Bị Mỹ giáng đòn đau, Huawei quay đầu thống trị 42% thị phần smartphone đại lục
Trong quý III/2019, tổng doanh số tiêu thụ smartphone trên thị trường Trung Quốc đại lục đạt 97,8 triệu chiếc. 41,5 triệu chiếc trong số đó có nguồn gốc từ Huawei, chiếm 42% thị phần, theo dữ liệu từ Canalys.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của Huawei đã khiến cho thị phần hàng loạt hãng smartphone nội địa Trung Quốc như Oppo, Vivo, Xiaomi bị thu hẹp. Tổng thị phần 4 ông lớn smartphone còn lại là Oppo, Apple, Xiaomi, Vivo hiện chỉ chiếm 50% thị trường đại lục, giảm mạnh từ mức 64% trong cùng kỳ năm ngoái.
Tính trên thị trường quốc tế, tờ Bloomberg hồi giữa tháng 10 đưa tin doanh số smartphone Huawei 3 quý đầu năm tăng tới 26% so với cùng kỳ năm ngoái, xuất xưởng hơn 185 triệu chiếc smartphone và giữ vững vị thế nhà sản xuất di động thông minh lớn thứ hai thế giới sau Samsung.
Quý III cũng chứng kiến sự suy giảm mạnh mẽ thị phần của Apple tại đại lục, mức giảm chưa từng có trong suốt 5 năm vừa qua. Thương chiến Mỹ Trung cùng làn sóng tinh thần dân tộc lên cao tại Trung Quốc đã ảnh hưởng nặng nề đến nhà Táo Khuyết nói riêng và nhiều thương hiệu Mỹ đang hoạt động tại đại lục nói chung.
Bên cạnh lĩnh vực smartphone, Huawei còn thành công trong hoạt động kinh doanh dịch vụ mạng viễn thông. Tính đến hết tháng 9/2019, hãng đã giành được hơn 60 hợp đồng phát triển mạng viễn thông di động 5G trên toàn thế giới. Một số quốc gia như Đức thậm chí bất chấp cảnh báo rủi ro an ninh quốc gia từ Mỹ, vẫn quyết định ký kết hợp đồng phát triển 5G với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất thế giới. Các quốc gia khác như Anh, Pháp...vẫn đang tiếp tục cân nhắc trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, bởi Mỹ từ lâu đã cảnh cáo sẽ cắt mạng lưới tin tức tình báo nếu các Chính phủ nói trên để Huawei nhúng tay vào xây dựng mạng 5G.
Dù chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trên thị trường đại lục nhưng Huawei hiện đang chịu những đòn giáng tiếp theo từ Chính phủ Mỹ. Ủy ban viễn thông Liên Bang Mỹ FCC hôm 28/10 đã thông qua tiến trình biểu quyết vào tháng 11 tới, thông qua biểu quyết để quyết định có xếp Huawei vào nhân tố gây rủi ro an ninh quốc gia hay không. Nếu kết quả bỏ phiếu đồng thuận với nhận định này, FCC sẽ ban hành dự thảo cấm các công ty mạng viễn thông, đặc biệt là các công ty vùng nông thôn Mỹ sử dụng công nghệ, thiết bị và dịch vụ mạng của Huawei. Bên cạnh Huawei, ZTE cũng là nhà mạng bị FCC đưa vào tầm ngắm.
Người phát ngôn của Huawei và nhân viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng sau đó đã kịch liệt phản đối hành động này của phía Mỹ, cho rằng đây là sự “bắt nạt kinh tế” một cách trực tiếp. Phía Huawei thậm chí còn cảnh báo hành động của FCC sẽ dẫn đến thiệt hại nặng nề cho người dùng mạng các vùng nông thôn Mỹ hơn là phía Huawei.
Thực chất, Quốc hội Mỹ hiện đang xem xét thông qua gói hỗ trợ trị giá 1 tỷ USD để các nhà mạng vùng nông thôn Mỹ thay thế hoặc loại bỏ thiết bị mạng Huawei ra khỏi mạng lưới mạng viễn thông hiện hành. Một khi Quốc hội Mỹ trì hoãn khoản trợ cấp này, FCC cũng sẽ hành động thông qua nguồn quỹ viễn thông của mình để tránh sự can thiệp của Huawei và ZTE vào mạng viễn thông nước Mỹ.