Bình Dương phát triển du lịch sinh thái, du khách đến vườn bưởi không chỉ để ăn bưởi

Nguyên Vỹ Thứ bảy, ngày 09/07/2022 13:24 PM (GMT+7)
Có nhiều tiềm năng để phát triển, nhưng hiện nay tại các địa phương có khả năng phát triển du lịch sinh thái ở Bình Dương vẫn còn triển khai hoạt động này tự phát và manh mún.
Bình luận 0

Vườn bưởi ở xã Bạch Đằng (thị xã Tân Uyên) và vườn trái cây xã An Sơn (TP.Thuận An) là những vùng trồng cây ăn trái đặc sản cần định hướng phát triển du lịch sinh thái tốt hơn để góp phần cải thiện thu nhập cho người dân.

Đến vườn bưởi không chỉ để ăn bưởi

Ở thị xã Tân Uyên, xã Bạch Đằng nổi tiếng về sản phẩm bưởi. Thời gian qua, khi triển khai xây dựng nông thôn mới, và nhất là Quyết định 45 của UBND tỉnh Bình Dương, nghề trồng bưởi đã phát triển hơn trước. Các chủ vườn tiếp tục đầu tư để phát triển giống bưởi đường lá cam, và khôi phục lại giống bưởi ổi thất truyền.

Đa số người dân địa phương đều cho rằng xã Bạch Đằng có tiềm năng làm du lịch sinh thái. Trước hết, bưởi Bạch Đằng được công nhận nhãn mác tập thể. Kết hợp với HTX Bưởi Bạch Đằng, các nhà vườn có thể nhân rộng các mô hình trồng bưởi. 

Ông Dương Văn Minh - nông dân trồng bưởi ở xã Bạch Đằng cho biết, từ khi có nhãn hiệu, bưởi Bạch Đằng được nhiều người biết đến, giá bưởi cũng tăng lên.

gop/ Bình Dương phát triển du lịch sinh thái: Làm bài bản để níu chân khách - Ảnh 1.

Du khách tìm mua trái cây đặc sản ở xã An Sơn, TP.Thuận An. Ảnh: Nguyên Vỹ

Người dân tham gia cung ứng dịch vụ du lịch

TS Phan Thanh Bằng (Trường Đại học Thủ Dầu Một, Bình Dương) cho rằng, trong hoạt động du lịch sinh thái, lực lượng tham gia đông đảo nhất là nông dân và người dân tại địa phương. Các cơ quan, tổ chức cần giúp họ thay đổi tư duy sản xuất, thực hiện sản xuất sạch.

Người dân tại chỗ tham gia càng nhiều thì sản phẩm du lịch càng phong phú. Và khi thấy có lợi, người dân sẽ trở thành lực lượng bảo tồn và phát huy các sản phẩm, ngành nghề truyền thống của địa phương.

Xã Bạch Đằng hiện có sân golf Mekong Golf & Villas, có khả năng thu hút hơn 2.400 lượt khách đến tham quan du lịch và đánh golf mỗi năm. Từ đó, thương mại dịch vụ mới nổi lên như nhà hàng Bạch Đằng, quán xá mở ra để phục vụ cho khách. Các dịch vụ ăn uống, hàng quán tăng lên đáng kể. 

Tuy nhiên, theo ông Dương Văn Minh, nhận thức chung của người dân về du lịch sinh thái chưa đồng đều. Ngoài một số người chủ động nắm bắt xu hướng theo các chương trình đầu tư, du lịch nơi đây còn phát triển tự phát.

Ông Nguyễn Văn Nam - người dân xã Bạch Đằng kể, nhiều người thấy lâu lâu có khách đến vườn tham quan là nâng giá bưởi lên để kiếm lời. 

"Vì nhận thức hạn chế nên nhiều nhà vườn chưa có kinh nghiệm làm du lịch, chưa biết cách níu chân du khách" - ông Nam nói. Một điểm khác ở xã Bạch Đằng là đường xá đã được nâng cấp, mở rộng nhưng các cơ sở hạ tầng như khách sạn, nhà nghỉ phục vụ du lịch vẫn còn thiếu.

Theo ông Nam, khách du lịch đến đây không phải chỉ để ăn bưởi. Du khách còn cần các dịch vụ khác kèm theo. "Chẳng hạn như nhà nghỉ, khách sạn, rồi những khu vui chơi, giải trí. Chính quyền phải có chính sách đầu tư tốt hơn để thu hút du khách" - ông Nam nói.

