Chủ tịch FPT nói về "cuộc chơi công nghệ" và cơ hội của Việt Nam
Phát biểu tại sự kiện ra mắt Liên minh Nhân lực chiến lược thực thi Nghị quyết 57 vào ngày 7/5, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ rằng ông đã suy nghĩ rất nhiều về một nội dung trong Nghị quyết số 68-NQ/TW vừa được Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành – đó là quan điểm: "Doanh nhân là chiến sĩ trên mặt trận kinh tế."
Theo Chủ tịch FPT, nếu những năm 1945, Việt Nam cần phong trào “Bình dân học vụ” để mọi người dân biết đọc, biết viết, thì ngày nay mỗi người đều cần biết sử dụng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo để có thể bắt kịp sự phát triển của thế giới.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình kì vọng vào nhân lực trẻ.
Trong đó, mỗi học sinh, sinh viên Việt Nam cần trang bị kiến thức về công nghệ, kỹ năng về AI và khả năng làm việc cùng chuyên gia quốc tế.
"Việt Nam cần khẩn trương chuẩn bị nguồn nhân lực trẻ có kiến thức, kỹ năng vững vàng về trí tuệ nhân tạo (AI), phát huy tinh thần toàn dân cùng tham gia – như đã từng làm nên kỳ tích trong thời kỳ kháng chiến. Từ Trung ương đến địa phương, từ chính quyền đến thanh niên – tất cả đều cần dấn thân đổi mới, cống hiến vì tương lai dân tộc", ông Trương Gia Bình nhìn nhận.
Đặc biệt, Chủ tịch FPT cho rằng: “Nếu không đào tạo được nhân lực AI, chúng ta sẽ đứng ngoài cuộc chơi công nghệ, còn nếu dẫn đầu trong đào tạo AI, Việt Nam sẽ vươn lên trở thành lực lượng lao động toàn cầu trong lĩnh vực này”.
Vì vậy, ông Bình mong muốn có sự cùng nhau sáng tạo, đào tạo ra lực lượng nhân lực mới, để khi thế giới còn đang lo ngại AI cướp đi việc làm, thì Việt Nam có thể vươn lên, trở thành lực lượng lao động toàn cầu trong lĩnh vực quản trị và trí tuệ nhân tạo. Đó vừa là sứ mệnh, là thách thức, nhưng cũng là cơ hội lớn nhất của chúng ta.
Tại sự kiện, GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng nêu quan điểm tương tự, rằng trong giai đoạn hiện nay, để phát triển đất nước, chúng ta chỉ còn một con đường duy nhất là nâng tầm công việc của người Việt lên những công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo GS.TS Chử Đức Trình, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia có thể có thời hạn, nhưng tinh thần của Nghị quyết là vĩnh viễn, luôn có giá trị dẫn dắt.
Bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ - Giám đốc Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), chia sẻ rằng yếu tố con người là chìa khóa để kết nối hiệu quả giữa các doanh nghiệp và nền kinh tế quốc gia.
Trong khi ông Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT bày tỏ, sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo đang tạo ra những thay đổi căn bản trong cách học, nội dung học và mục tiêu học.