Biến thể Delta tiếp tục làm chệch hướng đà phục hồi của Đông Nam Á

04/09/2021 14:55 GMT+7
Các quốc gia Đông Nam Á đang nỗ lực kiểm soát đại dịch Covid-19 trong bối cảnh số ca nhiễm mới tăng vọt do biến thể Delta dễ lây lan và tỷ lệ tiêm chủng vẫn còn ở mức thấp.

Chỉ số phục hồi Covid-19 do Nikkei theo dõi cho thấy cuộc khủng hoảng đại dịch vẫn còn là thách thức lớn với các quốc gia Đông Nam Á hiện tại. Chỉ số này theo dõi hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới về việc kiểm soát đại dịch, tiêm chủng vắc xin và tính di động của xã hội (một thước đo phản ánh mức độ ảnh hưởng của các biện pháp hạn chế kiểm dịch với nền kinh tế). Quốc gia có xếp hạng càng cao thì càng gần với khả năng phục hồi do số ca nhiễm mới thấp, tỷ lệ tiêm chủng cao kết hợp với các biện pháp kiểm dịch ít nghiêm ngặt hơn.

Việt Nam, Philippines, Myanmar và Thái Lan chiếm bốn vị trí cuối cùng trong bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi Covid-19 mới nhất mà Nikkei công bố. Trong khi đó Malaysia đứng ở vị trí thứ bảy từ dưới lên.

Tại Việt Nam, thống kê của  Tổ chức Y tế Thế giới WHO ghi nhận hơn 87.000 ca nhiễm mới trong tuần cuối cùng của tháng 8. 40% số ca nhiễm mới trong đó tập trung ở thành phố Hồ Chí Minh. Chính phủ hiện vẫn đang ban hành các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt tại nhiều thành phố, trung tâm kinh tế lớn trên cả nước bao gồm thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều tổ chức nghiên cứu đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong bối cảnh các biện pháp hạn chế kiểm dịch kéo dài, tác động lớn đến hoạt động kinh tế.

Biến thể Delta tiếp tục làm chệch hướng đà phục hồi của Đông Nam Á - Ảnh 1.

Biến thể Delta tiếp tục làm chệch hướng đà phục hồi của Đông Nam Á (Ảnh: Reuters)

Là một tâm chấn dịch bệnh ở Đông Nam Á, Philippines hiện báo cáo số ca nhiễm mới kỷ lục 22.366 ca vào đầu tuần này khi làn sóng dịch bệnh mới do biến thể Delta dễ lây lan càn quét khắp đất nước. Chính phủ Philippines cũng đang áp dụng nhiều biện pháp hạn chế kiểm dịch cho thủ đô Manila và một số tỉnh nơi số ca nhiễm mới cao đáng kể.

Tại Thái Lan, số ca nhiễm mới Covid-19 đã giảm từ mức kỷ lục hơn 20.000 ca trong những tuần gần đây, nhưng nhìn chung vẫn ở mức đáng báo động. Dù vậy, chính phủ Thái Lan đã dỡ bỏ hầu hết các hạn chế trong lĩnh vực bán lẻ và ăn uống nhằm vực dậy nền kinh tế và hạn chế tổn thất với đà phục hồi. Các nhà chức trách cũng đã cho phép một số chuyến bay nội địa đến và đi từ Bangkok cũng như một số khu vực khác. Dữ liệu từ công ty phân tích hàng không Cirium cho thấy mật độ các chuyến bay trong tháng 8 đã giảm mạnh 95% so với thời điểm trước đại dịch.

Tại Indonesia, nơi từng được mệnh danh là ổ dịch nghiêm trọng bậc nhất thế giới hồi tháng 7, tình hình đã được cải thiện. Thủ đô Jakarta được thiết lập để dỡ bỏ các hạn chế trong những tuần tới vì các ca bệnh tiếp tục giảm và một nửa dân số đã được tiêm phòng đầy đủ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều mối lo ngại khi số ca nhiễm vẫn rải rác khắp quần đảo rộng lớn, đặc biệt là ở những vùng xa xôi. Thêm vào đó, có nhiều dấu hiệu cho thấy đà phục hồi của Indonesia không đồng đều về mặt địa lý. 

Các nhà phân tích nhận định làn sóng dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều quốc gia Đông Nam Á hiện tại do biến thể delta dễ lây lan đang gây sức ép lớn lên các hoạt động kinh doanh trong khu vực và đe dọa làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới Toyota Motor đã buộc phải tạm dừng hoạt động ba nhà máy ở Thái Lan hồi cuối tháng 7 khi số ca nhiễm mới Covid-19 tại quốc gia này tăng mạnh. Hãng ô tô Nhật Bản cũng không thể mua thêm phụ tùng khi các ca nhiễm mới tăng lên tại nhiều quốc gia trong khu vực khác, đe dọa chuỗi cung ứng của các nhà cung cấp. Noriaki Yamashita, chủ tịch công ty con Toyota Motor chi nhánh Thái Lan khi đó cho hay: “Đại dịch Covid-19 tiếp tục tác động đáng kể đến ngành công nghiệp ô tô của Thái Lan, đặc biệt khi làn sóng dịch gần đây nghiêm trọng hơn nhiều so với dự báo”. 

Đầu tháng 8, Panasonic, tập đoàn sản xuất  linh kiện điện tử và thiết bị gia dụng ở Đông Nam Á cũng báo cáo công suất hoạt động tại Indonesia chưa bằng 1/2 thời điểm bình thường. Còn tại Malaysia, hiện chỉ có khoảng 60% nhân viên và người lao động còn làm việc do một số nhà máy buộc phải tạm dừng hoạt động. “Giấy phép hoạt động được cấp hàng tuần”, do đó công ty không còn lựa chọn nào khác ngoài việc điều chỉnh lịch sản xuất dựa trên sắc lệnh của chính quyền sở tại, theo Giám đốc Tài chính Hirokazu Umeda của Panasonic.

Nhìn chung, các doanh nghiệp Nhật Bản đang chịu ảnh hưởng nặng nề do đặt dây chuyền sản xuất linh kiện chủ yếu tại các quốc gia Đông Nam Á. Năm ngoái, thị trường ASEAN chiếm tới khoảng 16% tổng kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản. Hiroki Totoki, Phó chủ tịch điều hành của Tập đoàn Sony nhận định: “Thật khó để dự báo toàn bộ tác động của làn sóng dịch bệnh hiện tại đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và chuỗi cung ứng”.

Không riêng các quốc gia Đông Nam Á, ngay cả những nước có tốc độ tiêm chủng nhanh chóng như Mỹ và Israel cũng tụt hạng trong bảng theo dõi của Nikkei khi số ca nhiễm mới tăng nhanh trở lại. Cả Mỹ và Israel đều đang triển khai tiêm chủng liều vắc xin bổ sung thứ 3 để tăng cường hệ miễn dịch cho người dân.


NTTD
Cùng chuyên mục