Mỹ lại "giáng" đòn đau lên Huawei và ZTE, chính quyền Tập Cận Bình tố là "hành vi bắt nạt kinh tế"

30/10/2019 06:00 GMT+7
Trước thông tin Mỹ lên kế hoạch tháng 11 sẽ bỏ phiếu xem có đưa Huawei và ZTE vào danh sách rủi ro đe doạ an ninh quốc gia, chính quyền Tập Cận Bình cho rằng đó là hành vi bắt nạt kinh tế và Mỹ nên ngừng các hành động bôi nhọ tập đoàn Trung Quốc.

Ủy ban viễn thông liên bang FCC của Mỹ đang lên kế hoạch bỏ phiếu vào tháng 11 để quyết định xem liệu có nên đưa Huawei và ZTE vào danh sách rủi ro đe dọa an ninh quốc gia để cấm các công ty viễn thông Mỹ mua thiết bị, dịch vụ từ hai tập đoàn Trung Quốc này.

FCC dự kiến sẽ thông qua bỏ phiếu để xem xét lệnh cấm các tập đoàn viễn thông vùng nông thôn Mỹ nói riêng và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông trên nước Mỹ nói chung sử dụng quỹ mua sắm trị giá 8,5 tỷ USD do chính phủ trợ cấp để mua thiết bị hay dịch vụ mạng từ Huawei và ZTE. Theo nguồn tin từ các quan chức FCC, cơ quan này cũng có kế hoạch yêu cầu các nhà mạng loại bỏ và thay thế hoàn toàn các thiết bị có nguồn gốc từ Huawei hoặc ZTE trong mạng lưới viễn thông.

Chủ tịch FCC Ajit Pai mới đây đã nhấn mạnh trong một thông điệp: “Khi Mỹ nâng cấp hệ thống mạng viễn thông lên thế hệ mạng tiếp theo là 5G, chúng ta không thể bàng quan trước rủi ro chính phủ Trung Quốc tìm cách khai thác các lỗ hổng mạng để phục vụ cho hoạt động gián điệp thông qua các phần mềm độc hại và virus.” 

Có thể coi đây là đòn giáng tiếp theo mà chính quyền Donald Trump nhắm vào hai gã khổng lồ mạng viễn thông Trung Quốc, bất chấp những nỗ lực tiến tới một thỏa thuận thương mại toàn diện của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. 

Theo luật pháp Mỹ hiện hành, Huawei và ZTE sẽ có 30 ngày để kháng nghị các hành động của FCC và một khi FCC bỏ phiếu nhất trí, quyết định cũng chỉ có hiệu lực sớm nhất từ đầu năm 2020.

Chính quyền Trump lại giáng đòn đau lên Huawei và ZTE, Bắc Kinh nói gì? - Ảnh 1.

FCC sắp tiến hành bỏ phiếu đưa Huawei và ZTE vào

Đáp lại thông điệp từ Ủy ban Viễn thông Liên bang Mỹ, phát ngôn viên của Huawei khẳng định trong 30 năm tập đoàn này hoạt động, Huawei chưa bao giờ bị liệt kê như là rủi ro an ninh tại 170 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới mà nó hoạt động. 

“Đề xuất mới đây của Ủy ban Liên bang Mỹ FCC sẽ tác động trực tiếp đến các nhà cung cấp mạng viễn thông ở vùng nông thôn, những nhà mạng đang chịu sự giám sát lỏng lẻo và thiếu quan tâm của chính phủ Mỹ. Do đó, hành động này không chỉ đẩy mạnh sự phân chia trình độ kỹ thuật số giữa các khu vực của nước Mỹ mà còn làm chậm lại tốc độ phát triển kinh tế nói chung”. 

Còn phía ZTE hiện chưa đưa ra bình luận nào về thông tin này.

Đại diện chính quyền Tập Cận Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng thì lên tiếng kịch liệt phản đối việc Mỹ gây áp lực bằng các hành động tương tự với những công ty Trung Quốc. “Đó là hành vi bắt nạt kinh tế”, ông Cảnh Sảng nhấn mạnh. “Quyết định này sẽ chỉ gây thiệt hại to lớn với người dùng mạng viễn thông Mỹ, đặc biệt là người dùng khu vực nông thôn, những người đang có nguy cơ bị cắt hoàn toàn dịch vụ viễn thông một khi nhà mạng ngừng hợp tác với Huawei và ZTE”. 

“Mỹ nên ngừng các hành động bôi nhọ tập đoàn Trung Quốc và cung cấp cho họ một môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho hay.

Hồi tháng 3/2018, Chủ tịch FCC Ajit Pai từng đưa ra đề xuất cấm các công ty trong nước sử dụng Quỹ dịch vụ của FCC để mua hàng từ các công ty bị coi là rủi ro an ninh quốc gia, nhưng không đề cập trực tiếp đến Huawei hay ZTE. Quỹ này vốn cung cấp các khoản trợ cấp mạng viễn thông cho những khu vực nông thôn, khu vực địa hình khó tiếp cận, các thư viện và trường học của nước Mỹ.

Giờ đây, FCC lần nữa lặp lại thông điệp tương tự, trong đó lập luận rằng Huawei và ZTE có liên kết chặt chẽ với Chính phủ Trung Quốc, trong khi pháp luật Trung Quốc yêu cầu các công ty trong nước buộc phải cung cấp thông tin cho nhà nước một khi được yêu cầu. Đó chính là căn cứ khiến chính quyền Donald Trump nhiều lần cáo buộc các công ty Trung Quốc liên quan đến hoạt động tình báo của Bắc Kinh.

Quốc hội Mỹ hiện đang xem xét khoản trợ cấp 1 tỷ USD cho các nhà cung cấp dịch vụ mạng ở vùng nông thôn Mỹ để thay thế và loại bỏ thiết bị mạng từ công ty Trung Quốc. Trong điều kiện Quốc hội không hành động, FCC có thể tự khai thác quỹ để hỗ trợ các nhà mạng nói trên.

Cho đến nay, khoảng 10 nhà mạng viễn thông ở vùng nông thôn Mỹ đã làm việc với Ericsson và Nokia để tìm phương án thay thế cho các công ty Trung Quốc, tin tức từ Reuters. Tuy nhiên, mức giá cao hơn hẳn là thách thức mà các nhà mạng Mỹ hiện đang phải đối mặt.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục