Biến động bên Tây, trái cây Việt gặp khó dội chợ, rẻ như rau
Tắc đường sang Mỹ - Trung
Những ngày này, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây đứng ngồi không yên vì mặt hàng này không thể xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Từ tháng 3, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Mỹ đã yêu cầu nhân viên bản xứ phải quay về nước, trong đó có nhân viên của Cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS - đơn vị trực tiếp kiểm dịch, giám sát quy trình tại Nhà máy chiếu xạ Sơn Sơn ở TP.HCM).
Khi nhân viên của APHIS về nước, đại sứ Mỹ tại Việt Nam được ủy quyền theo dõi việc chiếu xạ, nhưng mỗi ngày chỉ làm việc 2 tiếng. Đáng chú ý, từ 7/8, do không phải chuyên môn của đại sứ Mỹ nên họ ngừng tiếp nhận việc kiểm dịch, kéo theo việc chiếu xạ bị ngưng trệ, xuất khẩu trái cây sang Mỹ ách tắc.
Bà Ngô Tường Vy - Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cho biết, các đơn hàng giao cho khách phía Mỹ đang bị ngưng lại, doanh nghiệp rất khó thu mua nguyên liệu cho nông dân.
Hiện chỉ có thể chờ đợi phía Mỹ bố trí người sang Việt Nam để khâu chiếu xạ vận hành trở lại chứ không thể làm được gì khác, bà chia sẻ.
Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên nhận định, nếu việc ách tắc kéo dài sẽ ảnh hưởng tới doanh nghiệp xuất khẩu trái cây sang Mỹ. Đặc biệt, doanh nghiệp đã ký hợp đồng bao tiêu trái cây cho nông dân sẽ lỗ. Bởi kể cả không xuất được, họ vẫn phải trả tiền cho nông dân.
Không chỉ “tắc đường” sang Mỹ, dịch Covi-19 khiến hoạt động xuất khẩu rau quả bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho thấy, 7 tháng năm 2020, xuất khẩu rau quả chỉ đạt gần 2 tỷ USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Đáng chú ý, Trung Quốc vẫn đứng thứ thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020 với 59,4% thị phần. Song, nửa đầu năm nay, lượng rau quả xuất sang thị trường 1,4 tỷ dân này lại giảm tới 29,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lãnh đạo tỉnh Sơn La cho hay, sản lượng nhãn của Sơn La khoảng 75.000 tấn, xuất khẩu chỉ chiếm 1.500 tấn. Với nhãn xuất khẩu chính ngạch, thị trường tiêu thụ lớn nhất là Trung Quốc đặt ra tiêu chí, điều kiện phải có mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nhưng diện tích này không nhiều. Trong khi, xuất khẩu nhãn tiểu ngạch qua các chợ biên giới hiện cũng ngưng trệ do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Trái cây dội chợ, giá rẻ như rau
Nhãn trúng mùa nhưng chưa có năm nào người nông dân lại gặp khó khăn trong vấn đề tiêu thụ như năm nay. Có thời điểm giá giảm còn 5.000 đồng/kg, vị lãnh đạo tỉnh Sơn La thừa nhận.
Hiện ở Hà Nội, nhãn lồng Hưng Yên, Sơn La được bày bán la liệt, chất đống với giá siêu rẻ, chỉ từ 15.000-30.000 đồng/kg tùy loại. Nhà vườn, tiểu thương bán nhãn đều thừa nhận giá nhãn rẻ chưa từng có.
Việc gặp khó trong xuất khẩu cũng khiến giá hàng loạt mặt hàng trái cây giảm mạnh, có loại giá chạm đáy rẻ hơn giá rau ngoài chợ.
Đầu tháng 8 vừa qua, nhà vườn trồng thanh long tại xã Mỹ Thạnh (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) phải bán 3.000 đồng/kg, trong khi tháng trước giá xuất bán tại vườn vẫn ở mức 15.000-16.000 đồng/kg.
Nhiều nhà vườn trồng thanh long ở Đồng Nai cũng đang lo sợ đổ nợ vì hàng tấn thanh long không xuất bán được, trong khi giá thanh long ruột trắng giảm chỉ còn 1.000 đồng, thanh long ruột đỏ 2.000-5.000 đồng/kg. Nông dân trồng thanh long tại xã Cư Êbur (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cũng khóc ròng vì giá giảm chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg.
Thời điểm giữa tháng 7, tại một số tỉnh ĐBSCL, giá mít Thái giảm xuống mức 6.000-7.000 đồng/kg. Ở Đồng Nai, giá chuối già xuất khẩu bán tại vườn giảm mạnh, chỉ còn từ 3.000-4.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều lần so với mức giá 15.000-16.000 đồng/kg vào thời điểm mặt hàng này xuất khẩu tốt.
Trước việc hàng loạt trái cây dội chợ, giá giảm mạnh do bí đầu ra, ngày 5/8, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đã có buổi làm việc cùng ông Hồ Tỏa Cẩm - Tham tán Phòng Tham tán Kinh tế thương mại (Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam) về việc tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, trong đó, có nhãn lồng Hưng Yên đang vào vụ thu hoạch chính.
Để hỗ trợ nông dân tiêu thụ nhãn, Sở Công Thương Hưng Yên tích cực kết nối, mời gọi doanh nghiệp hỗ trợ tiêu thụ nhãn tươi; tổ chức hội nghị trực tuyến với doanh nhân Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu nhãn. Bên cạnh đó, Hưng Yên đang có chính sách hỗ trợ kinh phí mua máy sấy để nâng công suất chế biến long nhãn, giảm áp lực tiêu thụ cho quả nhãn tươi.
Tương tự, ngoài việc hỗ trợ các cơ sở chế biến long nhãn, tỉnh Sơn la cũng đẩy mạnh tiêu thụ nhãn tại thị trường trong nước, chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường Lào và Campuchia với số lượng lớn.
Đối với thị trường Mỹ, ông Nguyễn Quang Hiếu - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết, từ cuối tháng 7, APHIS đã đồng ý cử nhân viên sang Việt Nam để kiểm dịch cho các lô hàng trái cây tươi xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, dịch Covid-19 tái phát nên việc cấp phép thủ tục lên máy bay gặp khó khăn từ cả hai phía.
Cục Bảo vệ thực vật đang nỗ lực tìm chỗ trên một số chuyến bay của Asiana, Korean Air, Nippon Airlines và các chuyến bay của bảo hộ công dân... để nhân viên kiểm dịch của APHIS sang Việt Nam sớm nhất có thể, ông Hiếu cho hay.