Bán hàng trực tuyến hưởng lợi từ dịch Covid

02/08/2020 15:18 GMT+7
19 đã đẩy nhanh quá trình chuyển đời sống sang trực tuyến. Miếng bánh thương mại điện tử ngày một lớn, nhiều người chơi cố 'chen chân'.

Trước dịch Covid-19, chị Huyền Trang, 22 tuổi, sống ở huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội, không có thói quen mua sắm trực tuyến. "Tôi thường đến tận cửa hàng để xem hàng trực tiếp rồi mới mua", chị chia sẻ.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 khiến chị ngại đến nhà hàng và cửa hiệu hơn, chị Trang bắt đầu chuyển sang mua hàng trực tuyến. "Tôi bắt đầu tải các ứng dụng mua sắm trực tuyến. Điểm tôi thích nhất là sự nhanh chóng, tiện lợi, dễ dàng so sánh giá cả. Để tránh mua phải hàng kém chất lượng, tôi thường xem các lượt đánh giá của những người mua trước đó", chị nói.

Khi dịch Covid-19 lan rộng, các cửa hàng trên toàn cầu phải đóng cửa hàng loạt, người tiêu dùng ở Đông Nam Á và nhiều nơi khác buộc phải chuyển sang mua hàng trực tuyến.

Bán hàng trực tuyến hưởng lợi từ dịch Covid - Ảnh 1.

Dịch Covid-19 thúc đẩy ngành thương mại điện tử Đông Nam Á tăng trưởng. Ảnh: Reuters.

Chuyển đời sống sang trực tuyến

Trao đổi với PV, ông Amit Anand, nhà sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Singapore Jungle Ventures, nhận định: "Khu vực Đông Nam Á có đến 615 triệu dân với tỷ lệ người trẻ cao. Dịch Covid-19 sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đời sống sang trực tuyến của khu vực này. Người tiêu dùng mua sắm trực tuyến nhiều hơn, doanh nghiệp cũng phải nhờ đến các phần mềm để đối phó với những thay đổi lớn".

Theo Giám đốc thương mại Zhou Junjie, Shopee ghi nhận doanh số bán hàng tại Indonesia tăng vọt hơn 120% trong 4 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm ngoái. Hơn 185 triệu lượt đặt hàng được thực hiện qua nền tảng trong khoảng thời gian này.

Ông Zhou khẳng định xu hướng mua hàng trực tuyến tại khu vực Đông Nam Á "rộng rãi, sâu sắc và không thể đảo ngược".

Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company hồi năm ngoái, ngành thương mại điện tử khu vực đã tăng 600% từ 5,5 tỷ USD năm 2015 lên 38 tỷ USD năm 2019. Trước khi dịch Covid-19 bùng nổ, quy mô ngành thương mại điện tử Đông Nam Á được dự đoán sẽ vượt ngưỡng 150 tỷ USD vào năm 2025.

Dịch Covid-19 đã thúc đẩy xu hướng này. Các nền tảng thương mại điện tử khác kỳ vọng rằng người tiêu dùng sẽ thay đổi thói quen mua sắm mãi mãi.

Theo ông Richard Wong, Phó chủ tịch Công ty tư vấn nghiên cứu Frost & Sullivan, từ tháng 3 đến tháng 5 năm nay, số giao dịch mua hàng hóa trực tuyến và giao đồ ăn trong khu vực đã tăng từ 50% đến 400%.

Lazada cũng công bố Redmart chứng kiến doanh số trung bình hàng tuần tăng 300% tại Singapore. Nền tảng cũng giúp nông dân Malaysia bán 1,5 tấn rau quả.

Những người chơi địa phương

Ngoài Shopee và Lazada, các công ty địa phương như Sendo, Tiki của Việt Nam, Tokopedia và Bukalapak của Indonesia cũng có lợi thế trong việc tìm kiếm người dùng mới. "Họ có thế mạnh là yếu tố bản địa. Họ dễ dàng thu hút các doanh nghiệp địa phương và thúc đẩy quảng bá trong nước", ông Wong tại Frost & Sullivan bình luận.

Theo thống kê của iPrice, hồi quý III/2019, Sendo ngang ngửa Shopee về lượt truy cập web tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, Sendo phục vụ cả khách hàng lẻ và khách hàng doanh nghiệp. Tính đến tháng 2, nền tảng đã có hơn 300.000 người bán và 10 triệu người mua trên khắp cả nước, nhất là ở khu vực nông thôn.

Bán hàng trực tuyến hưởng lợi từ dịch Covid - Ảnh 2.

Trong quý III/2019, Sendo đã ngang ngửa Shopee về lượt truy cập web. Ảnh: Việt Đức.

Trong khi đó, Tokopedia đang chiếm miếng bánh lớn nhất trên thị trường thương mại điện tử Tokopedia. Hồi tháng 1, hãng nhận khoản đầu tư trị giá 500 triệu USD từ cơ quan đầu tư nhà nước Singapore Temasek.

Báo cáo về kinh tế kỹ thuật số tại Đông Nam Á cho thấy Việt Nam và Indonesia đang dẫn đầu khu vực với tốc độ tăng trưởng 40% mỗi năm. Trong khi đó, Malaysia, Thái Lan, Singapore và Philippines tăng 20-30%/năm.

"Việt Nam đã có bước nhảy vọt ở rất nhiều lĩnh vực. Số người sử dụng điện thoại di động sẽ cao hơn số người dùng điện thoại cố định. Đi cùng với đó là quá trình chuyển đổi kỹ thuật số thần tốc trong vòng 5-10 năm nữa", ông Anand tại Jungle Ventures nói với Zing.

Miếng bánh hấp dẫn

Triển vọng của ngành công nghiệp rõ ràng đến mức ngay cả các cửa hàng truyền thống cũng đang tìm cách chiếm một phần miếng bánh. Trung tâm mua sắm Suntec City ở Singapore đã tổ chức lễ hội mua sắm qua hình thức livestream trong vòng 3 ngày của tháng 6. Lễ hội trực tuyến có nhiều sản phẩm chỉ bán trên livestream. Người tham gia sẽ được giảm giá đối với 40 thương hiệu tại 16 cửa hàng có trong sự kiện.

Anthony Yip, Phó chủ tịch Suntec City, tiết lộ rằng công ty đã lấy cảm hứng từ ngành công nghiệp mua sắm kỹ thuật số tại Trung Quốc. Gã khổng lồ thương mại điện tử Taobao của đất nước tỷ dân thu hút 400 triệu người dùng trong năm ngoái với hơn 60.000 chương trình mua sắm qua hình thức livestream trên nền tảng.

Bán hàng trực tuyến hưởng lợi từ dịch Covid - Ảnh 3.

Hình thức livestream bán hàng được ưa chuộng trên các nền tảng thương mại điện tử. Ảnh: Lazada.

Ngay cả những người bán hàng lẻ cũng bắt đầu dấn thân vào lĩnh vực mới này. Theo South China Morning Post, cô Chloe Ng, 34 tuổi, một người bán hàng ở Singapore, đã chuyển sang bán mỹ phẩm trên Instagram trong thời gian cách ly xã hội.

Có ngày, cô kiếm được đến 435 USD. "Tôi đã không nhận ra sức mạnh của Instagram cho đến khi bắt đầu bán hàng. Điều tôi thích nhất khi bán hàng qua Instagram là bạn có thể tự quản lý thời gian, hàng tồn kho và vốn ban đầu rất thấp", cô Ng chia sẻ.

Thảo Cao/Zing
Cùng chuyên mục