Tìm lại danh tiếng vườn cây ăn trái Lái Thiêu

gop/ Bình Dương phát triển du lịch sinh thái: Làm bài bản để níu chân khách - Ảnh 3.

Hoạt động du lịch sông nước, miệt vườn quanh khu vực Cầu Ngang không còn nô nức du khách mỗi mùa trái cây chín như trước đây. Ảnh: Nguyên Vỹ

Xã An Sơn là một trong những vùng trồng cây măng cụt đặc sản ở TP.Thuận An. Nghề trồng măng cụt ở xã An Sơn nói riêng và cả xứ miệt vườn Lái Thiêu ngày trước nói chung là nghề lâu đời, đã trên 100 năm. 

Hiện tại, nghề trồng măng cụt đã vượt qua một số khó khăn như khắc phục phần nào tình trạng ô nhiễm do các nhà máy từ khu công nghiệp thải ra, ảnh hưởng của thời tiết... Người dân phấn khởi vì măng cụt được mùa. Cũng nhờ Quyết định số 45 của UBND tỉnh, nhất là việc hỗ trợ phân bón, khai thông kênh rạch đã tạo tiền đề cho vườn măng cụt phục hồi trở lại sau 10 năm.

Ông Trần Văn Viễn - Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp An Sơn cho biết, thương hiệu măng cụt Lái Thiêu đã được đăng ký để cạnh tranh trên thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho bà con. Tại xã An Sơn ngày nay, vẫn còn nhiều vườn măng cụt lâu đời và rộng, đẹp, có nhiều gốc măng cụt trên 100 tuổi. Người dân miệt vườn nơi đây còn có văn hóa ẩm thực với nhiều nét độc đáo, nhất là món gỏi măng cụt nổi tiếng gần xa.

"An Sơn có tiềm năng là như vậy nhưng du lịch hiện nay vẫn chưa phải là thế mạnh của địa phương" - ông Trần Văn Viễn nói.

Măng cụt Lái Thiêu ở An Sơn và các vùng lân cận vẫn được người tiêu dùng tin tưởng do chất lượng tốt. Tuy nhiên, người trồng cây ăn trái vẫn phải phụ thuộc vào thương lái cũng như giá cả bấp bênh của thị trường. Không ít hộ chuyển từ trồng măng cụt sang một số loại cây khác tương đối phổ biến, dễ trồng hơn như bòn bon, dâu… để phục vụ thị trường, du khách.

Ông Trần Văn Năm (ở xã An Sơn) kể, có một thời gian, nhận thức du lịch của người dân địa phương còn hạn chế, dẫn tới khu du lịch Cầu Ngang ngày càng vắng khách. Trong nỗ lực tìm lại hình ảnh khu du lịch Cầu Ngang vàng son một thời, người dân rất mong chính quyền địa phương định hướng để kết hợp vườn cây trái với du lịch. 

"Khi du lịch hồi sinh trở lại, không chỉ nhà vườn được nâng cao thu nhập mà sẽ là điều kiện tốt cho sự phát triển của địa phương" - ông Năm nói.

Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Tùng (Đại học Quốc gia TP.HCM), Bình Dương là tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái. Tuy nhiên, đặc điểm chung ở vườn bưởi xã Bạch Đằng và vườn trái cây xã An Sơn là có tiềm năng nhưng lại thiếu các điều kiện cần và đủ. 

 Tại Bạch Đằng, người dân mong muốn được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng vì hầu hết họ là nông dân, không có đủ kiến thức và kỹ năng làm du lịch. Tại An Sơn, nhà vườn lại có nhu cầu vay vốn với lãi suất ưu đãi, nhằm mở rộng đầu tư vườn trái cây, xây dựng các cơ sở dịch vụ phục vụ du lịch.

Một trong những yếu tố cần thiết để phát triển du lịch sinh thái là địa phương phải có những tiềm năng về tài nguyên, làng nghề, văn hóa. Không cần tìm đâu xa, chính cộng đồng địa phương với bản sắc văn hóa riêng của mình cũng là sản phẩm du lịch. 

"Hoạt động du lịch chỉ có hiệu quả khi cả cộng đồng địa phương cùng tham gia. Việc không tham gia hoặc tham gia không đầy đủ của cộng đồng địa phương sẽ khiến việc khai thác tài nguyên theo hướng không có lợi cho du lịch sinh thái" - thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Tùng phân tích thêm. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem