Bộ Chính trị bổ sung quy định để xử lý tham nhũng hiệu quả hơn

01/03/2020 09:02 GMT+7
Quy định 211-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thay thế cho Quy định 163-QĐ/TW năm 2013, đã có những nội dung được sửa đổi, bổ sung để giúp việc chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra và xử lý tham nhũng hiệu quả hơn.
Bộ Chính trị bổ sung quy định để xử lý tham nhũng hiệu quả hơn - Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì một phiên họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (ảnh noichinh.vn)

Trong Quy định 211 so với Quy định 163 có những điều, khoản được sửa đổi, bổ sung như nhiệm vụ và quyền hạn của Trưởng Ban, Phó trưởng Ban thường trực, Phó trưởng Ban, Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng…Quy định 211 –QĐ/TW của Bộ Chính trị gồm 3 chương 15 điều.

Một trong những điều được bổ sung và quy định chi tiết hơn so với quy định trước đó là nhiệm vụ và quyền hạn của Thường trực Ban Chỉ đạo. Theo Quy định cũ, Thường trực Ban Chỉ đạo gồm Trưởng Ban và các Phó Trưởng Ban, làm việc theo quy chế của Ban Chỉ đạo thì nay trong Quy định 211 của Bộ Chính trị đã nêu rõ nhiệm vụ và quyền hạn Thường trực Ban Chỉ đạo.

Về nhiệm vụ: Thay mặt Ban Chỉ đạo chỉ đạo việc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác và giải quyết các công việc phát sinh giữa hai phiên họp của Ban Chỉ đạo. Giải quyết hoặc kiến nghị Ban Chỉ đạo giải quyết các đề xuất, kiến nghị của Thành viên Ban Chỉ đạo hoặc Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo…

Chỉ đạo việc phát hiện, cho chủ trương xử lý đối với một số vụ việc, vụ án tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; yêu cầu cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền thẩm tra, phúc tra hoặc giải quyết lại nhằm bảo đảm việc xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật; chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thanh tra, kiểm toán, xử lý các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Về thẩm quyền: Yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền kịp thời xử lý, tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác, tạm đình chỉ sinh hoạt đảng, sinh hoạt cấp uỷ theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước khi có căn cứ cho rằng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý có hành vi tham nhũng, vi phạm quy định của Đảng, vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng, cản trở, gây khó khăn đối với hoạt động phòng, chống tham nhũng hoặc không đủ năng lực để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng được giao.

Trước đây làm việc theo quy chế của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo đã có những đóng góp rất quan trọng, kịp thời đưa ra chủ trương, chỉ đạo đưa những vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

Tại cuộc họp ngày 18/11/2019, Thường trực Ban Chỉ đạo đã thống nhất bổ sung 2 vụ án vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, gồm: Vụ án "Buôn lậu, Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, Rửa tiền" xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Giải pháp và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường, Công ty trách nhiệm hữu hạn Giải pháp phần mềm Nhật Cường và các đơn vị có liên quan; Vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Một vụ án được dư luận xã hội quan tâm khác là vụ Mobifone –AVG, khi vụ việc này đang ở giai đoạn xử lý kết luận thanh tra, tại cuộc họp tháng 4/2018, Thường trực Ban Chỉ đạo đã thống nhất đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Sau đó những sai phạm trong thương vụ Mobifone –AVG đã được xử lý triệt để, từ kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính, khởi tố, truy tố và cuối năm 2019, vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm với bản án nghiêm minh dành cho các bị cáo.

Lương Kết
Cùng chuyên mục