Những trăn trở ở vùng trồng tiêu
Những năm gần đây, giá tiêu không còn “hấp dẫn” như trước, năng suất từ cây tiêu cũng giảm đáng kể. Tuy nhiên, người dân vẫn gắn bó với cây tiêu. Để duy trì kinh tế gia đình, nhiều hộ dân đã tăng gia sản xuất để có thêm thu nhập, một số hộ đã mạnh dạn thay đổi giống tiêu mới, bước đầu cho năng suất khá cao.
Giữ “thương hiệu” vùng trồng tiêu
Xuân Thọ đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao từ năm 2016, điểm nổi bật của xã NTM nâng cao này chính là vấn đề giao thông nông thông. Hầu hết các tuyến đường trên địa bàn xã đều bảo đảm các tiêu chí sáng - xanh - sạch - đẹp. Xuân Thọ nổi tiếng là vùng trồng tiêu có năng suất cao của tỉnh trải đều ở các ấp Thọ Phước, Thọ Lộc, Thọ Hòa với diện tích khoảng 500ha.
Tuy nhiên, những năm gần đây, cây tiêu chưa thích ứng kịp với sự thay đổi của thời tiết dẫn đến năng suất kém đi, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Trong bối cảnh đó, lãnh đạo địa phương đã cùng các ấp phối hợp, rà soát diện tích cây trồng chuyển đổi từ tiêu sang một số loại cây trồng khác để nắm bắt nhu cầu và định hướng hỗ trợ cho người dân về khoa học kỹ thuật chăm sóc trên các loại cây con đã chuyển đổi nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời tổ chức lớp tập huấn cho một số hộ dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây tiêu theo hướng hữu cơ. Từ đó, một số nông dân đã mạnh dạn thử nghiệm giống tiêu mới, bước đầu cho những tín hiệu khả quan về năng suất.
Chúng tôi ghé thăm vườn tiêu giống Srilanka được nhập về từ Thái Lan và đang trồng thử nghiệm 2 năm nay trên 5 sào đất của gia đình bà Trần Thị Loan, ấp Thọ Lộc, điểm khác biệt thu hút ánh nhìn đầu tiên chính là những chùm hạt tiêu dày đặc, sai trĩu từ chân đến ngọn của cây tiêu. Theo quan sát của một cán bộ phụ trách nông nghiệp trên địa bàn xã, chiều dài chùm hạt tiêu giống Srilanka gấp đôi chùm tiêu giống cũ có tên Vĩnh Linh, hạt tiêu to và đều cho thấy vườn tiêu giống mới của gia đình bà Loan được chăm sóc khá kỹ.
Chia sẻ về thành quả sau 2 năm thử nghiệm giống mới của mình, bà Loan cho biết, tiêu giống Srilanka là loại giống tiêu cao sản, cho năng suất cao hơn giống tiêu Vĩnh Linh truyền thống người nông dân sử dụng nhiều năm nay nhưng đòi hỏi người trồng giống này phải bỏ công chăm sóc tỉ mỉ hơn, nhu cầu nước của cây tiêu cao hơn, từ đó kéo theo chi phí cũng tăng. Tuy nhiên, có thể nói năng suất trên cây tiêu có thể gấp đôi giống tiêu cũ. Bà Loan nhận định: “Nếu dùng 1 ngày công mỗi người hái tiêu giống mới có thể được 20kg hạt tiêu còn đối với giống cũ sẽ ít và lâu hơn. Về cơ bản sự khác nhau về kích cỡ, sự tăng trưởng và sớm cho thu hoạch là những ưu điểm khiến tôi hài lòng khi thử nghiệm thành công giống mới. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục nhân rộng diện tích tiêu Srilanka cho diện tích đất còn lại của gia đình”.
Năm 2014, HTX Hồ tiêu Xuân Thọ được thành lập với nhiệm vụ liên kết, hỗ trợ nông dân về kỹ thuật để chăm sóc cho cây tiêu, đồng thời xây dựng cánh đồng lớn, tạo chuỗi liên kết do HTX Hồ tiêu Xuân Thọ làm chủ dự án để liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu trên địa bàn xã. Hiện mô hình này đang tiến hành triển khai thực hiện một cách có hiệu quả và đem lại thu nhập cho các thành viên tham gia vào chuỗi liên kết.
Ông Nguyễn Hữu Thắng, người từng được Hiệp hội Hồ tiêu thế giới công nhận là Người trồng tiêu giỏi nhất Việt Nam, đồng thời là Giám đốc HTX Hồ tiêu Xuân Thọ cho biết, dù năng suất cũng như giá thành của hạt tiêu không còn cao như những năm trước nhưng người dân vẫn bám cây tiêu, vẫn tìm hướng đi mới để duy trì thương hiệu tiêu Xuân Lộc đã gầy dựng nhiều năm nay. “Sản phẩm hồ tiêu của HTX đã được công nhận nhãn hiệu hồ tiêu Xuân Lộc. Với trách nhiệm thu mua tiêu của bà con, giải quyết đầu ra cho sản phẩm, HTX đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm tiêu với các thành viên trong HTX và nông dân ngoài HTX, hiện HTX đã ký hợp đồng với Công ty TNHH XNK Nông sản Đăng Nguyên (tỉnh Bình Dương) trong việc thực hiện tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu.
Tận dụng phế phẩm từ cây tiêu
Cũng là người gắn bó lâu năm với cây tiêu, gia đình ông Nguyễn Tất Sơn vẫn tiếp tục kiên trì với cây tiêu. Ông Sơn cho biết, sau 5 năm thay vườn tiêu đã già cỗi thành vườn tiêu mới, vườn tiêu 5 sào của gia đình ông đang vào giai đoạn thu hoạch, với kỹ thuật chăm sóc tốt và cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình, những trụ tiêu xum xuê trái đang ở độ tuổi cho thu hoạch cao nhất. Tuy nhiên, với giá thành bấp bênh như hiện nay, gia đình ông Sơn đã đầu tư thêm chuồng nuôi dê. Với nguồn thức ăn tại chỗ là lá cây tiêu và cỏ trồng nuôi đàn dê gần 20 con, mỗi tháng cũng mang về cho gia đình ông Sơn thu nhập khoảng trên dưới 15 triệu đồng.
“Dù cây tiêu không còn được giá như trước nhưng chúng tôi cũng không muốn chuyển đổi sang cây khác vì đã gắn bó với cây tiêu từ nhiều năm nay, đã hiểu và biết cách chăm sóc, cây tiêu cũng đang dần thích nghi với trạng thái khí hậu mới nên dần ổn định năng suất, bà con sẽ yên tâm sản xuất hơn” - ông Sơn chia sẻ.
Cũng như gia đình ông Sơn, nhiều gia đình nông dân khác đã tận dụng những phế phẩm nông nghiệp từ cây tiêu, xen canh trồng cỏ làm thức ăn nuôi dê. Bà Trần Thị Loan cho hay, với gần 200 con dê thịt trong chuồng, mỗi tháng gia đình bà có thêm thu nhập từ 20-30 triệu đồng từ tiền bán dê thịt. Nguồn thực ăn chính để nuôi dê là cỏ trồng tại vườn và lá tiêu nên chi phí không cao.
Chia sẻ về những hướng đi mới của bà con, ông Nguyễn Hữu Thắng cho rằng, việc giữ gìn thương hiệu tiêu sạch Xuân Lộc luôn được người dân xem trọng, bản thân ông những năm qua vẫn luôn tìm hướng đi mới để làm sao đưa sản phẩm tiêu của Xuân Lộc ngày càng rộng rãi trên thị trường, đây là kênh tiếp thị giúp bà con tiêu thụ sản phẩm nhanh nhất. Hiện nay, qua kiểm tra chất lượng hạt tiêu từ các cơ quan chuyên môn, hạt tiêu ở Xuân Lộc chỉ đứng sau tiêu Phú Quốc về độ thơm, còn độ cay và tinh dầu trong hạt tiêu thì không thua kém. Tiêu sạch Xuân Thọ đã được công nhận của chương trình Mỗi xã một sản phẩm của tỉnh (OCOP) đạt 3 sao, qua khảo sát, thẩm định, sản phẩm tiêu đã đạt những tiêu chí của sản phẩm OCOP 4 sao, hiện đang chờ quyết định của UBND tỉnh. Để tìm hướng đi bền vững cho cây tiêu trong thời gian tới, ông Thắng cho rằng: “HTX sẽ tiếp tục là cầu nối cùng với người dân giữ gìn vùng chuyên canh cho cây tiêu. Đồng thời khuyến khích bà con chuyển đổi dần cách chăm sóc theo hướng hữu cơ để khẳng định chắc thương hiệu tiêu sạch địa phương”.