôm nay, rất nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối cho bác sĩ Tuấn. Họ tiếc vì "bàn tay vàng trong làng phẫu thuật" giờ sẽ nằm trong còng, hoặc bám song sắt nhiều năm. Họ tiếc vì nhiều người bệnh sẽ không có cơ hội được cứu sống bởi đôi bàn tay vàng đó nữa. Và họ cũng nuối tiếc "nếu như bác sĩ Tuấn không làm quản lý, nếu như ông chỉ tập trung vào chuyên môn thì đã không gặp phải bi kịch này". 

Nhưng tôi biết rằng, dù tiếc nuối thế, nhưng nếu đặt mình ở vị trí của bác sĩ Tuấn, họ cũng rất khó để lựa chọn khác đi. Cho dù không đến nỗi phải rơi vào vòng lao lý thì cũng có những nhà chuyên môn rơi vào vòng phải làm quản lý. 

Hệ thống thang bậc vị trí kèm theo lợi ích trong các cơ quan, hệ thống định mức thù lao cứng nhắc cho công việc chuyên môn, hệ thống quy định hành chính áp dụng cho công việc chuyên môn… đó là những rào cản tác động rất mạnh mẽ vào lựa chọn của những nhà chuyên môn trong môi trường công tác tại các cơ quan Nhà nước.  

Nó khiến cho những bác sĩ, giáo viên, những nhà nghiên cứu tài năng sẽ chỉ có những lựa chọn hạn chế cho sự nghiệp của mình. Hoặc phải hy sinh bớt thời gian cho công việc chuyên môn để tìm cách thăng tiến theo các nấc thang hành chính, hoặc phải rời bỏ khu vực công để ra ngoài tự doanh, hoặc làm cho tư nhân.

Bác sĩ Tuấn phải trả giá cho những sai lầm trong vai trò quản lý của mình. Điều đó tiếc cho ông. Nhưng, thực tế, không cần phải đến khi bác sĩ Tuấn phải ra tòa, thì trước đó, đôi "bàn tay vàng" ấy cũng không còn dành toàn lực cho việc cứu người rồi. Tâm sức, trí tuệ của vị bác sĩ thay vì tiếp tục hoàn thiện để tốt hơn thì đã được huy động để lo cơm áo gạo tiền cho nhân viên, lo sao đấu thầu vật tư đúng quy định.

Bởi thế, cái sự cảm khái nhân việc bác sĩ Tuấn ra tòa không phải là sự cảm khái cho bi kịch của riêng ông. Nó là sự cảm khái đồng vọng cho những vật vã lựa chọn của những nhà chuyên môn trong hệ thống công. Đó là một hệ thống đang không hợp lý cho những nhân sự mong muốn cống hiến bằng chuyên môn của mình.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem