Big C mở lại 150 đơn hàng, doanh nghiệp may mặc vẫn gặp khó
Big C cam kết mở lại 150 đơn hàng may mặc
Big C cam kết mở lại 150 đơn hàng trên tổng số 200 đơn hàng của doanh nghiệp may mặc Việt Nam.
Trong buổi làm việc với Bộ Công Thương, ngày hôm qua, đại diện Central Group đã cam kết mở lại đơn hàng cho 150 doanh nghiệp trên tổng số 200 doanh nghiệp dệt may. Trong đó, Big C sẽ mở lại ngay 50 đơn hàng và trong khoảng hai tuần tới sẽ mở thêm đơn hàng cho khoảng 100 nhà cung cấp may mặc khác.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng khẳng định: “Việc giải quyết của Big C với 200 doanh nghiệp may mặc phải căn cứ trên hợp đồng, tuân thủ các quy định của luật pháp Việt Nam. Chúng tôi hoan nghênh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI, nhưng kiên quyết bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp và người người tiêu dùng Việt Nam”.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, 50 nhà cung cấp được mở là những nhà cung cấp lớn nhất, 100 nhà cung cấp tiếp theo phải xem lại cơ cấu hàng hóa, kiểm tra lại xưởng sản xuất, còn 50 nhà cung cấp còn lại Big C bàn thảo thay đổi cơ cấu vì muốn kinh doanh hàng chất lượng cao hơn.
Bà Nga cũng cho biết thêm: “Họ không phàn nàn về chất lượng hàng may mặc của nhà cung cấp Việt Nam. Họ thay đổi chiến lược kinh doanh mới là siêu thị GO! Market với mặt bằng khác, mặt hàng kinh doanh chất lượng cao nhiều hơn. Đây là chiến lược kinh doanh mới của họ, mình tôn trọng quyết định đó và theo dõi họ có tuân thủ pháp luật Việt Nam không như luật cạnh tranh, luật dân sự, bảo vệ người tiêu dùng”.
Đại diện Central Group cũng khẳng định, tập đoàn chỉ tạm dừng mua hàng may mặc trong 15 ngày hoặc có thể kéo dài hơn do thay đổi chiến lược mới trong hàng may mặc tại hệ thống các siêu thị Big C.
Chiết khấu cao và giới hạn phạm vi, Big C có đang làm khó doanh nghiệp Việt?
Mặc dù Big C đã xem xét mở lại một số đơn hàng may mặc nhưng có lẽ vấn đề “đau đầu” nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam lúc này là cách giải quyết việc làm thế nào để tồn tại khi mức giá chiết khấu của siêu thị quá cao. Chiết khấu cao theo từng năm trong khi thu mua sản phẩm rẻ hơn, nhiều doanh nghiệp may mặc nhỏ và vừa Việt Nam dù hợp tác với Big C lâu năm vẫn buộc phải chấp nhận.
Đại diện Công ty May Đài Trang cho biết: "Chiết khấu tăng cao theo từng năm từ 0,5 - 1%, doanh nghiệp nào chịu đựng được, nhưng năm nay có thể tăng 2 - 5% trong khi họ mua sản phẩm của mình là mua đứt với giá tốt nhất. Hàng kí gửi còn được bán theo giá siêu thị nhưng đây là mua đứt, giá không đổi, thậm chí thu mua rẻ hơn cách đây hai năm".
Theo ông Vũ Vinh Phú – nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, Big C tăng chiết khấu đối với những nhà cung ứng hàng Việt lên 25 – 30% giá trị là giết chết doanh nghiệp Việt.
Không chỉ với các mặt hàng may mặc, trước đó, nhiều doanh nghiệp khác cũng đã phải bỏ đi vì không chịu đựng được việc “ép giá”. Thời điểm đầu năm 2016, hàng loạt doanh nghiệp của hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phải rút khỏi hệ thống siêu thị Big C do mức chiết khấu cao nhất lên đến 25%.
Bên cạnh đó, việc giới hạn phạm vi cũng khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh tại Big C rút bớt khỏi siêu thị. Vào tháng 9/2016, Thế Giới Di Động phải rút 22 cửa hàng khỏi hệ thống do chủ sở hữu Big C người Thái Lan đã mua 49% cổ phần của điện máy Nguyễn Kim. Từ đó, Nguyễn Kim trở thành đơn vị kinh doanh thay thế cho Thế Giới Di Động trong hệ thống Big C.
Ngoài Big C, tập đoàn Central Group còn là tập đoàn sở hữu một số thương hiệu lớn như Nguyễn Kim, Lanchi Mart,...
Tháo gỡ “nút thắt” cho doanh nghiệp Việt
Trước sự việc Big C Việt Nam tạm dừng nhập hàng may mặc Việt Nam, ông Vũ Vinh Phú – nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng cần phải sửa lại Luật cạnh tranh. Ông Phú nhấn mạnh: “Luật phải chỉnh sửa cho cụ thể và phải có cam kết khi đầu tư vào Việt Nam. Phải cạnh tranh bình đẳng, phải làm ăn minh bạch, công khai; không chuyển giá, trốn thuế và phải đối xử tử tế với các nhà cung ứng; nhất là nhà cung ứng Việt phải ưu tiên”.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng phải sửa đổi một số chính sách liên quan đến ưu đãi đầu từ nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ và quan tâm đúng mức đến doanh nghiệp Việt.
Về phía doanh nghiệp, ông Phú cho rằng các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần phải liên kết và quan tâm đến thị trường xuất khẩu và trong nước, quan tâm đến các tập đoàn mô hình bán lẻ khác trong nước. Ngoài ra, các doanh nghiệp dệt may cần phải cải tiến, chú trọng vào việc thiết kế mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm và trách nhiệm với người tiêu dùng.
Giải quyết vụ việc siêu thị Big C ngừng nhập hàng may mặc Việt Nam, phát biểu tại phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương chiều 4/7, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ Công Thương kiểm tra làm rõ nghi vấn Big C phân biệt đối xử với hàng Việt.
Cụ thể, Phó thủ tướng chỉ đạo: “Tôi đề nghị Bộ Công Thương kiểm tra, làm rõ xem có việc phân biệt đối xử với hàng hóa Việt Nam ngay trên lãnh thổ của mình hay không”.