Biểu đồ so sánh kinh tế Mỹ Trung năm thứ hai của chiến tranh thương mại

02/01/2020 14:05 GMT+7
Tờ CNBC mới đây vừa đưa ra 6 biểu đồ so sánh nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc trong năm 2019, năm thứ hai diễn ra cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Tăng trưởng kinh tế giảm tốc

Loạt biểu đồ so sánh kinh tế Mỹ Trung năm 2019 - năm thứ hai của chiến tranh thương mại - Ảnh 1.

Biểu đồ tăng trưởng kinh tế của Mỹ (xanh) và Trung Quốc (vàng) trước và trong thương chiến Mỹ Trung (tính đến hết quý III/2019)

Tăng trưởng GDP - thước đo mức độ mở rộng hoặc co hẹp của các nền kinh tế - đã chậm lại ở cả Mỹ và Trung Quốc trong năm 2020.

Một số nhà kinh tế dự đoán tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ước đạt 6,2% trong toàn năm 2020 sau khi rơi xuống mức thấp nhất 27 năm vào quý III/2019 do tác động nặng nề của thương chiến Mỹ Trung, thuế quan trừng phạt và hàng loạt rủi ro địa chính trị trên toàn cầu.

Tại Mỹ, tăng trưởng kinh tế vẫn giảm so với kỳ vọng bất chấp tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong 50 năm và thị trường chứng khoán liên tục lập đỉnh lịch sử.

Sự giảm tốc của cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tạo thêm áp lực cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay.

Kim ngạch thương mại đi lùi

Loạt biểu đồ so sánh kinh tế Mỹ Trung năm 2019 - năm thứ hai của chiến tranh thương mại - Ảnh 2.

So sánh kim ngạch thương mại năm 2018 (xanh) và 2019 (vàng) của Mỹ và Trung Quốc

Kim ngạch xuất nhập khẩu của cả hai quốc gia đều đi lùi trong 10 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này xảy ra trong bối cảnh giao dịch thương mại giảm tốc trên toàn cầu, một xu hướng đã được cảnh báo ngay từ trước khi chiến tranh thương mại Mỹ Trung bùng nổ.

Đáng chú ý là thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã giảm từ 344,5 tỷ USD năm 2018 xuống 294,5 tỷ USD trong năm 2019, theo dữ liệu của Cục Điều tra dân số Mỹ, dù tổng thâm hụt thương mại của nước Mỹ nhìn chung không đổi.

Sản xuất chịu áp lực nặng nề

Loạt biểu đồ so sánh kinh tế Mỹ Trung năm 2019 - năm thứ hai của chiến tranh thương mại - Ảnh 3.

PMI sản xuất của Mỹ (xanh) lao dốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại

Lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc và Mỹ dường như là một trong những lĩnh vực chịu nhiều sức ép nhất trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chững lại, nhu cầu suy yếu. Cuộc chiến tranh thương mại kéo dài 18 tháng cũng gây thêm áp lực nặng nề cho các doanh nghiệp sản xuất của hai quốc gia.

Chỉ số quản lý thu mua PMI trong lĩnh vực sản xuất cả Trung Quốc đã nằm dưới mức trung lập 50 gần như cả năm. (PMI trên 50 thể hiện sự mở rộng của ngành trong khi PMI dưới 50 phản ánh sự thu hẹp).

Tại Mỹ, chỉ số PMI sản xuất được thống kê bởi Viện Quản lý cung ứng cũng cho thấy sự co hẹp từ khoảng tháng 8/2019.

Chi tiêu tiêu dùng vững mạnh

Loạt biểu đồ so sánh kinh tế Mỹ Trung năm 2019 - năm thứ hai của chiến tranh thương mại - Ảnh 4.

Tăng trưởng doanh số bán lẻ của Mỹ (xanh) và Trung Quốc (vàng)

Chi tiêu tiêu dùng ở cả Mỹ và Trung Quốc đều được nhận định là những điểm sáng duy nhất tạo cơ sở cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2019

Tại Mỹ, thị trường lao động ổn định, lương bình quân tăng đã kích thích nhu cầu tiêu dùng trong ngắn hạn nhờ tâm lý lạc quan trên hầu hết thị trường. Doanh số bán lẻ của Mỹ dự kiến đã tăng 3,3% trong năm sau mùa sale nghỉ lễ khởi sắc. Trung Quốc cũng chứng kiến nhu cầu phục hồi dịp cuối năm, với doanh số bán lẻ tăng vọt 8% sau ngày lễ Độc thân và Black Friday.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo sự lạc quan của người tiêu dùng có thể sẽ không kéo dài lâu, sau khi giá thịt lợn Trung Quốc tăng gấp đôi ảnh hưởng đến lạm phát tiêu dùng. Còn tại Mỹ, thuế quan bổ sung mà Mỹ áp lên hàng tiêu dùng nhập khẩu Trung Quốc nhiều khả năng sẽ làm giảm chi tiêu tiêu dùng của người dân, nhận định của ông Francis Tan, chiến lược gia đầu tư tại Ngân hàng tư nhân Singapore UOB.

Thị trường tài chính biến động

Loạt biểu đồ so sánh kinh tế Mỹ Trung năm 2019 - năm thứ hai của chiến tranh thương mại - Ảnh 5.

Trong khi đồng USD duy trì tỷ giá ổn định (xanh), NDT lại mất giá mạnh mẽ (vàng)

Trong khi nền kinh tế ổn định của Mỹ tiếp tục trở thành động lực cho đồng USD mạnh, đồng NDT của Trung Quốc lại mất giá trong hầu hết năm. Bộ Thương mại Mỹ từng cáo buộc Bắc Kinh thao túng tiền tệ, dù Quỹ tiền tệ Quốc tế khẳng định sự trượt giá của đồng NDT hồi quý III/2019, khi tỷ giá NDT/USD vượt ngưỡng tâm lý 7, là hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc thị trường.

Chứng khoán dậy sóng

Loạt biểu đồ so sánh kinh tế Mỹ Trung năm 2019 - năm thứ hai của chiến tranh thương mại - Ảnh 6.

S&P 500 vượt đỉnh lịch sử 3.200, tăng 28,9% trong năm 2019 trong khi Shanghai Composite tăng 22,3% trong năm

3 lần cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cùng với sự giảm nhiệt của thương chiến Mỹ Trung đã đưa chứng khoán Mỹ vượt đỉnh lịch sử bất chấp doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp vẫn chưa thể phục hồi.

Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite cũng ghi nhận mức tăng trưởng hai con số trong năm 2019.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục