Bỏ giá sàn vé máy bay: Ai lợi, ai thiệt?

Thế Anh Thứ hai, ngày 12/06/2023 13:39 PM (GMT+7)
Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, bỏ giá sàn vé máy bay sẽ tác động tới thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc bỏ giá sàn sẽ mang lại nhiều cơ hội cho người dân được tiếp cận vé máy bay giá rẻ.
Bình luận 0

Bỏ giá sàn vé máy bay

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV thảo luận tại hội trường về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi), Chính phủ đề nghị phải giữ quy định về giá trần vé máy bay và bỏ quy định về giá sàn vé máy bay đối với vận chuyển hành khách hàng không nội địa.

Đa số đại biểu Quốc hội cũng tán thành việc cần giữ quy định về giá trần; bỏ quy định về giá sàn vé máy bay đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc giữ quy định về giá trần và bỏ quy định về giá sàn vé máy bay đối với dịch vụ hàng không nội địa là cần thiết.

Bỏ giá sàn, giá vé máy bay nội địa có giảm "sốc"? - Ảnh 1.

Hành khách làm thủ tục tại sân bay Nội Bài. Ảnh: TA

Theo đó, Bộ GTVT đang lấy ý kiến sửa đổi một số điều của Thông tư số 17/2019 về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.

Bộ GTVT đề xuất trong dự thảo với đường bay dưới 500km, giá dịch vụ vận chuyển được giữ nguyên theo Thông tư 17.

Đối với nhóm đường bay phát triển kinh tế xã hội vẫn có mức giá tối đa là 1,6 triệu đồng/vé máy bay một chiều. Nhóm đường bay khác dưới 500 km có mức giá tối đa là 1,7 triệu đồng/vé máy bay một chiều.

Với các đường bay từ 500 km đến dưới 850 km, mức giá tối đa đề xuất là 2,25 triệu đồng/vé máy bay một chiều. Trong khi theo quy định hiện hành, con số này là 2,2 triệu đồng/vé.

Đối với đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km, mức giá tối đa đề xuất là 2,89 triệu đồng/vé máy bay, cao hơn 100 nghìn đồng so với quy định hiện hành.

Ngoài ra với đường bay có khoảng cách từ 1.000 km đến dưới 1.280 km, mức giá tối đa là 3,4 triệu đồng/vé máy bay, cao hơn 200 nghìn đồng so với quy định hiện hành.

Cùng với đó, dự thảo đề xuất đường bay từ 1.280 km trở lên có mức giá 4 triệu đồng/vé máy bay, đây là con số cao hơn quy định hiện hành 250 nghìn đồng.

Mức tối đa giá dịch vụ đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho 1 vé máy bay, trừ thuế giá trị gia tăng và các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách cũng như dịch vụ bảo đảm an ninh như giá phục vụ hành khách, giá bảo đảm an ninh, hành lý.

Mức tối đa giá dịch vụ cũng chưa tính khoản giá dịch vụ với các hạng mục tăng thêm. Đây là khoản giá do các hãng hàng không quyết định trên cơ sở cân đối khả năng cung cấp dịch vụ của hãng hàng không và nhu cầu của thị trường.

Các hãng hàng không quy định giá vé cụ thể trên đường bay hoặc nhóm đường bay theo phương thức đa dạng giá vé cho mỗi đường bay và chính sách giá giảm thường xuyên dành cho đồng bào, chiến sỹ thường trú tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Bỏ giá sàn, giá vé máy bay nội địa có giảm "sốc"? - Ảnh 2.

Các hãng hàng không hoạt động tại sân bay Nội Bài

Tạo cạnh tranh lành mạnh

Trao đổi với PV Dân Việt, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đề xuất bỏ quy định về giá sàn nhằm tạo cơ chế khuyến khích cạnh tranh, giảm giá dịch vụ, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, nhất là đối tượng có thu nhập thấp được tiếp cận các dịch vụ hàng không; giảm chi phí xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Đại diện Cục này cho rằng: "Với việc bỏ giá sàn sẽ mở cơ hội cho doanh nghiệp cạnh tranh nhưng hoàn toàn không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có quyền cạnh tranh không lành mạnh".

"Hiện nay, doanh nghiệp hoạt động đều phải tuân thủ các quy định Luật Cạnh tranh. Do đó, doanh nghiệp có hạ giá vé máy bay thì vẫn phải tuân thủ các quy định tại Luật Cạnh tranh, đại diện Cục Hàng không nêu vấn đề.

Cũng theo đại diện Cục Hàng không Việt Nam, bỏ giá sàn vé máy bay sẽ tác động tới thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc bỏ giá sàn sẽ mang lại nhiều cơ hội cho người dân được tiếp cận vé máy bay giá rẻ.

Cùng với đó, sẽ thúc đẩy phát triển thị trường hàng không nội địa, tạo cạnh tranh sôi động; từ đó, tăng số lượng người dân sử dụng dịch hàng không, góp phần tăng doanh thu, lợi nhuận cho các hãng hàng không.

Trước đó, tại văn bản gửi tới Cục Hàng không Việt Nam, Vụ Tài chính, Vụ Vận tải (Bộ GTVT), Bộ Tài chính cho biết chức năng quản lý Nhà nước về hàng không do Bộ GTVT quy định.

Bộ Tài chính dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định: “Hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa trong khung giá do Bộ GTVT quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ GTVT”.

Theo Bộ Tài chính, cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng trực thuộc Bộ GTVT là nhà chức trách hàng không.

Bộ GTVT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về hàng không dân dụng và giá dịch vụ vận chuyển hàng không.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem