Bình Phước: Kỳ công “hồi sinh” các vườn tiêu, cho tiêu "ăn" dịch trùn quế, phân dê, hiệu quả bất ngờ

Nguyễn Vy Thứ hai, ngày 08/03/2021 12:33 PM (GMT+7)
Giá tiêu liên tục ở mức thấp hoặc do không còn vốn đầu tư, không ít vườn tiêu đã bị chặt bỏ hoặc sụt giảm sản lượng. Nhưng bằng những cách khác nhau, nhiều nông dân không những giữ lại được vườn hồ tiêu mà còn tạo ra năng suất lớn.
Bình luận 0

Trải qua bao thăng trầm do giá cả, sâu bệnh, ông Lê Văn Hưng ở xã Tân Hưng (huyện Đồng Phú, Bình Phước) là một trong những nông dân thủy chung gắn bó với cây hồ tiêu. Và bằng kinh nghiệm riêng, vườn tiêu 20 năm tuổi của ông đến nay vẫn xanh tốt.

Trồng 20 năm vẫn xanh tốt

Hơn 30 năm trước, ông Hưng cùng một vài hộ dân đầu tiên đến đây khai phá và lập nghiệp. Riêng gia đình ông sở hữu 6ha đất, trong đó có 4ha trồng cao su, phần còn lại trồng cây ăn trái và 2.000 trụ hồ tiêu.

Trải qua mấy đợt giá cả lên xuống thất thường, thua lỗ, nhiều chủ vườn bỏ bê khâu chăm sóc. Lại có nhiều vườn tiêu bị thoái hóa, già cỗi, bệnh chết dẫn đến năng suất, sản lượng chung sụt giảm. Nhưng với ông Hưng, giảm tới mức nào đó thì giá tiêu sẽ tăng trở lại do thiếu nguồn cung. Đây là chuyện thường tình của thị trường.

Kỳ công chăm sóc, “hồi sinh” các vườn tiêu - Ảnh 1.

Mô hình trồng tiêu hữu cơ của nông dân Bình Phước. Ảnh: N.V

Vì thế, ông Hưng nghĩ mình còn điều kiện thì ráng giữ lại để chăm sóc, đến khi được giá sẽ bù lại những lúc khó khăn. 

"Trồng cây cũng phải biết nuôi hy vọng. Nhưng hi vọng của tôi là có cơ sở bởi kinh nghiệm cá nhân vẫn đang giúp vườn tiêu hơn 20 năm tuổi xanh tốt" - ông Hưng nói.

Đất trồng tiêu được ông xử lý kỹ để hạn chế bệnh chết nhanh chết chậm. Phân bón cho tiêu được hòa tan sẵn trong nước chứ không bón trực tiếp. Ngay cả nguồn nước tưới cho cây cũng được lắng lọc chứ không bơm trực tiếp nước từ sông suối ao hồ, vốn ẩn chứa nhiều mầm bệnh hại cây.

Theo cách này, ông Hưng đào một cái ao lớn trong vườn, rồi phủ bạt nhựa dưới đáy. Nguồn nước được bơm từ giếng khoan vào, rồi để lộ thiên trong một thời gian mới đem tưới cho cây. Với chi phí chưa đến 10 triệu đồng nhưng dung tích lên đến cả trăm m3, ao nước này giúp vườn cây quanh năm xanh tốt.

Kỳ công chăm sóc, “hồi sinh” các vườn tiêu - Ảnh 2.

HTX hồ tiêu Suối Cao hiện có diện tích canh tác 40ha với 25 thành viên. Đại diện HTX cho biết các thành viên đang cố gắng giữ gìn, khôi phục vườn tiêu bằng nhiều giải pháp, trong đó có kết hợp chăn nuôi bò, dê với hồ tiêu.

Một kinh nghiệm khác, khi gốc tiêu trổ ra nhánh mới, thay vì cắt bỏ đi thì ông Hưng cho quấn tiếp vào thân cây trước đó. Cứ thế, năm này qua năm khác, thân cây trước kia bị già cỗi và chết đi thì lại có thân mới thay vào. Cây tiêu có tuổi thọ bền, và năng suất tiêu lại được kéo dài.

Nâng cao giá trị thay vì diện tích

Còn tại huyện Lộc Ninh (Bình Phước), anh Phạm Quang Chung chọn cách kiên trì con đường nông nghiệp hữu cơ, sinh thái cho vườn trồng. Vườn tiêu của anh hạn chế tối đa thuốc BVTV và phân bón hóa học. 

Thay vào đó, anh dùng các chế phẩm hữu cơ như: Đạm cá hồi, dịch trùn quế, bã thực vật ủ lên men bón cho cây. Những điều này đều do anh tự học hỏi, tự nghiên cứu, tự làm ra để phục vụ sản xuất.

Anh Chung chia sẻ, sản lượng tiêu Bình Phước cũng như cả nước niên vụ này sẽ sụt giảm. Đây cũng là điều đã được dự báo trước. Riêng với 2ha hồ tiêu đang canh tác hữu cơ của mình, vụ này sẽ được mùa. "Vụ trước chỉ thu 4,5 tấn; vụ này gia đình ước thu khoảng 6 tấn" - anh Chung nói.

Là giám đốc HTX hồ tiêu hữu cơ trên địa bàn xã, những kinh nghiệm và hiệu quả của cách làm làm hữu cơ, sinh thái lại được anh Chung chia sẻ cho các xã viên khác. Nhất là với những bà con đang chăn nuôi dê, không những giữ được vườn tiêu mà còn tạo ra năng suất tiêu dài lâu.

Một trong những biện pháp, đó là trồng cỏ lạc tiên trong vườn tiêu. Lớp cỏ này giúp chống xói mòn và giữ ẩm cho đất. Sau khi cắt, lớp cỏ lạc này vừa bổ sung mùn hữu cơ cho vườn tiêu vừa làm thức ăn nuôi dê. "Nguồn phân thải từ chuồng dê lại được ủ hoai mục để bón ngược lại cho vườn tiêu, giúp tăng độ phì nhiêu cho đất" - anh Chung chia sẻ.

Tại HTX hồ tiêu Suối Cao ở huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), vườn tiêu của ông Nguyễn Thiện cũng nhờ kết hợp với nuôi dê mà xanh tốt và cho trái rất ổn định. Vườn tiêu của ông vốn lắp hệ thống tưới nước tiết kiệm nước. Nguồn phân bón lại dùng từ đàn dê 100 con đang nuôi. Nhờ đó ông Thiện đã giảm đến mức thấp nhất chi phí đầu tư cho vườn tiêu.

Ông Thiện cho hay, lúc nào gia đình cũng duy trì chăn nuôi khoảng 100 con dê để có nguồn phân bón cho gần 1ha hồ tiêu. Với giá bán dê thịt ổn định từ 130.000 đồng/kg, anh thu lợi gần 1 triệu đồng/con dê sau khi xuất bán.

Mấy năm nay tiêu xuống thấp nên nhiều trồng tiêu nản chí lắm. Riêng ông quyết giữ vườn bằng mọi giá. Nhà có nuôi dê nên luôn có sẵn nguồn phân hữu cơ cho hồ tiêu. Năng suất vườn tiêu của ông đạt gần 5 tấn/ha.

HTX hồ tiêu Suối Cao hiện có diện tích canh tác 40ha với 25 thành viên. Đại diện HTX cho biết các thành viên đang cố gắng giữ gìn, khôi phục vườn tiêu bằng nhiều giải pháp. Trong đó có kết hợp chăn nuôi bò, dê với hồ tiêu. Cách làm này tuy không mới, nhưng khi cây hồ tiêu còn chưa hết khó khăn thì đây vẫn là cách làm hiệu quả để nhiều người tham khảo.

Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có hơn 12.000ha hồ tiêu. Theo ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, hồ tiêu vẫn là cây trồng chủ lực của tỉnh. Hiện nay, Đồng Nai không khuyến khích phát triển thêm diện tích cây tiêu. 

"Thay vào đó, tỉnh sẽ tập trung triển khai các nhóm giải pháp nhằm nâng cao giá trị hồ tiêu thông qua nâng cao năng suất, chất lượng; đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường để nông dân trồng tiêu ổn định sản xuất" - ông Phi chia sẻ. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem