Bệnh viện Trung ương Huế đạt giải thưởng danh giá của Hội Đột quỵ thế giới
Ngày 11/6, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, bệnh viện này đã vượt qua mức giải thưởng vàng và đạt giải thưởng Platinum theo tiêu chuẩn Hội Đột quỵ thế giới (WSO) trong tổ chức cấp cứu và điều trị đột quỵ.
Đây là một giải thưởng danh giá của Hội Đột quỵ thế giới dành cho các đơn vị đột quỵ và trung tâm đột quỵ đạt các tiêu chí khắt khe bao gồm khả năng huấn luyện con người, thiết bị chẩn đoán, điều trị đột quỵ cấp và hợp tác với các nhân viên chăm sóc đột quỵ khác. Quy trình này được xem xét bởi một cơ quan kiểm định quốc gia và 2 cơ quan kiểm định quốc tế, ủy ban về đơn vị đột quỵ ra quyết định cuối cùng.
Mỗi năm ước tính Việt Nam có hơn 200.000 ca đột quỵ mới, hậu quả hơn 11.000 người tử vong và trên 100.000 người bị tàn phế. Khi Việt Nam đạt tiêu chuẩn này, có nghĩa là các bệnh nhân đột quỵ Việt Nam đã được áp dụng các kỹ thuật điều trị tiến tiến, ngang bằng với chuẩn của các trung tâm đột quỵ trên thế giới, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị bệnh nhân đột quỵ, giảm tỉ lệ tử vong, giúp bệnh nhân sớm tái hòa nhập vào cộng đồng.
Tất cả gồm 7 tiêu chí cần đạt được theo tiêu chuẩn của giải thưởng này là: Tối thiểu 75% bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não điều trị tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch được thực hiện trong vòng 60 phút khi nhập viện, tối thiểu 75% bệnh nhân can thiệp tái thông được bắt đầu chọc kim can thiệp dưới 120 phút, tối thiểu 15% bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não được tái thông, tối thiểu 85% bệnh nhân nghi ngờ đột quỵ được chụp CT hoặc MRI, tối thiểu 85% bệnh nhân đột quỵ được tầm soát rối loạn nuốt, tối thiểu 85% bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não được điều trị dự phòng với thuốc chống ngưng tập tiểu cầu và tối thiểu 85% bệnh nhân đột quỵ có liên quan tới rung nhĩ được điều trị dự phòng bằng thuốc chống đông.
Hiện nay Bệnh viện Trung ương Huế là một trong ba bệnh viện trong toàn quốc đạt giải thưởng Platium về chất lượng điều trị đột quỵ của Hội Đột quỵ thế giới trong tổng số hơn 80 bệnh viện có trung tâm hay khoa đột quỵ tại Việt Nam.
Đạt được thành quả này là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Ban giám đốc Bệnh viện, sự phối kết hợp đồng bộ của các khoa lâm sàng và cận lâm sàng và sự nỗ lực không ngừng của cán bộ viên chức trong toàn viện.
Trung tâm Đột qụy Bệnh viện Trung ương Huế chính thức đi vào hoạt động ngày 9/6/2018. Trung tâm được xây dựng với cơ sở vật chất khang trang, máy móc, trang thiết bị hiện đại, và đặc biệt là đội ngũ nhân lực trình độ cao, tiếp thu nhanh nhạy các kỹ thuật y học tiên tiến, luôn năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy với công việc và không ngừng trau dồi chuyên môn. Đội can thiệp ứng phó nhanh và tận dụng tối đa thời gian trên từng ca cấp cứu.
Mỗi năm tiếp nhận trên 2.500 bệnh nhân, Trung tâm đã thực hiện đầy đủ chức năng và vai trò cấp cứu đột quỵ, điều trị đột quỵ toàn điện và hồi sức đột quỵ tích cực. Trong năm 2019, trung tâm đã hồi sức thành công trên 200 trường hợp đột quỵ nặng và rất nặng; thực hiện liệu pháp tái thông cấp cứu bao gồm tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch và can thiệp lấy huyết khối cho hơn 200 trường hợp; can thiệp điều trị phình mạch cho 50 trường hợp túi phình mạch não vỡ gây xuất huyết dưới nhện; can thiệp đặt Stent điều trị hẹp mạch cảnh cho hơn 20 trường hợp; can thiệp điều trị dị dạng mạch não vỡ gây xuất huyết não cho gần 30 trường hợp; tiến hành chụp DSA chẩn đoán cho gần 450 trường hợp.
Trung tâm đã triển khai thành công các kỹ thuật khó như can thiệp đường tĩnh mạch tắc dò xoang hang, can thiệp dị dạng mạch máu tủy. Can thiệp lấy huyết khối đạt tỉ lệ tái thông tốt trên 90%. Can thiệp phình mạch đã triển khai tất cả các kỹ thuật để có thể xử lý tối đa các loại phình mạch bao gồm thả coil, Stent – coil, bóng – coil, đặt stent chuyển dòng, góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân đột quỵ nặng, đe dọa tính mạng.
Từ khi đi vào hoạt động, Giáo sư Phạm Như Hiệp- Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế đã trực tiếp chỉ đạo Trung tâm phối hợp chặt chẽ với các khoa Cấp cứu đa khoa, Chẩn đoán hình ảnh, Ngoại thần kinh và Trung tâm Tim mạch đưa ra quy trình báo động "Code Stroke" và "Kích hoạt cấp cứu đột quỵ". Theo đó, bệnh nhân nhập viện ban đầu ở khoa Cấp cứu đa khoa hoặc trực tiếp ở Trung tâm Đột quỵ, nhanh chóng được sàng lọc, phân loại, chụp CT-scan sọ não, chẩn đoán xác định thể đột quỵ trong vòng 30 phút. Bệnh nhân đến trong giờ vàng được nhanh chóng thực hiện các liệu pháp tái thông. Thời gian trung bình bắt đầu truyền thuốc tiêu sợi huyết là 40 phút, bắt đầu can thiệp là dưới 90 phút và thời gian can thiệp trung bình là dưới 40 phút cho những trường hợp tắc một vị trí do huyết khối và không có hẹp mạch máu phối hợp.
Theo Giáo sư Phạm Như Hiệp, trong thời gian tới, Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Trung ương Huế quyết tâm phấn đấu đạt Giải thưởng Kim cương của Hội Đột quỵ thế giới trong cấp cứu và điều trị đột quỵ với mục đích duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng điều trị bệnh nhân đột quỵ, góp phần xây dựng, phát triển Bệnh viện thành trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế.