Bí quyết giúp Chủ tịch Thế giới di động Nguyễn Đức Tài gây dựng đế chế tỷ đô?
Không chấp nhận nhân viên chỉ chăm chăm nhìn ví khách hàng
Năm 1995, trở về từ Pháp với tấm bằng thạc sỹ tài chính, Nguyễn Đức Tài làm giám đốc tài chính cho một tập đoàn của Thụy Sĩ. Khi đó, ông mới hơn 20 tuổi nhưng đã có xe hơi đưa đón, được cấp xe riêng. "Lúc đó tôi trộm nghĩ, có khi đến năm 40 tuổi lên chức lại được cấp máy bay riêng đi làm. Nhưng chẳng lẽ làm công ăn lương suốt cả đời, tôi thì không muốn mọi thứ yên bình như vậy", ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ.
Cũng chính vì ý nghĩ này, năm 2003, ông khởi nghiệp bằng 3 cửa hàng điện thoại di động và đến 2004 ông cùng 4 cộng sự thành lập CTCP Thế giới di động với số vốn khoảng 2 tỷ đồng (trong đó ông góp 700 triệu đồng). Và từ số vốn ban đầu đó, Nguyễn Đức Tài đã xây dựng doanh nghiệp trở thành một trong số những công ty tỉ USD đầu tiên của Việt Nam.
"Ở tuổi này, nếu cho khởi nghiệp lại, tôi không dám nữa bởi rủi ro nhiều quá. Thực ra, không có độ tuổi nào quy chuẩn cho khởi nghiệp nhưng tôi nghĩ đừng quá già hoặc quá trẻ. Bởi nếu quá trẻ thì tính bồng bột, chủ quan dễ thất bại, dễ nản lòng; còn già quá khi thất bại mình không có cơ hội làm lại"", ông Tài nói.
Ông Tài cho biết, mỗi năm Thế giới di động phát triển cả nhìn cửa hàng và hiện có khoảng 50.000 nhân viên. "Vậy làm thế nào để 50.000 con người này sống cùng lý tưởng và niềm tin để phát triển", ông Tài đặt vấn đề.
Cần có rất nhiều yếu tố để phát triển doanh nghiệp như mô hình kinh doanh, vốn hay văn hoá doanh nghiệp, nhưng với Chủ tịch Thế Giới Di Động Nguyễn Đức Tài, một đội ngũ với động lực mạnh mẽ là yếu tố duy nhất và là xuất phát điểm của mọi thứ.
Đó cũng là thứ giúp ông Tài có được sự thay đổi rất lớn trong tư duy từ "tiết kiệm để làm giàu" sang "phục vụ để làm giàu". Đội ngũ đó là những người giúp ông tạo nên mô hình kinh doanh mới mang lại sự đột phá từ xuất phát điểm với số vốn ít ỏi 2 tỷ đồng xây dựng nên một đế chế gần 5 tỷ USD doanh thu trong năm nay.
Theo Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động Nguyễn Đức Tài, để doanh nghiệp có thể đi lâu và đứng vững được trên thị trường thì điều quan trọng nhất chính là văn hóa doanh nghiệp. Nếu không có văn hóa "ngon lành" thì khi khách hàng quay lưng, doanh nghiệp sẽ chết.
Ông Tài tiết lộ chính những giá trị, phẩm chất cốt lõi của nhân viên sẽ giúp doanh nghiệp phát triển. Điều này càng quan trọng khi mục tiêu của Thế Giới Di Động là trở thành "đế chế" bán lẻ trong tương lai. Theo ông Tài, văn hóa doanh nghiệp là sẽ không chấp nhận được những nhân viên chỉ chăm chăm nhìn vào túi của khách, dày hay mỏng, rút được bao nhiêu mới bán hàng. Ví dụ, nếu khách muốn mua một chiếc máy tính bình dân, nhân viên vẫn phải tận tình hỗ trợ. Việc kéo họ sang một chiếc máy tính cao cấp là thất bại.
"Chúng tôi luôn đặt sự hài lòng của khách hàng là ưu tiên số 1 trong mọi suy nghĩ và hành động. Các nhân viên của tôi luôn phải tận tâm với khách, điều này khác với số tiền họ mang lại"", ông Tài nói.
Với giá trị đề cao vai trò khách hàng, Chủ tịch Thế Giới Di Động cho rằng các nhân viên không phù hợp với tiêu chí công ty đề ra nên tìm những công ty chú trọng về doanh số, thay vì ở lại làm việc cho Thế Giới Di Động.
"Nhân viên của tôi không được phép để khách hàng ra về trong sự bực bội. Hãy thử nghĩ xem, hôm nay bạn dành thời gian đến thăm một người bạn, nhưng vì chuyện gì đó, bạn lại ra về trong sự không thoải mái và tức giận thì bạn sẽ không bao giờ quay lại nơi đó nữa", ông Tài nói thêm.
Trong một chia sẻ mới đây, người sáng lập Thế Giới Di Động cũng cho biết thêm khi khách hàng mang một sản phẩm bất kì ra đổi trả, các nhân viên của ông chỉ được phép hỏi một câu duy nhất: "Anh/chị cần em giúp gì nữa không". Việc này nhằm đảm bảo tâm lý thoải mái cho khách, thay vì đi tìm hiểu vì sao khách muốn đổi, các giấy tờ như giấy bảo hành còn giữ hay không.
"20 năm tới, Thế Giới Di Động sẽ là một đế chế bán lẻ. Chúng tôi không chỉ ngồi đây mà còn đi ra thế giới. Quan niệm của chúng tôi không quá quan trọng online hay offline trong thời buổi công nghệ. Với bán lẻ, phải trả lời được câu hỏi của khách: "Ông có cái tôi đang cần hay không", ông Nguyễn Đức Tài khẳng định.
Để làm được điều này, ông Tài cho rằng gần 50.000 nhân viên của TGDĐ phải có cùng suy nghĩ và hành động hướng về tầm nhìn, văn hóa, niềm tin của công ty. "Thế Giới Di Động sẵn sàng tạo môi trường để cá nước ngọt bơi tung tăng trong nước ngọt", ông Tài nói.
Quản trị từ tâm
Gây dựng Thế Giới Di Động khi đã có nhiều năm chinh chiến trên thương trường, làm lãnh đạo ở nhiều tập đoàn lớn và bắt đầu từ pháp trị, song với triết lý quản trị của ông Nguyễn Đức Tài, sự thật lòng và niềm tin vào con người là những điều cốt lõi để tạo nên một nền pháp trị từ tâm đầy tình người. Đó cũng chính là cơ sở tạo nên nền tảng nhân trị ở Thế Giới Di Động.
Ông Tài cho rằng niềm tin phải vững thì mới đưa ra được những quyết định không giống ai như ở Thế Giới Di Động. Ông Tài chia sẻ, năm nay dự kiến tổng kết của Thế giới di động với lợi nhuận tăng trưởng trên 30%. Ông chia sẻ, "Giờ trong túi rủng rỉnh có 200 tỷ đồng chưa biết làm gì, hay Noel này chuyển khoản cho mỗi em 1 tháng lương mà không cần đánh giá, không cần lý do".
Theo ông Tài, với nhân viên ở các doanh nghiệp, vào một ngày đẹp trời mà tiếng chuông điện thoại réo tin nhắn báo tài khoản vừa được cộng 5 triệu đồng tiền thưởng vì công ty làm ăn tốt, ngày đó doanh nghiệp sẽ có một đội ngũ khác thường. Còn ngày nào vẫn còn suy nghĩ trong đầu rằng cho đi mới nhận lại thì bản chất vẫn là mua – bán.
Để xây dựng được một doanh nghiệp có niềm tin và yêu thương, theo ông Tài, cần xuất phát từ lòng biết ơn. Ông Tài cho rằng những ngày ông tham gia các buổi chia sẻ một cách thoải mái và bình an vì có 50 nghìn con người hàng ngày đang nỗ lực đem lại sự hài lòng và niềm vui cho khách.
"Một mình tôi chẳng thể làm được điều đó. Tách ra từng thứ tôi là kẻ bất tài vô dụng, chẳng là cái gì trong cuộc đời này cả", ông Tài nhìn nhận.
Ông Tài cho rằng trong một doanh nghiệp, không nên có kiểu quan hệ người lao động và người sử dụng lao động. Bởi khi đó, quan hệ giữa ông chủ và nhân viên sẽ trở thành một quan hệ mua bán – một người mua sức lao động, một người bán sức lao động, thì tất yếu một bên muốn mua rẻ và một bên muốn bán đắt.
Kẻ muốn mua rẻ thật thì phải có chiêu trò, kẻ muốn bán đắt cũng phải giở chiêu trò, và doanh nghiệp đó chỉ toàn một tổ hợp những người giở chiêu trò để mua rẻ và bán đắt cho nhau. "Chừng nào các bạn thay đổi quan hệ đó thành quan hệ đồng hành. Chúng ta cùng nhau đồng hành và nếu có thành quả thì chúng ta cùng nhau chia sẻ. Khi đó, doanh nghiệp sẽ đi rất nhanh", ông Tài nói.
"Để giữ nhân viên, các công ty nhân sự có rất nhiều "chiêu" nhưng ở Thế giới di động thì không", ông Tài nói. Ông Tài chia sẻ, ông đã xây dựng chính sách đãi ngộ từ tâm thay vì đãi ngộ một cách kỹ thuật. Người đàn ông này kể lại, khi còn làm cho một tập đoàn đa quốc gia, ông được cho vay 700 triệu đồng để mua nhà nhưng phải ký vào hợp đồng làm việc trong 5 năm, đó là kỹ thuật giữ người. Nhưng ở Thế Giới Di Động, khi doanh nghiệp chưa lên sàn, nhân viên đã được cho vay tiền mua nhà, mua xe mà không cần trả lãi, cũng không hề có ràng buộc. Đó là sự khác biệt.
"Có nhiều chiêu trò để giữ người nhưng chúng tôi đơn giản muốn làm điều tốt đẹp cho nhân viên", ông Tài khẳng định. Chẳng hạn, khi xây văn phòng, phải tạo một không gian thoải mái cho nhân viên, trên tầng còn có phòng cho tài xế nghỉ ngơi. Làm những điều này phải xuất phát từ tâm chứ không phải nhằm mục tiêu giữ người.
Nói thêm về niềm tin và chế độ đãi ngộ, ông Tài cho rằng có hai khoản phí chi ra mà ông không bao giờ tiếc đó là chi cho nhân viên và chi cho khách hàng. Ông Tài kể lại, nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập công ty, ông đã chi 800 tỷ đồng để giảm giá trong một tháng. Ông Tài cho biết không tính là khoản phí vì tin rằng làm điều tốt cho ai đó thì người ta sẽ không quay lưng lại với mình. Với nhân viên, khi điều kiện kinh doanh cho phép, ông luôn nỗ lực để chi cho nhân viên.
Chủ tịch Thế Giới Di Động cho biết, nếu làm khoảng 7 năm ở doanh nghiệp nước ngoài với quản lý cấp cao có thể được thưởng tới 4 tháng lương nhưng ở Thế giới di động, với nhân viên kế toán bình thường có khi nhận thưởng tới 10 tháng lương. "Tôi không muốn khoe khoang, nhưng ở công ty chúng tôi có người đã nhận mười mấy tỉ đồng, gấp rất nhiều lần so với khối doanh nghiệp nước ngoài", ông Tài tiết lộ.
"Đội ngũ của các bạn, dành 8-10 tiếng/ngày, họ làm cho bạn 5 năm, 10 năm, thậm chí cả tuổi xuân đóng góp cho các bạn. Họ dành nửa đời người để đi làm với bạn, không lẽ bạn không lo được nhà, xe… cho người ta? Đó là một nỗi đau, nặng nề hơn là nỗi nhục của người lãnh đạo. Với tôi, làm 20 năm là quá nhiều. Không tạo được điều tử tế thì bạn làm được gì cho cuộc đời", ông Tài nói.