BIDV: Năm 2022 lợi nhuận dự kiến 19,4 nghìn tỷ đồng, dịch chuyển sang cho vay bán lẻ dần rõ nét
Nội dung đại hội bao gồm: thông qua Báo cáo tổng kết hoạt động của Hội đồng quản trị giai đoạn 2017 – 2021, định hướng hoạt động 2022 – 2027 và trọng tâm hoạt động năm 2022; thông qua Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2021 và định hướng kế hoạch kinh doanh năm 2022; Thông qua báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 đã được kiểm toán, phương án trích lập các quỹ, phân phối lợi nhuận và chi trả cổ tức năm 2021.
Lợi nhuận BIDV dự kiến 19,4 nghìn tỷ đồng năm 2022
Liên quan đến kết quả kinh doanh năm 2022 của BIDV, tại báo cáo vừa phát hành, các chuyên gia chứng khoán SSI ước tính, BIDV sẽ đạt 19,4 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2022, tăng 42,4% so với cùng kỳ.
Kết quả này được đưa ra với một số giả định như tăng trưởng tín dụng của ngân hàng ở mức 10% so với cùng kỳ, tương đương với hạn mức tăng trưởng tín dụng hiện hành, đồng thời tăng trưởng tiền gửi ở mức 10,4%.
Bên cạnh có, NIM giảm 12 điểm cơ bản do lãi suất huy động tăng nhẹ và BIDV duy trì hệ số LDR quanh mức hiện tại. Thu nhập phí ròng (NFI) tăng 9% so với cùng kỳ, thấp hơn năm trước do thực hiện chương trình dịch vụ không thu phí và các chi phí phát sinh khi chuyển đổi thẻ chip; Chi phí dự phòng ở mức 25 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 1,32%; Hệ số CIR tăng lên 35% do chi phí cho nhân viên và quản lý khôi phục về mức trước dịch Covid-19,...
Theo quan điểm của SSI, hệ số an toàn vốn hạn chế là rào cản khiến tăng trưởng tín dụng của BIDV ở mức thấp hơn so với các ngân hàng cùng ngành trong 3 năm qua.
Năm 2021, tăng trưởng tín dụng tại BIDV và toàn ngành lần lượt đạt 11,2% và 13,6% so với cùng kỳ. Thị phần cho vay của ngân hàng dần dần thu hẹp từ 14% trong năm 2018 xuống 13,1% trong năm 2021, nhưng mảng cho vay bán lẻ mở rộng khá tốt.
Năm 2021, cho vay cá nhân tăng 21,7% so với cùng kỳ đạt 538,5 nghìn tỷ đồng – đây là mức dư nợ lớn nhất trong toàn hệ thống, trong khi cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và cho vay doanh nghiệp lớn (CIB) lần lượt chỉ tăng 1,3% và 8,6% so với cùng kỳ. Lần đầu tiên dư nợ cho vay cá nhân cao hơn dư nợ cho vay CIB và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng dư nợ.
Cụ thể, tỷ trọng cho vay cá nhân chiếm 39,8%; SME chiếm 22,8%; và CIB chiếm 37,5% tại ngày 31/12/2021. BIDV đặt mục tiêu tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ trên tổng dư nợ có khả năng sẽ lên mức 50% trong năm 2025.
Cho vay thương mại/sản xuất và cho vay mua nhà vẫn là hai mảng lớn nhất của cho vay bán lẻ (lần lượt chiếm 43,8% và 32,2% tại thời điểm cuối Q4/2021) nhưng có phần thu hẹp hơn so với cuối Q4/2020 (lần lượt là 44,3% và 33,5%). Trong khi đó, cho vay tiêu dùng tăng 33% so với cùng kỳ, khiến tỷ trọng cho vay tiêu dùng tăng mạnh lên 23,5% trong năm 2021 từ mức 21,5% trong năm 2020.
Điều này cho thấy, sự chuyển dịch sang cho vay bán lẻ dần rõ nét tại BIDV.
Nhu cầu vốn của BIDV sẽ vẫn duy trì ở mức cao trong dài hạn
Năm 2022, BIDV vẫn giữ nguyên kế hoạch phát hành 8,5% cổ phiếu để tăng vốn. Ngân hàng cũng dự định phát hành trái phiếu chuyển đổi để cải thiện hệ số CAR.
Nhìn lại, việc tăng 17,6% vốn chủ sở hữu vào cuối năm 2019 cũng chỉ giải tỏa nhu cầu vốn của BIDV trong 1-2 năm qua, vì vậy các chuyên gia SSI tin rằng dù kế hoạch phát hành hoàn tất trong năm nay, nhu cầu vốn của BIDV sẽ vẫn duy trì ở mức cao trong dài hạn.
Về định giá, SSI tăng giá mục tiêu 12 tháng của cổ phiếu BID lên 42.300 đồng/cổ phiếu (từ 41.100 đồng/cổ phiếu), dựa trên hệ số P/B mục tiêu không đổi là 2,2x tính cho BVPS 2022 và giả định Ngân hàng sẽ phát hành thêm 5% cổ phiếu với mức giá là 40.000 đồng/cp.